10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2021 do TTXVN bình chọn

26/12/2021 07:17 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Dưới đây là 10 sự nổi bật của Việt Nam năm 2021 do TTXVN bình chọn.

Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp: Diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về một Đại hội "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển"; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước cho 5 năm, 10 năm tiếp theo và đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Chú thích ảnh
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: VGP

2. Gần 70 triệu cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp: Ngày 23/5/2021, 99,6% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, bầu ra 499 đại biểu Quốc hội khóa XV; 3.721 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện và 239.788 đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử đã diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sỹ đảo Sơn Ca bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sớm hơn một tuần so với đất liền. (Ảnh: TTXVN phát)

3. Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID-19: Đợt bùng phát dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng siêu lây nhiễm Delta đã đảo ngược các thành quả trong công tác phòng, chống dịch trước đó với số ca nhiễm và ca tử vong tăng cao ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam.

Đảng, Nhà nước đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “không ca mắc” sang thực hiện mục tiêu kép. Việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân, đã giúp kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế-xã hội, từng bước ổn định đời sống người dân.

Đợt dịch thứ tư, cả nước đã ghi nhận 1.630.851 ca mắc, nâng tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch đến nay lên 1.636.455; số ca tử vong là 31.007 và 1.229.684 người đã khỏi bệnh.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ tiêm thuốc cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: Trung Kiên – TTXVN

4. Thực hiện thành công chiến lược vaccine: Đảng, Nhà nước đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm thực hiện Chiến lược vaccine phòng COVID-19 vì mục tiêu miễn dịch cộng đồng với các giải pháp: Thành lập Quỹ vaccine; tiến hành ngoại giao vaccine; nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước; tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí quy mô chưa từng có trong lịch sử và có giai đoạn đạt tốc độ cao hơn trung bình thế giới 30%.

Đến ngày 25/12, gần 98% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 liều, tăng gần 4 lần, và hơn 86% được tiêm 2 liều, tăng hơn 25 lần so với cuối tháng 8/2021.

Chú thích ảnh
Việc tiêm liều tăng cường và tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng đang được khẩn trương triển khai. Ảnh: TTXVN

5. Ban hành 5 văn bản quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng đã ban hành: Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 21-KL/TW, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị” và Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”, ba văn bản này có nhiều điểm mới, bổ sung về phạm vi, mục tiêu, giải pháp…; Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và Quy định số 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, hai văn bản có các quy định lần đầu ban hành.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 09/12/2021. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

6. Hội nghị Văn hóa toàn quốc khơi dậy nguồn lực nội sinh, UNESCO tiếp tục tôn vinh văn hóa Việt Nam: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 6 mục tiêu cụ thể và 10 giải pháp trọng tâm, tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh; giữ gìn bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; phát huy nguồn lực nội sinh to lớn để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Sự kiện này diễn ra vào ngày 24/11/2021 sau đúng 75 năm Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 15/12/2021 chính thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, ngày 23/11, Đại hội đồng UNESCO đã quyết định vinh danh và cùng kỷ niệm: 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

7. Việt Nam tham gia tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương: Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Việt Nam đã cam kết giảm mức phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 so với năm 2020…, khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình kinh tế sang tăng trưởng xanh và ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong khuôn khổ ASEAN, AIPA, ASEM, ASEP, APEC, APPF…, hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ thứ hai Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tái đắc cử Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp công bố danh sách các nước trúng Hội đồng chấp hành UNESCO. Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025 với số phiếu rất cao. Ảnh: Thu Hà - TTXVN

8. Biến động lớn của nền kinh tế và nỗ lực duy trì một số trụ cột tăng trưởng: GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hằng quý do tác động của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư. Khu vực dịch vụ, sản xuất công nghiệp ở phía Nam ghi nhận mức sụt giảm sâu và có tới 60% người dân bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập trong quý III.

Quốc hội và Chính phủ đã có các quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Nhờ đó, Việt Nam đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng: Thu ngân sách về đích trước một tháng, ước đạt 1.471 nghìn tỷ đồng, vượt 9,5% so với dự toán và cao hơn 3% so với mục tiêu của Chính phủ; xuất khẩu vượt mốc 335 tỷ USD và xuất siêu khoảng 3 tỷ USD, trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 29 tỷ USD. Ngành nông nghiệp tiếp tục là điểm tựa vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng 2,8%.

Chú thích ảnh
Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Văn Giang, Hưng Yên) có vốn đầu tư trong nước. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

9. Lần đầu tiên đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào hoạt động từ ngày 1/7/2021 là nền tảng quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.

Cùng với việc hoàn thành mục tiêu cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, lần đầu tiên thông tin cơ bản về công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa và đưa vào hệ thống liên thông phục vụ quản lý nhà nước, cũng như giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hướng hiện đại, tiện ích và tiết kiệm.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu vân tay để làm căn cước công dân gắn chip điện tử. (Nguồn: TTXVN)

10. Thể thao Việt Nam giành được những thành tích ấn tượng trong bối cảnh khó khăn: Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Đội tuyển Futsal lần thứ hai giành quyền dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup, cho thấy bước tiến vượt bậc dù phải dừng chân ở vòng 1/8.

Chú thích ảnh
Võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi (trái) xuất sắc đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản Etsuko Tada sau 10 hiệp đấu. Ảnh: Mạnh Hùng - TTXVN

Về thành tích cá nhân, vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công giành tấm Huy chương Bạc hạng 49kg nam Paralympic 2020 Nhật Bản; Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành võ sĩ boxing Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch WBO thế giới hạng nhẹ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm