007 thực sự, người ép Hoa Kỳ nhảy vào Thế chiến II

21/07/2015 10:55 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - James Bond có nhiều khuôn mẫu ngoài đời, số 1 trong đó có lẽ là William Stephenson.

Đích thân Winston Churchill năm 1940 cử điệp viên siêu hạng của mình qua New York để ép Hoa Kỳ nhảy vào Thế chiến II bằng mọi giá.

William Stephenson

... choáng nặng. Đội điện báo của ông vừa phá mã được bản tin đánh từ một đài phát bí mật của quân đội Đức Quốc xã từ New York. Một thủy thủ Anh đã bán cho Đức các hải trình của đội tàu đồng minh chở vũ khí từ Mỹ sang Anh. Trên Đại Tây Dương, tàu ngầm Đức sẽ chẳng khó khăn gì để tiêu diệt đội tàu vận tải đó.

Stephenson suy nghĩ chốc lát rồi rời phòng giấy của mình ở Phòng Điều phối an ninh Anh British Security Coordination (BSC) trong cao ốc Rockefeller Center, vốn là địa chỉ trá hình của tình báo Anh Secret Intelligence Service ở New York.

Khi đêm đen buông xuống, Stephenson trở về. Một điều tra viên của FBI, cũng nhận lệnh tham gia vụ này, sốt ruột đợi ông để bàn kế hoạch hợp tác. “Thằng chó này đáng cho một búa“, anh ta bực bội. “Xong rồi“, Stephenson đáp ngắn gọn. Cộng tác viên người Mỹ không khoái cách nói đùa ấy của người Anh; cho đến khi báo đăng tìm thấy xác một thủy thủ Anh trong một tầng hầm bỏ hoang.


Năm 1953 Ian Fleming xuất bản cuốn tiểu thuyết James Bond đầu tiên và lấy William Stephenson là một trong những hình mẫu chính

Giai thoại trên về một sự kiện diễn ra lúc nào đó giữa 7/1940 và 12/1941 được thuật lại bởi Ian Fleming, lúc đó chưa thành cha đẻ của nhân vật Der James Bond huyền thoại, quen tai hơn với mã số 007. Flemming cũng chỉ nghe kể lại từ Giám đốc FBI Edgar Hoover. Nhà văn tương lai Fleming ấn tượng bởi tài năng của Stephenson, như ông kể lại năm 1962 với tờ Sunday Times và không quên nhắc thêm: James Bond là “phiên bản lãng mạn hóa“ của một điêp viên, còn Stephenson mới là “nhân vật thực thụ“.

Fleming có dịp làm quen thần tượng của mình trong Thế chiến II khi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc của tình báo hải quân Anh. Bên cạnhh một số hình mẫu khác như Edward Yeo-Thomas người Anh hay điệp viên hai mang Nam Tư Dusko Popov - người cố gắng cảnh báo Mỹ trước trận tấn công Trân Châu Cảng nhưng không được ai để ý - Stephenson chủ yếu là mẫu người thông minh và sắc bén để Flemming dựng lên 007.

Tiểu sử của Stephenson

... bắt đầu giống như người hùng tiểu thuyết và màn bạc 007: ông chào đời 1896 ở Canada. Trong Thế chiến I ông chiến đấu trong hàng ngũ Pháp chống lại Đức, thoạt tiên là bộ binh, sau này lái chiến đấu cơ. Do một nhầm lẫn tai hại, ông bị đồng đội bắn rơi và thành tù binh của Đức. Khi vượt ngục hồi 10/1918, ông thó được một con dao mở đồ hộp, dĩ nhiên không ngờ là sau khi giải ngũ ông đăng ký bản quyền và trở nên giàu có nhờ nó.   

1924, trên đường đến Berlin, Stephenson lại trúng số độc đắc lần nữa. Trong một cửa hiệu, ông tình cờ thấy cái máy Enigma, một công cụ mã hóa do người Đức chế tạo. Ông mua về nộp cho tình báo Anh. Cơ quan này đánh hơi thấy sự mẫn cảm của Stephenson, nhận ông vào và sau này trao cho ông một nhiệm vụ độc nhất vô nhị trong Thế chiến II.

Ngày 21/6/1940, Stephenson, lúc này mang mật danh Intrepid, đến New York. Thủ tướng Anh đương nhiệm, Sir Winston Churchill, trực tiếp chọn ông để gửi qua Mỹ. Anh là quốc gia độc nhất ở châu Âu chống lại nước Đức của Hitler. Và Stephenson được lệnh bằng bất kỳ giá nào cũng phải thuyết phục Mỹ tham chiến với tư cách đồng minh của Anh. Một nhiệm vụ hầu như bất khả thi, vì 80% người Mỹ không đồng ý Mỹ dấn thân vào cuộc chiến. 


William Stephenson cũng là người phát minh ra máy truyền ảnh qua sóng điện từ

Trên cửa văn phòng BSC

... của Stephenson treo tấm biển “Phòng cấp hộ chiếu“. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, Stephenson có tổng cộng 3.000 nhân viên. Họ không chỉ hoạt động ở Mỹ mà được tung sang Canada và vùng Caribbean. Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt không chỉ được thông tin về hoạt động của Stephenson, mà còn ra chỉ thị hỗ trợ tối đa. Hoover, Giám đốc FBI, được lệnh bí mật chống lưng cho tình báo Anh.  

Stephenson không bỏ hành vi nào khả dĩ làm tổn hại quân Đức. Trong năm 1941 BSC mở hai xưởng làm hàng giả mang tên Camp X và Station M ở Canada. Từ đây, vô số quân phục, thẻ và hộ chiếu Đức được chế tạo hết sức tinh vi. Cuối năm 1941 Stephenson triệt hạ Hãng hàng không Italy LATI chuyên nối Italy với  Rio De Janeiro - Unterhielt. Ông chế một lá thư từ tổng hành dinh LATI ở Rome gửi cho Vicenzo Coppola, Giám đốc chi nhánh Rio. Trong thư có lời nhục mạ Tổng thống Brazil Getulio Vargas là “gã béo lùn trong tay người Mỹ“.

Trong thời gian đó Italy hỗ trợ một đảng phát xít ở Brazil nhằm đảo chính Vargas. Điệp viên của BSC tìm cách để lá thư xuất hiện... trên bàn giấy của Vargas. Kết quả là không chỉ LATI bị đóng cửa và Coppola vào tù, mà Brazil còn chính thức tuyên chiến với Mussolini và Hitler năm 1942. Anh cũng mua được cao su tự nhiên từ Brazil, rất cần cho quân nhu.

Nhiệm vụ chính của Stephenson

... tuy nhiên là gây tác động vào dư luận Mỹ. Trước tiên ông cài một điệp viên vào Viện Thăm dò dư luận Gallup, và người này làm lệch mọi kết quả mọi kết quả điều nghiên của Gallup. Stephenson còn thọc tay vào tận các tòa báo. Paul Patterson, chủ báo Baltimore Sun, bị nữ điệp viên Alice của Stephenson mê hoặc. J.Edgar Hoover còn sai nhân viên khủng bố các biên tập viên tại mấy tòa báo nhỏ qua điện thoại, cốt để họ đưa tin theo chiều hướng có lợi.

BSC còn lập hẳn một kênh radio riêng mang tên World Radio University Listeners để kích động chiến tranh. Thính giả Mỹ hoàn toàn tin đó là một kênh truyền thanh Mỹ. Các chính khách “ngang ngạnh“ bị bôi nhọ, như trường hợp Thống đốc bang Gerald Nye. Hàng ngàn truyền đơn và nhiều bài báo gọi ông là “người có cảm tình với Đức Quốc xã“. Đảng viên Cộng hòa Hamilton Fish, một người phản đối chiến tranh, bị chụp ảnh cũng các bạn bè là phát xít ở Mỹ - dĩ nhiên ảnh do BSC chế...

Ngày 7/12/1941 rốt cuộc William Stephenson đạt mục đích của mình với sự trợ lực từ Nhật. Hải quân Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, và 4 ngày sau Hoa Kỳ tuyên chiến, thành đồng minh bên cạnh quân Anh.  

Stephenson ở lại New York để giúp xây dựng tổ chức OSS, sau này là CIA, cho đến khi về an hưởng tuổi già ở đảo Bermuda.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm