27/07/2020 19:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Kể từ khi tiếp nhận chủ nghĩa lãng mạn (romantisme) từ văn học Pháp, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện những bài thơ mà ngày nay gọi là ngôn tình. Tác giả có thể gọi là sơ tổ của dòng thơ ngôn tình hiện đại Việt Nam là Nguyễn Xuân Huy, người có tên trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân. Ông sinh vào ngày giữa tháng 7 cách đây 105 năm (15/7/1915) và mất cũng đã 20 năm (30/12/2000).
Nhưng tác phẩm công bố đầu tiên của Nguyễn Xuân Huy có lẽ là tản văn Non thiêng khéo đúc nên người, in trên tờ Đông Tây tuần báo, phát hành năm 1930. Ông người làng Dũng Quyết (Ý Yên, Nam Định), lớn lên trong một gia đình trung lưu trí thức. Ông đậu bằng thành chung năm 1932, đến năm 1934 thì rời quê lên Hà Nội xin đi dạy học tư, viết văn và cộng tác với các tờ Đông Tây tuần báo, Phụ nữ thời đàm, Nhật tân, Tân thiếu niên, Hà Nội báo... Đến năm 1940 thì xuất bản tiểu thuyết đầu tay là Chiều; năm 1941 xuất bản tập thơ đầu tay là Hương Xuân.
Tên tuổi sớm được ghi nhận
Thơ của Nguyễn Xuân Huy được đánh giá cao trong Thi nhân Việt Nam (năm 1942), với nhận định xác đáng: “Tôi cũng thấy thơ Nguyễn Xuân Huy hay lắm. Mối tình ở đây nó vừa thanh sạch như tình ruột thịt, vừa nồng say như tình yêu. Tình ấy, một đời người ta chỉ có thể nuôi trong mộng một lần, khi lòng xuân mới nhóm và người ta còn giữ được cái trong trắng của tuổi ngây thơ. Chúng ta - những ai không còn tuổi ấy - xem thơ Nguyễn Xuân Huy sẽ được hưởng chút gió trong lành thổi về từ tuổi mười tám”.
Trong bài Giận nhau, Nguyễn Xuân Huy viết: “Anh nhiếc em biếng lười/ Rắn mặt, cùng khó dạy/ Rồi lệ em chan hòa/ Rồi lòng anh tê tái...”. Trong bài Em đương thêu... ông viết: “Em đương thêu bên cửa/ Mơn mởn trăm vẻ xinh/ Anh ghé đến ngồi cạnh/ Vuốt ghẹo làn tóc anh”. Đọc hai đoạn trích này, thật khó tưởng tượng khi chúng được viết trong bối cảnh Việt Nam còn nhà nước phong kiến và chịu chi phối bởi những quan niệm hẹp hòi, hà khắc của Nho giáo.
Hai đặc điểm chính yếu của ngôn tình là tạm quên đi thực tại đời sống và luôn nỗ lực diễn đạt tâm tư, tình cảm bằng lời nói. Nguyễn Xuân Huy đã thể hiện điều này khá rõ nét trong tập Hương Xuân và hai bài thơ vừa nêu. “Hai bài thơ này diễn tả tâm tình khéo nhất, thật nhất. Vì chúng phản ánh trung thực được những cảm giác mới lạ của những cõi lòng chớm yêu... Ở khía cạnh khác, chúng còn trong sáng như pha lê, lời thơ quá dung dị như những câu thường đàm, nhưng mà nổi bật được tâm tình muôn thuở của con người” - dẫn theo sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (1968) của Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng.
Sinh thời, GS-TS Trần Văn Khê cho biết ông từng phổ nhạc bài Giận nhau từ trước năm 1946, phổ cùng lúc với các bài Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp và Thời gian của Xuân Diệu. “Ba bài ấy tôi chỉ hát chơi cho bạn bè nghe. Sau, em tôi là Trần Văn Trạch, thích bài Giận nhau, đem ra biểu diễn trong mấy buổi đại nhạc hội và trên Đài phát thanh Sài Gòn, được thính giả hoan nghinh quá” - Trần Văn Khê viết.
Nguyễn Xuân Huy được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ngay đợt 1, tức nhiều khả năng có dự hội nghị thành lập hội trong các ngày 1 đến 4/4/1957. Trong sách Nhà văn Việt Nam hiện đại (1992), chỗ đề cập đến danh sách 165 hội viên đợt 1 (xếp theo vần a, b, c…), Nguyễn Xuân Huy xếp vị trí 99.
Sớm chọn con đường lặng lẽ
Với ít nhất 1 tập thơ, 1 tập bình luận văn học, 2 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết, 3 tập truyện dài, 4 tập truyện thiếu nhi… đã xuất bản, cùng hàng trăm tác phẩm lẻ và bài báo, bài bình luận, dịch thuật, địa vị trong văn đàn không hề kém cạnh các tên tuổi khác, nhưng Nguyễn Xuân Huy sớm chọn rút lui.
Sau truyện dài Duyên bích câu (1951), mãi tới năm 1962 ông mới tái xuất hiện với truyện ngắn Hai buổi chiều, một buổi sáng trên tuần báo Văn nghệ. Sau đó thì chọn sống như một cư sĩ tại gia, chăm chú nghiên cứu Phật học cho đến lúc qua đời ở tuổi 85.
Theo các đánh giá sơ bộ, nếu tuyển chọn những bài thơ theo kiểu ngôn tình mà Nguyễn Xuân Huy đã viết trước năm 1945 để in thành tập, chắc chắn lịch sử thơ học trò, thơ mực tím hoặc thơ ngôn tình của Việt Nam sẽ vươn cánh tay khá dài về qua khứ. Rất tiếc, đến nay, sau 105 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất, điều ấy vẫn chưa thành hiện thực.
Trong Từ điển văn học (bộ mới, 2005), có đoạn: “Truyện của Nguyễn Xuân Huy cũng như thơ, đa phần đều thiên về đề tài tình cảm nam nữ thuở thiếu thời, khi “lòng xuân vừa mới nhóm”, vừa thanh sạch, vừa nồng say”.
Bàn về Thơ mới “Vẫn biết là người xưa cứ làm thơ theo niêm luật mà cũng diễn tả được hết tâm hồn, song những nhà thơ xưa tâm hồn quen thuộc với niêm luật thơ lắm: Từ thuở còn nhỏ, mới vỡ lòng, đã được học thuộc hàng trăm bài Đường thi. Trái lại, một thi sĩ ngày nay, một khi cái tâm linh tha thiết như chan chứa dào dạt, chẳng lẽ lại còn đi học luật thơ rồi mới biểu diễn ra sao? Vả lại cái tâm hồn nhà thơ ngày nay cũng khác của người xưa, chớ không phải bao giờ cũng thế. Cái tâm hồn là phản ảnh của ngoại giới. Ngoại giới tức là cái khách (l’objet) của nhà triết học, tức là cái thực tế. Ngoại giới ngày nay khác với cái thực trạng ngày xưa, ngày nay có vô tuyến điện, ô-tô, máy in sách và báo, có cuộc khủng hoảng kinh tế, vân vân thì tâm hồn của loài người tức là phản ảnh của thực trạng xã hội cũng khác” - trích trong tiểu luận Một trào lưu mới trong thi ca: Thơ mới của Nguyễn Xuân Huy và T. K., in lần đầu trên tờ Tân Thiếu niên, ra ngày 16/2/1933 tại Hà Nội. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất