'Những người Roma điên'

22/10/2015 18:50 GMT+7 | Italy

(lienminhbng.org) - Roma: “Hãy nhìn lên trời cao. Chỉ bầu trời kia là vĩ đại hơn các anh”. Lazio (đáp lại): “Các chú nói đúng. Bầu trời có màu xanh-trắng, màu của Lazio”.

Đó là hai tấm banners của CĐV Roma và Lazio được treo ở thủ đô vào năm 2001, năm mà Roma giành Scudetto thứ 3 trong lịch sử. Những kẻ cao ngạo coi mình là số 1 trong thành phố, và chỉ đứng dưới bầu trời.

Roma ngạo nghễ trong ách cai trị của trùm độc tài Benito Mussolini từ lúc ra đời, khi được thành lập dựa trên sự hợp nhất của ba đội bóng: L’Alba, La Roman và La Fortitudo.

Roma ngạo nghễ bởi đó là đội bóng dành cho tầng lớp lao động nghèo, khi Lazio có lịch sử lâu đời hơn, được ưu ái trong chiến tranh và là biểu tượng của những người cực hữu.

Roma ngạo nghễ, chỉ sử dụng lối chơi tấn công trong suốt lịch sử. Có thể nhớ nhiều hậu vệ xuất chúng của các đội bóng khác tại Ý, nhưng với riêng Roma, để được chú ý, bạn phải là một cầu thủ tấn công. Đó là Bruno Conti (tiền vệ tấn công), Roberto Pruzzo (tiền đạo), Francesco Totti (số 10), Agostino Di Bartolomei (tiền vệ trung tâm giỏi ghi bàn), Roberto Falcao (một “fantasista”)…

Sự kiêu ngạo khiến Roma rất nhiều lần mất vinh quang đáng tiếc. Họ thua ở chung kết Cúp C1 1984 trước Liverpool sau loạt luân lưu, đánh mất Scudetto năm 1986 thời Sven Goran Eriksson.

Lòng tự tôn lớn, tính phóng khoáng và ưa vui vẻ của những người mặc áo bã trầu, khiến Roma giàu khí thế cả khi nghèo khổ, dù những chiếc cúp cao quý nhất thường xa lánh.

“Những người Roma này bị điên”, La Gazzetta dello Sport giật tít như vậy về trận hòa 4-4 của họ trước Bayer Leverkusen rạng sáng qua. 0-2, 4-2 rồi 4-4, Roma khởi đầu trong cơn mê ngủ, đòi lại “công lý” trong cơn hưng phấn, và kết trận trong cơn mê sảng. Rudi Garcia vẫn phải vỗ về toàn đội rằng, 1 điểm trên sân khách như thế là “tích cực”, nhưng tiền vệ Radja Nainggolan đã nói thẳng: “Chúng tôi có lẽ quá tự tin”.

Quá tự tin nghĩa là tự kiêu, và vì trận hòa đáng tiếc, Roma hiện đứng bét bảng. Họ gặp bất lợi so với BATE Borisov và Bayer Leverkusen trong cuộc đua giành ngôi nhì bảng E (khi Barcelona quá mạnh).

“Những người Roma điên” đã thua 2 bàn ở BayArena sau 19 phút đầu; thua ba bàn tại Belarus trước BATE sau 30 phút; để thủng lưới trước Barca ở phút 21. “Những người Roma điên” không thắng 11/12 trận Champions League gần nhất, đôi khi chỉ là thua sát nút, nhưng cũng có lúc thảm bại đến 1-7 như trước Bayern Munich vào năm ngoái.

Họ là hàng công mạnh nhất Serie A với 20 bàn sau 8 vòng đầu, nhưng là hàng thủ tệ nhất trong Top 5 (để thua 10 bàn). Roma là một phần của khí thế bóng đá nơi miền Trung và Nam nước Ý, cùng với Fiorentina và Napoli, ba đội ghi bàn đáng sợ nhất toàn Serie A. Số bàn thắng của các thể lực miền Bắc là Inter, Milan và Juve cộng lại chỉ là 26.

Người yêu bóng đá tấn công sẽ cảm ơn Roma vì bữa tiệc độc nhất trên nước Đức vào rạng sáng qua. Thứ bóng đá tươi tắn, đầy sáng tạo, với Miralem Pjanic sút phạt quá hay, De Rossi rất có duyên ghi bàn, tốc độ của Gervinho và Salah quá đáng sợ; chỉ có điều trung vệ Rudiger (chưa khỏi hẳn chấn thương) đã chơi tệ, Digne mắc sai lầm đáng tiếc trong khi Torosidis vô duyên, sau khi thủ thành Szczesny đã mắc lỗi trước BATE Borisov ở trận trước.

Biết rằng, “thứ bóng đá điên” không thích hợp với Champions League. Vậy mà ai cũng muốn xem.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm