21/02/2022 10:57 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Một người lính đẹp trai và tài hoa, một giọng ngâm thơ thánh thót “oanh vàng Kinh Bắc”… và là một nhà thơ với những mối tình lãng mạn đầy bất trắc đã khiến ông trở thành “ông hoàng thơ tình”…, đó là Hoàng Cầm (22/2/1922), một trong những gương mặt lớn của nền thi ca Việt Nam thế kỷ XX. Người được mệnh danh là “Nhà thơ của vùng Kinh Bắc”, người “độc đáo mà tự nhiên, là mình mà cũng là tất cả”.
* Quê hương Kinh Bắc là “thiên mệnh” thơ của Hoàng Cầm
Thi sĩ Hoàng Cầm Cầm bút năm 15 tuổi, 18 tuổi đã có "Hận ngày xanh", "Bông sen trắng" làm ngạc nhiên giới văn bút nước nhà; 20 tuổi có "Hận Nam Quan" - vở thơ kịch lịch sử và đến năm 26 tuổi, bài thơ “Bên kia sông Đuống” đã đưa chàng trai Hoàng Cầm, lên hàng thi sĩ tiêu biểu nhất trong kháng chiến chống Pháp.
Bài thơ đánh dấu sự bừng thức của Hoàng Cầm về quê hương. Trước đó, dù đã sáng tác khá nhiều văn, thơ, kịch, song Hoàng Cầm gần như chưa hề viết gì về quê hương. Ông không biết rằng những ký ức của 12 năm tuổi thơ sống ở quê hương Phúc Tằng, Song Hồ, Thuận Thành, những dòng sông Đuống, sông Cầu… đã ẩn rất sâu trong tâm hồn mình. Chỉ đến khi quê hương bị tàn phá, dày xéo trong tay giặc, yêu thương và căm giận trào dâng, thì những ký ức đó chợt sống dậy mãnh liệt, ào ạt tràn ra ngọn bút, giúp Hoàng Cầm - một đêm đã làm nên một “Bên kia sông Đuống” chấn động tâm can mọi người Việt Nam yêu nước.
“Bên kia sông Đuống” đã làm Hoàng Cầm hiểu ra một điều quan trọng: quê hương Kinh Bắc chính là điều kỳ diệu nhất tạo hóa ban tặng ông, là “thiên mệnh” thơ của đời ông. Văn hóa Kinh Bắc như một cánh diều bay trên bầu trời thổi lên tiếng sáo nhớ nhung mà thi sĩ là người cầm dây. Thơ ông rất đỗi mơ mộng, đầy chất trí tuệ và thấm đẫm văn hóa phương Đông.
Hơn 70 năm đã trôi qua, bao thế hệ người Việt đã được thưởng thức, được sưởi ấm bằng những lời thơ nồng nàn: Ai về bên kia sông Đuống/Cho ta gửi tấm the đen/Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên…/Ai về bên kia sông Đuống/Có nhơ từng khuôn mặt búp sen/Những cô hàng xóm răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng.
Từ “Bên kia sông Đuống” dòng thơ về quê hương của Hoàng Cầm bắt đầu tuôn chảy với “Tiếng hát quan họ”, “Trương Chi”, “Men đá vàng”, “Mưa Thuận Thành” và đặc biệt “Về Kinh Bắc” là sự thăng hoa tuyệt vời, là tập thơ cột sống của đời Hoàng Cầm. Đây là một tập thơ mà tinh túy của văn hoá Quan họ - Kinh Bắc đã được chưng cất, kết đọng lại.
Ông chia tập thơ thành các “nhịp” với những đêm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ như nén lại để rồi làm thăng hoa thơ Việt trong một không gian, thời gian thực ảo biến hoá khôn lường. Đọc thơ ông, ta gặp một con người Việt nguyên khôi qua hơi thở của lục bát, ngũ ngôn và nhịp tự do tài tình lướt qua khuôn phép. Chính vì thế mà thơ ông không cũ trong cổ điển và cũng không quá xa lạ trong hiện đại. Nhiều câu thơ của ông đầy tài hoa, quyến rũ, khiến người đã "phải lòng" rồi thì không thể nào dứt ra được nữa.
* Biểu tượng của tình yêu: “Lá Diêu bông”
Và cũng không chỉ kiến tạo sông Đuống “một dòng lấp lánh, nằm nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”, Hoàng Cầm đã sáng tác ra một thứ lá không có trên đời, nhưng ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu: “Lá Diêu bông”.
Với “Lá diêu bông”, Hoàng Cầm đã sáng tác ra một thứ lá không có trên đời, nhưng ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Bài thơ là triết lý về hành trình, nỗi khát khao tìm kiếm hạnh phúc của đời người cho dù hạnh phúc đó chỉ là ảo. Luôn mang trong mình cái tình trẻ mãi không già, “Lá diêu bông” khiến Hoàng Cầm để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lòng bạn đọc: Từ thuở ấy /Em cầm chiếc lá /Đi đầu non cuối bể. /Gió quê vi vút gọi. /Diêu Bông hời… /ới Diêu Bông!”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Hoàng Cầm là nhà thơ “Độc đáo mà tự nhiên, là mình mà cũng là tất cả”. Ông cho rằng, sinh ra ở Bắc Ninh dường như là một “biệt đãi của số phận” dành cho Hoàng Cầm, bởi: “Để làm một thi nhân, không còn gì mong ước hơn là được sinh ra, tại một vùng quê phong tình vào bậc nhất của đất Bắc, được bồi đắp cái năng lượng sống tối đa đủ tươi tốt cho cả đời người”.
Và Hoàng Cầm, với ý thức rằng ông chính là “Khí thiêng sông núi nhập/Duyên nghiệp thầm dư ba/Nghĩa tình quê vun đắp/ Thấu dạ nghén tài hoa”, có lẽ cũng đã trả hết ân tình cho đời, bằng sự nghiệp thơ độc đáo, tài hoa. Ông, cũng chính là một “biệt đãi” mà số phận đã trao cho văn hóa Kinh Bắc, cho thi ca Việt Nam.
Ngày 6/5/2010, nhà thơ Hoàng Cầm đã nhẹ bước ra đi sau chặng đường 89 năm bền bỉ tìm về. Ông tìm về nơi ông sinh ra, nơi trọn đời ông nhớ thương day dứt: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…” Ông tìm về “Bên kia sông Đuống”: “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” nơi ông đánh giặc và yêu.
Tìm về với chính tuổi thơ ông: “Ta con chim cu về gù rặng tre/ đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm”. Và tìm cả những gì không có, những gì chỉ có trong giấc mơ như chiếc lá diêu bông kia.
- Nhà thơ Hoàng Cầm, tên thật Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22/2/1922 tại thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Tên khai sinh Tằng Việt được ghép từ hai địa danh Phúc Tằng và Việt Yên, còn bút danh Hoàng Cầm do ông tự chọn theo một vị thuốc quý mà ông quen thuộc từ nhỏ.
Sau khi đỗ Tú tài, ông tham gia Vệ quốc đoàn và từng làm Trưởng đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị. Cuối năm 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam, làm công tác xuất bản. Ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.
- Sự nghiệp của ông gồm nhiều tập thơ, kịch thơ, văn xuôi, nhưng ông được biết đến nhiều nhất như một nhà thơ. Ông nổi tiếng với vở kịch thơ “Hận Nam Quan,” “Kiều Loan” và các bài thơ “Lá diêu bông", “Bên kia sông Đuống", trong đó, bài thơ “Bên kia sông Đuống” được chọn giảng dạy trong bậc học trung học phổ thông.
- Năm 2007, nhà thơ Hoàng Cầm được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tập thơ “Bên kia sông Đuống,” “Lá diêu bông," “99 tình khúc".
- Nhà thơ Hoàng Cầm mất ngày 6/5/2010.
Ngọc Lan (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất