10 năm 'SMĐH' hay chuyện về 'biến thể' của các cuộc thi hát truyền hình

15/07/2014 11:44 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Live show đầu tiên trong số 8 live show Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH) 2014 đã lên sóng tuần qua. Cuộc thi ca hát mang tính “cách mạng” của các cuộc thi hát truyền hình ở VN bước vào năm thứ 10, năm “lịch sử” trong sự “hoang mang”.

Từ 10 live show chung kết của các mùa trước co rút xuống còn 8 live show. Từ giờ vàng trên kênh vàng VTV3 giờ nhảy sang VTV6 với khung giờ lơ lửng con cá vàng. Từ khó khăn trong việc mời các giám khảo “hot” đến băn khoăn điều chỉnh định dạng (format). Từ lo lắng chất lượng thí sinh đến lời đồn 10 năm sẽ là mùa cuối... 10 năm SMĐH “phản chiếu” trong nó hình ảnh một thập niên biến động dữ dội cùng sự xuất hiện của nhiều “biến thể” các cuộc thi ca hát truyền hình. Và vì vậy, “mổ xẻ” câu chuyện SMĐH cũng là chạm đến vấn đề đáng quan tâm của các cuộc thi ca hát truyền hình hiện nay: Đi về đâu và Đi như thế nào?

“Cuộc cách mạng” 2004

20h ngày 10/7/2004, tiếng hát của thí sinh Nguyễn Hồng Nhung (bài Cho nhau nụ cười) mở đầu cuộc tranh tài đầu tiên của 12 thí sinh lọt vào vòng chung kết SMĐH mùa đầu. Nhà thi đấu Maximark (TP.HCM) hôm ấy đông nghịt người cùng một lượng công chúng đông đảo trước màn hình trực tiếp của VTV3. 10 năm trôi qua, những câu chuyện về SMĐH mùa đầu tiên dường như chưa bao giờ cũ.

Nói chưa bao giờ cũ bởi những gì đã xảy ra tại SMĐH mùa đầu tiên ấy đã trở thành gần như một bức tranh vẽ nên toàn cảnh âm nhạc truyền hình Việt Nam cho đến tận bây giờ. Ở đó là những tranh cãi miệt mài, tài năng mới lộ diện, scandal, hợp đồng độc quyền, chiêu trò… Đó là những mũi tên đầu tiên được bắn ra đã làm thị trường âm nhạc gần như rối tung các chuẩn mực.


Các thí sinh của SMĐH 2004 giờ mỗi người mỗi “cảnh”. Có ai nhận ra hình ảnh khi chưa nổi tiếng của họ không? (Từ trái qua: Kasim Hoàng Vũ, Lưu Hương Giang, Phương Anh, Liên Hương, Nguyễn Mỹ Dung, Cao Thái Sơn, Ngọc Khuê, Nguyễn Hồng Nhung, Ngọc Dung, Thái Thùy Linh, Tùng Dương, Vi Thảo)

Game show hay thi hát?

Ở thời điểm 2004, việc các thí sinh hát xong có một hội đồng nghệ thuật ngồi dưới “phán” từ chuyên môn thanh nhạc đến phong cách trình diễn và kể cả…cái váy của thí sinh trên sân khấu, là chuyện động trời. Trước đó, các cuộc thi âm nhạc đã đi vào thói quen của công chúng theo mô hình một cuộc thi nghiêm túc. Giờ đây bỗng dưng mọc ra một cuộc thi hát kiểu game show, khán giả không chỉ thấy thí sinh trên sân khấu, mà còn thấy họ trong các hình ảnh hậu trường Một luật chơi được hình thành, thổi tan sự nhàm chán của các cuộc thi tiếng hát truyền hình trước đó.  

Thiên thời địa lợi…

Sự đột phá cơ bản nhất là ở hình thức. SMĐH không hẳn là một cuộc thi hát mà cũng không hẳn là một show diễn đơn thuần. Nó được kết hợp của nhiều yếu tố: huấn luyện bổ sung, biểu diễn để cọ xát, tạo lập hình ảnh ca sĩ. Trước đó, chưa có cuộc thi nhạc nhẹ nào mà các thí sinh được đào tạo từ tác phong, kỹ năng sân khấu, phong cách ứng xử cho đến biểu diễn, phong cách trước ống kính, xây dựng hình ảnh với nét đặc điểm riêng biệt của từng người… Và SMĐH có một điểm “rơi” khá đẹp khi mà thị trường âm nhạc thời điểm 2004 đang loay hoay, sau khi thế hệ của Làn sóng xanh bắt đầu mệt nhọc và thiếu lớp kế thừa.

Tuy vậy, ở vị trí tiên phong, SMĐH cũng đụng phải một số “barie”. Chỉ vì một câu nhận xét về thí sinh Ngọc Khuê: “Em bị điên và tôi thích cái điên của em”, nhà thơ Đỗ Trung Quân “bật” khỏi ghế Hội đồng nghệ thuật. Thời điểm ấy, đó là một scandal ồn ào trên báo chí và trong dư luận. BTC cuộc thi thậm chí phải nhờ đến Hội Nhạc sĩ VN để tìm người thay thế có chuyên môn âm nhạc. Nhưng các nhạc sĩ đều lắc đầu vì… sợ, thậm chí nhạc sĩ Vũ Hoàng còn nói: “Cách chơi này hơi lạ tôi chưa hiểu hết”. Gần như lúc ấy, ở mặt bằng chuyên môn, ai cũng cho rằng đây chưa hẳn là một cuộc thi, “thi gì mà khán giả lại được bầu chọn. Thà là một sân chơi, hay một trò chơi âm nhạc cho rõ ràng. Còn nếu thi, phải có Hội đồng nghệ thuật quyết định, thẩm định” (nhạc sĩ Tôn Thất Lập). Ai cũng từ chối, cuối cùng, người ngồi vào ghế nóng là ca sĩ Quang Lý, vốn đang giữ trọng trách huấn luyện thanh nhạc của cuộc thi.

Quyền lực đám đông

Sự lúng túng của BTC xảy ra vào rất nhiều thời điểm, do không thể lường hết mọi chuyện, nhất là quyền lực đám đông. Ở SMĐH, lần đầu tiên khán giả có đầy đủ quyền lực để bầu ra ca sĩ mình yêu thích nhất. Đó cũng là lý do nhiều nhạc sĩ nhất quyết không ngồi vào ghế hội đồng bởi cho rằng họ không có chút quyền lực chuyên môn nào. Cho dù khả năng chuyên môn của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Bảo Phúc, Quang Lý đều rất cao nhưng họ không có quyền chọn người thắng cuộc. Khán giả là Thượng đế và “Thượng đế” đã chọn ra Kasim Hoàng Vũ.

Trên thực tế, Kasim Hoàng Vũ hoàn toàn xứng đáng với sự lựa chọn này. Và cuộc thi sẽ tới đích “an toàn” nếu… Tùng Dương đừng xuất hiện. Một nhân tố cực kỳ mới lạ với giọng hát chuyển màu làm lay động rất nhiều nhà chuyên môn nhưng không “hot” ở khu vực tin nhắn. Và thế là, khi đêm chung kết công bố kết quả chỉ còn hai tiếng nữa bắt đầu, BTC quyết định mở thêm một giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật, có sức nặng ngang ngửa với giải của khán giả. Và như ai cũng biết, Tùng Dương đã được gọi tên.

Sau này, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình VN, kể lại rằng: “Trong cuộc họp quyết định ở căn phòng tầng trệt khách sạn Victoria, (nhạc sĩ) Tuấn Khanh nói với tôi: ”Tùng Dương không đứng đầu về nhiều phiếu khán giả. Nhưng nhiều năm nữa các anh không tìm được Tùng Dương thứ hai đâu”… Đúng là vào lúc đó không có khả năng Tùng Dương sẽ đứng đầu về số phiếu bầu khán giả. Kasim Hoàng Vũ sẽ thắng, và đó là công bằng. Chúng tôi biết điều đó, chúng tôi nghĩ Kasim sẽ vẫn đứng đầu đêm chung kết. Nhưng chúng tôi cũng không muốn một tài năng khác không được vinh danh đúng như thực tế. Quy chế cho phép bổ sung giải thưởng mới (đó là cuộc thi đầu tiên dạng này, và nếu bây giờ ai mắng thì cũng đúng, nhưng khi đó biết mình dốt, chúng tôi đã thiết kế quy chế để có thể có quyền tiếp thu những cái đúng mà lúc đầu do dốt chúng tôi không thể biết hết). Hai giờ nữa bắt đầu đêm thi chung kết, phân nửa người thuộc đội tổ chức VTV sợ việc thay đổi cơ cấu giải sẽ bị ném đá. Chuyện này sau đó cũng có chút ít, không nhiều. Nhưng trong thâm tâm, tôi cảm nhận Tuấn Khanh đúng. Có chút quyết liệt, nhưng kết cục là chúng tôi quyết định bổ sung giải của Hội đồng nghệ thuật, tương đương giải bình chọn”.

SMĐH đã đặt ra một luật chơi mới nhưng chính những người mở đầu lại hoàn toàn không lường hết được luật lệ mà mình đã ban ra và cứ thế, suốt cả một mùa, rất nhiều lần SMĐH phải ứng phó với những điều xảy ra mà họ không lường trước. Chẳng hạn, BTC quy định các thí sinh khi vào vòng 5 người sẽ phải ký hợp đồng 2 năm độc quyền với VTV, tất cả đều chấp nhận ngoại trừ Cao Thái Sơn. Cũng cần nhớ lại rằng, thời điểm 2004, Cao Thái Sơn là thí sinh có phong cách sân khấu và khả năng âm nhạc rất hợp với thị trường. Anh đẹp trai, ăn khách và có khả năng âm nhạc đúng thị hiếu. Thế cho nên khi trở thành người thứ 3 lọt vào Top 5 người, Cao Thái Sơn bất ngờ tuyên bố dừng cuộc chơi. Đơn giản lúc ấy anh đã có người đứng chống lưng phía sau, Công ty H.T Production của ông bầu Hoàng Tuấn. Sự ra đi của Cao Thái Sơn “vô tình” giúp Nguyễn Hồng Nhung, người bị loại trước đó, được đặc cách vào vòng 5. Nhưng cũng chính Nguyễn Hồng Nhung, sau đó lại trở thành nạn nhân của một vụ scandal  khác, cũng là “mở đầu” cho “scandal sex” của showbiz Việt.

Và như thế, SMĐH 2004 đã mở ra một lối mới cho các cuộc thi âm nhạc truyền hình. từ đó trở đi, âm nhạc truyền hình không bao giờ còn như xưa nữa.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm