04/09/2016 12:43 GMT+7
(lienminhbng.org) - Hôm 5/7, trong cuộc họp báo đầu tiên từ ngày được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV của Man United, Jose Mourinho đã lớn tiếng tuyên bố: “Triết lý của tôi hoàn toàn khác so với Louis van Gaal”.
1. Chuyển nhượng
Van Gaal
Mùa đầu tiên, ông đã tiêu gần 149 triệu bảng của Man United. Những ngôi sao tên tuổi đã được Van Gaal đưa về giá trị nhất là Angel Di Maria từ Real Madrid (60 triệu bảng), Ander Herrera (29 triệu bảng), Luke Shaw (27 triệu bảng), Marcos Rojo (17 triệu bảng) và David Blind (14 triệu bảng). Mùa giải sau, Van Gaal chi tiếp 103 triệu bảng để mua Memphis Depay (25 triệu bảng), Matteo Darmian (13 triệu bảng), Antony Marial (34 triệu bảng) hay Morgan Schneiderlin (24 triệu bảng).
Sau một mùa ở Man United, Di Maria bị bán sang PSG. Hiện tại, trừ Luke Shaw, Martial và Blind, tất cả những người còn lại đang ngồi dự bị dưới triều đại của Mourinho.
Depay vẫn là nỗi thất vọng của Man United
Mourinho
Cho đến thời điểm này của mùa giải, ông đã tiêu tốn của Man United 160 triệu bảng. Nếu Zlatan Ibrahimovic là một bản hợp đồng miễn phí, thì Paul Pogba khiến Man United mất 100 triệu bảng, Henrik Mkhytarian và Eric Bailly cùng có giá 30 triệu bảng.
Trong 4 cái tên này, chỉ có Mkhytarian vẫn chưa có được một vị trí chính. 3 tân binh còn lại đang có những đóng góp nhất định cho Man United ở chuỗi 4 trận thắng đầu tiên (tính cả Siêu cúp nước Anh). Ibra ghi 4 bàn sau 4 trận, Pogba tạo ra sức sống cho hàng tiền vệ trong khi Bailly tăng chất thép cho hàng thủ. Nói một cách khác, tính hiệu quả trong chuyển nhượng của Mourinho hơn hẳn so với Van Gaal.
Tân binh của Mourinho hiệu quả hơn của Van Gaal
2. Sự chắc chắn của hàng thủ
Van Gaal
Hai mùa bóng dưới thời Van Gaal, ngôi sao sáng nhất của Man United là… David De Gea. Thủ môn người Tây Ban Nha 2 năm liên tiếp được fan Man United bầu chọn là cầu thủ hay nhất mùa bóng. Điều đó tố cáo sự lỏng lẻo ở nơi hàng thủ của “Quỷ đỏ”. Van Gaal có rất nhiều những hậu vệ, từ Smalling, Blind, Rojo, Jones, Shaw cho tới Darmian, nhưng mùa nào cũng vậy, số bàn thua của họ vượt qua con số 35 (tính riêng mặt trận Premier League). Nếu không có những pha cứu thua xuất sắc của De Gea, con số này chắc chắn sẽ nhiều hơn.
Mourinho
Mourinho có lẽ đã nghiên cứu rất kĩ hàng thủ của Man United. Bản hợp đồng đầu tiên ông mang về sau khi dẫn dắt CLB là Bailly. Khả năng phòng ngự của Man United ngay lập tức được cải thiện. Trung vệ người Bờ Biển Ngà luôn thể hiện được sự chắc chắn cần thiết của một chuyên gia đánh chặn. Với Bally, De Gea trở thành kẻ nhàn rỗi nhất trên sân bóng. Man United giữ sạch lưới 2 trong 3 trận ở Premier League. Anh chỉ mới 1 lần vào lưới nhặt bóng và hầu như không phải trổ tài cứu thua một lần nào.
3. Tính hiệu quả
Van Gaal
Dưới thời của Van Gaal, Man United bị chỉ trích là đội bóng nhàm chán nhất thế giới. Họ thường vượt trội đối thủ ở tỷ lệ kiểm soát bóng (trung bình 57%/trận) nhưng lại không biết cách tung ra những cú đấm quyết định. Mùa đầu tiên của HLV người Hà Lan, Man United có 62 bàn. Một năm sau, con số này giảm xuống 49 bàn. Việc tính hiệu quả đi theo chiều hướng giật lùi xuất phát từ chính lối chơi đơn điệu và nhàm chán. Các tiền vệ cứ chuyền đi chuyền lại nhưng không thể hiện được khả năng châm ngòi. Thành ra, trận đấu nào, Man United cũng chỉ chơi với tốc độ vừa phải và không tạo ra được một thế trận pressing áp đảo so với đối phương.
Mourinho
Việc bổ sung Paul Pogba đã tăng sức chiến đấu cho hàng tiền vệ. Nhưng dấu ấn lớn nhất của Mourinho chính là việc ông đã sử dụng thành công Fellaini, một người tưởng như đã trở thành đồ bỏ đi dưới thời Van Gaal. Mourinho để tiền vệ người Bỉ đá đúng với sở trường và trong vai trò thu hồi bóng, không ai làm tốt hơn anh. Theo thống kê, tỷ lệ cướp bóng thành công của Fellaini luôn cao hơn 80%/trận và sự ổn định này giúp khả năng kiểm soát tuyến giữa của Man United được cải thiện. Với sự sáng tạo của Mata, Pogba hay Rooney cùng khả năng săn bàn của Ibra, Man United có rất nhiều cách tiếp cận khung thành đối phương. Họ có bàn thắng từ sút xa (Ibra), từ đột phá (Lingaard), đánh đầu (Ibra và Rooney) hay dứt điểm cận thành (Rashford). Sự đa dạng ấy nói lên tính hiệu quả của một lối chơi nhanh, mạnh thay vì sự rườm rà, chậm chạp như thường thấy.
Sự kết hợp của Mourinho đem lại 9 điểm sau 3 trận đấu cho Man United
4. Hiệu ứng tinh thần
Van Gaal
2 năm ở Man United, Van Gaal luôn có một kiểu chỉ đạo quen thuộc ở mỗi trận đấu. Trên tay ông luôn cầm 1 chiếc bút và một cuốn sổ. Bất cứ một tình huống nào, bàn thua hay bàn thắng nào, Van Gaal chỉ ngồi một chỗ và ghi chép. Ngay cả khi Man United thua, ông vẫn hiếm khi bật dậy khỏi băng ghế chỉ đạo. Nhiệm vụ truyền đạt ý tưởng cho các học trò được thông qua Ryan Giggs, trợ lý số 1 của Van Gaal.
Không ít lần CĐV đã đòi sa thải Van Gaal
Mourinho
4 trận dẫn dắt Man United, Mourinho không bao giờ ngồi lâu ở băng ghế chỉ đạo quá 5 phút. Vị trí thường xuyên của HLV người Bồ Đào Nha là ở ngay sát đường biên. Trong trận đấu với Hull City, Mourinho đội mưa để đứng chỉ đạo các cầu thủ cho đến những giây cuối cùng. Mourinho vẫn luôn thế, hò hét, chỉ đạo và ăn mừng đến mức hoang dại khi chiến thắng. Ông như đóng vai của một người truyền lửa, tạo ra một hiệu ứng tinh thần khủng khiếp lên các học trò, giúp họ quyết tâm và máu lửa hơn ở mỗi trận chiến.
5. Cảm xúc
Van Gaal
Năm ngoái, nhiều kênh truyền hình đã chiếu đi chiếu lại cảnh một số CĐV của Man United đã ngủ gật ở Old Trafford. Điều đó nói lên sự chàm chán mà Van Gaal mang lại. Từ một đội bóng giàu cảm xúc nhất thế giới, Van Gaal khiến Man United chơi buồn tẻ và thiếu những khoảnh khắc thăng hoa. Trận đấu nào của ông cũng mang lại cảm giác đều đều và thiếu đi những điểm nhấn hay cao trào. Thành ra, cảm xúc là một thứ xa xỉ trong triết lý của Van Gaal, một người vốn tôn thờ thứ bóng đá đẹp.
Mourinho
Một CĐV Man United đã gãy chân vì ăn mừng thái quá sau khi đội bóng của Mourinho có chiến thắng kịch tính trước Hull City ở phút bù giờ tại vòng 3 Premier League. Đó là một trận đấu mà Man United mang lại những cảm xúc nghẹt thở đến khó tin. Họ tạo ra nhiều cơ hội nhưng không thể ghi bàn, suýt phải nhận bàn thua từ pha phản công sắc sảo của đối phương và khi trận đấu chỉ còn tính bằng giây, Man United lại có bàn thắng.
Mourinho đã nhắc đến “Fergie time” (những bàn thắng vào phút bù giờ dưới thời Alex Ferguson) sau chiến thắng trước Hull. Với Mourinho, Man United đang mang lại một thứ bóng đá giàu cảm xúc, buộc người xem phải chờ đợi, điều đã luôn được thấy trong hơn 20 năm làm việc ở Old Trafford của Sir Alex Ferguson.
Trần Giáp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất