03/06/2013 06:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Bị lãng quên từ lâu ở quê nhà, phải tới giờ danh họa Edvard Munch mới được Na Uy tôn vinh là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất của đất nước này, thông qua việc triển lãm hồi cố lớn nhất nhân 150 năm ngày sinh của ông và xây dựng Bảo tàng Munch mới.
Triển lãm được tổ chức tại 2 điểm, trong đó Phòng trưng bày Quốc gia đề cập đến khía cạnh “Munch đã trở thành Munch như thế nào” khi xoáy đến thời kỳ hình thành sự nghiệp của ông, từ năm 1882 đến năm 1903. Còn Bảo tàng Munch mô tả giai đoạn trưởng thành hơn của Munch trong 40 năm cuối đời của ông.
Edvard Munch |
Ngay từ những nét cọ vẽ đầu tiên, Munch đã chứng tỏ tài năng độc đáo của mình, bộc lộ là một nghệ sĩ tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện vào thời điểm trường phái này còn mới mẻ.
Munch thường đề cập đến những chủ đề khó, như trong bức tranh The Sick Child (Đứa trẻ ốm), khiến các nghệ sĩ cùng thời không hiểu được tác phẩm của ông. Họ gạt bỏ những bức tranh của ông như thể chúng không phải các tác phẩm hoàn thiện.
Những bức tranh mang đề tài bệnh tật của Munch có các đặc điểm khá riêng tư liên quan tới cuộc đời ông. Nguyên nhân khi còn trẻ, ông đã phải chứng kiến cái chết của mẹ và em gái do bệnh lao.
Một số chủ đề khác mà ông chọn khai thác cũng gây sốc cho người cùng thời. Ví dụ, ông đề cập đến những đề tài cấm kỵ như tuổi dậy thì và cuộc sống phóng túng.
Một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông đó là vẽ một chủ đề nhưng thể hiện sự phát triển qua nhiều phiên bản khác nhau. Chẳng hạn như loạt tranh mô tả sự phát triển và sự suy tàn của tình yêu The Kiss (Nụ hôn) và Jealousy (Ghen); nỗi lo lắng cùng cực, cách biểu hiện đáng nhớ trong loạt tranh The Scream (Tiếng thét); cái chết trong tranh Giường người chết (The Death Bed).
Đây là những đề tài không nhuốm màu thời gian, chúng vẫn mang màu sắc rất hiện đại. Đó chính là lý do tại sao Munch vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nền văn hóa đại chúng. Thực tế các tác phẩm của ông vẫn hiện diện trong mọi thứ, từ áo phông đến phim ảnh.
Triển lãm Munch 150 tại Phòng trưng bày Quốc gia ở Oslo. |
Xây dựng Bảo tàng Munch mới
Tuy nhiên, Munch đã bị lãng quên trong nhiều năm ở chính quê hương mình. Tháng 4/1940, ông đã để lại di sản đồ sộ của mình, gồm 1.100 bức tranh, 3.000 tranh phác thảo, 18.000 bản khắc a-xít và 2 phiên bản bức tranh Tiếng thét, cho thành phố Oslo để chúng không bị Phát xít Đức phá hoại.
Nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, các tác phẩm của ông bị bó lại và chỉ có một phần được trưng bày trong Bảo tàng Munch, một tòa nhà được xây dựng sơ sài tại một quận hẻo lánh ở thủ đô Na Uy.
Các điểm trưng bày tranh của Munch tại Na Uy cũng chỉ đón được lượng tham quan ở mức vừa phải và tình hình an ninh tại các điểm này vô cùng lỏng lẻo. Đó là lý do 2 phiên bản kiệt tác Tiếng thét đã bị đánh cắp tại Phòng trưng bày Quốc gia hồi năm 1994 và tại Bảo tàng Munch hồi năm 2000, dù sau đó chúng đã được thu hồi.
Các nhà quan sát cho rằng đến nay, thời kỳ lãng quên nghệ thuật của Munch đã chấm dứt ở đất nước quê hương ông, có lẽ do tác động từ sự hâm mộ của người yêu nghệ thuật với các triển lãm tranh của ông ở hải ngoại.
Các triển lãm The Modern Eye tổ chức gần đây ở Paris, London và Frankfurt đã đón được 1 triệu lượt khách tham quan. Tranh của Munch cũng được trả giá rất cao. Một phiên bản kiệt tác Tiếng thét đã đạt giá kỷ lục: 119,9 triệu USD tại cuộc đấu giá ở New York hồi năm 2012. Điều đó khiến người Na Uy phải tự nhìn lại mình.
Sau nhiều năm chần chừ, nhà chức trách của thành phố Oslo cuối cùng đã chấp thuận xây dựng một Bảo tàng Munch mới, khi thấy Bảo tàng Munch hiện nay không xứng để lưu giữ một di sản nghệ thuật vô giá như vậy.
Hồi tháng 3, Chính phủ Na Uy thông báo họ sẽ giúp đỡ tài chính xây dựng bảo tàng mới, ước tính tốn kém khoảng 278 triệu USD, song không nêu rõ họ sẽ rót bao nhiêu vào dự án này.
Công trình Bảo tàng Munch mới, do công ty kiến trúc Herreros Arquitectos của Tây Ban Nha thiết kế, dự kiến được hoàn thành vào năm 2018. Cuối cùng, 7 thập kỷ sau khi qua đời, danh họa Munch sẽ có một nơi lưu giữ di sản và tôn vinh xứng tầm với ông.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất