10 năm 'Mãi mãi tuổi 20': 'Xin hãy gửi cho tôi những bức thư...'

11/10/2014 13:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - LTS: Như TT&VH đã đưa tin, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận Đặng Vương Hưng là Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam; tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá, trong đó có Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… Nhưng rất ít người biết rằng, ý tưởng cuộc vận động sưu tầm nêu trên ra đời rất tình cờ, nhờ một nhà văn người Mỹ, sang Việt Nam 10 năm trước đây.

Nhân 10 năm sự kiện Mãi mãi tuổi 20 (2005 - 2015), nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa nhiều điều thú vị về hành trình làm những bộ sách này.

Từ nỗi mất mát khi căn nhà bị cháy…

Một ngày giữa năm 2004, người trực điện thoại của cơ quan chuyển cho tôi cuộc gọi từ một công ty du lịch: Nhà văn Andrew Carroll, tác giả của cuốn sách War Letters, From American Wars (Những bức thư từ những cuộc chiến tranh của Mỹ) một trong những ấn phẩm bán chạy nhất của New York Times - vừa đến Việt Nam, trong chặng đường “vòng quanh thế giới”. Anh ta muốn gặp đích danh tôi để nhờ giúp đỡ một việc… “không liên quan đến chính trị và kinh doanh”.

Đó là một người Mỹ còn trẻ, gầy và cao lêu nghêu, (dễ tới gần hai mét!), tóc cắt ngắn, đeo kính cận. Anh ta tự giới thiệu: Trước khi tôi sang Việt Nam, Giáo sư Benjamin F. Schemmer, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự nổi tiếng của Mỹ, tác giả của cuốn sách The Raid (viết về vụ tập kích của Mỹ ở Sơn Tây năm 1970)… đã khuyên tôi: Cần phải tìm gặp bằng được Mr. Hung, nhất định sẽ nhận được sự giúp đỡ.


Tác giả bài viết (phải) và nhà văn Andrew Carroll năm 2004

Carroll sinh 1970, sống tại Washington D.C. Năm 1992, nhờ viết một lá thư làm quen, mà anh đã vinh dự cộng tác với nhà thơ Joseph Brodsky (người Mỹ, gốc Nga, giải Nobel văn học 1987) lập ra một dự án thơ ca. Họ cùng đi quyên tiền để in các tập thơ nhỏ, đem hàng triệu tập thơ nhỏ đi phân phát miễn phí ở những nơi công cộng như nhà ga, bến tàu, trường học và cả binh lính trong quân đội... “Thơ ca sẽ giúp cho con người sống nhân ái với nhau hơn. Những người yêu thơ thường rất khó làm được điều ác!” - tôi đã nói với Carroll như thế và anh ta cũng rất tâm đắc điều này.

Năm 1998, sau khi Brodsky qua đời, Carroll buồn vô cùng. Trước đó, một vụ cháy đã bất ngờ thiêu rụi ngôi nhà gia đình anh đang ở, cùng tất cả thư từ của bạn bè. Anh chợt “ngộ” ra một điều: Những bức thư quan trọng với cuộc sống người ta như thế nào! Đó không chỉ là những tờ giấy mỏng manh, với những dòng chữ viết để người ta trao đổi thông tin, bày tỏ tình cảm, mà còn là cảm xúc, là một phần cuộc đời mỗi con người, là lịch sử một dân tộc và thậm chí cả thế giới...

Carroll chợt nảy ra ý tưởng: Thông qua các phương tiện truyền thông, kêu gọi người dân Mỹ hãy gửi cho anh những bức thư cũ trong các cuộc chiến tranh.

Thật bất ngờ, Carroll nhận được được tới 75.000 bức thư từ khắp nước Mỹ. Năm 2001, anh đã xuất bản cuốn War Letters, From American Wars (Những bức thư thời chiến từ những cuộc chiến tranh Mỹ), dày hơn 500 trang khổ lớn. Cuốn sách đã được tái bản tới 15 lần và tạo được sự quan tâm đặc biệt của dư luận Mỹ.

Từ tháng 9/2003, Carroll bắt đầu thực hiện chuyến đi “vòng quanh thế giới” chỉ với mục đích sưu tầm những lá thư được viết trong các cuộc chiến tranh mà nước Mỹ liên quan... Không chỉ có thư của lính Mỹ, mà còn có cả thư của những người mẹ, người vợ, người yêu và những em bé… Bởi họ có chung một mong muốn là sau cuộc chiến, người thân của mình sẽ trở về bình yên.


Bìa cuốn sách Những bức thư thời chiến từ những cuộc chiến tranh Mỹ và bút tích của Carroll: “Tặng ông Hưng với lòng khâm phục lớn lao và thấu hiểu lòng tốt, sự hiếu khách của ông. Được gặp ông là niềm vui và vinh dự của tôi”

“Người Việt Nam có cách làm riêng…”

“Tôi thấy rằng những bức thư viết trong Thế chiến II là hay nhất, có học vấn và thú vị - Carroll chia sẻ. Thư gửi về từ chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, chưa qua kiểm duyệt, là sinh động, sâu sắc nhất. Từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, người ta thường chỉ gửi thư điện tử và hiếm dần những lá thư viết giấy và bút mực”.

Chúng tôi đã cùng uống rượu vang, ăn hoa quả, rồi đàm đạo về chiến tranh và văn chương một cách cởi mở... Carroll hỏi tôi về các nhà văn Việt Nam và đề tài chiến tranh. Tôi nói rằng hầu hết các nhà văn Việt Nam đều viết về chiến tranh. Bởi nhiều người trong số họ đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, trước khi cầm bút.

Carroll còn đề nghị tôi giúp đỡ sưu tầm thêm những bức thư thời chiến ở Việt Nam. Tôi nói với Carroll rằng với tư cách là một nhà văn, cựu chiến binh, tôi đánh giá cao công việc và ủng hộ anh. Tuy nhiên, người Việt Nam chúng tôi cũng sẽ có cách làm của riêng mình. Thật ra, đã từ lâu, tôi mơ ước làm một bộ sách tư liệu chân thực về chiến tranh Việt Nam, nhưng còn e ngại điều kiện chưa chín muồi. Nay thì không còn lý do gì để chờ đợi nữa!

Tháng 12/2004, nhân danh một nhóm các nhà văn và cựu chiến binh, tôi đã tổ chức cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Kết quả đạt được ngoài sự mong đợi, như quý bạn đọc đã biết.

Kỷ niệm 10 năm sự kiện Mãi mãi tuổi 20 (2005 - 2015), nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ tuyển chọn và xuất bản bộ sách Tổng tập những lá thư thời chiến Việt Nam hàng ngàn trang. Bạn đọc có tư liệu bổ sung, xin gửi về: Nhà xuất bản CAND, số 92 Nguyễn Du, Hà Nội; ĐT: 0913.210.520; hoặc qua E-mail: [email protected].

Nhà văn Đặng Vương Hưng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm