110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng (10/5/1912-10/5/2022): Người làm rạng danh nền y học Việt Nam

09/05/2022 14:47 GMT+7

23 tuổi, đã có thể mô tả chính xác các mạch máu trong gan, 27 tuổi, trở thành cha đẻ của phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, khiến toàn thế giới kinh ngạc, ông là Giáo sư, Viện sỹ Tôn Thất Tùng, nhà phẫu thuật lừng danh không chỉ của Việt Nam.

Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam

Bác sĩ Tôn Thất Tùng - Người thầy thuốc làm rạng danh y học Việt Nam

Là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan, suốt cuộc đời, Giáo sư Tôn Thất Tùng luôn gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân.

 * Giáo sư Tôn Thất Tùng - người làm rạng danh nền y học Việt Nam

GS Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế - một miền đất có truyền thống hiếu học. Tận mắt chứng kiến cảnh yếu hèn của vua quan ở Huế, người thanh niên trẻ Tôn Thất Tùng không theo nghiệp học làm quan mà quyết định ra Hà Nội học ở trường Bưởi.

Năm 1932, ông học tại trường Y-Dược, một thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội với suy nghĩ đây là nghề “tự do”, không phụ thuộc vào quan lại hay chính quyền thực dân. Ngày ấy, cả Đông Dương chỉ có một trường thuốc duy nhất tại Hà Nội mà người bản xứ không được dự các kỳ thi nội trú.

Từ đây bắt đầu những năm tháng tự do khám phá và đầy thành công của vị bác sỹ lừng danh. Chỉ tính riêng 10 năm, từ năm 1936 đến năm 1945, ông đã công bố 63 công trình trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris và Viễn Đông. Với thành tựu vượt trội đó, năm 1940, ông được nhà cầm quyền Đông Dương thừa nhận và bổ nhiệm làm Trưởng khoa ngoại Đại học Y Hà Nội khi mới 28 tuổi.

110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng, ngày sinh giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, phương pháp Tôn Thất Tùng
 Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng (bên trái) trong một ca mổ gan (1976). Ảnh: Nguyễn Chính/TTXVN

Ông vẫn say mê nghiên cứu khoa học cho đến khi gặp Bác Hồ. Một cách tự nhiên, ông trở thành người chiến sỹ đầy nhiệt huyết với cách mạng. Sau năm 1945, ông được tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho Bác.

Ngày kháng chiến bùng nổ, ông rời bỏ phố thị, hăng hái đưa cả gia đình lên rừng theo kháng chiến. Tại đây, ông là một trong những người chủ chốt đầu tiên đào tạo thầy thuốc, nghiên cứu khoa học và tổ chức lực lượng quân y. Ông đã cùng GS Đặng Văn Ngữ nghiên cứu, sản xuất được kháng sinh Penicilline ngay tại chiến trường - một công việc cấp bách đối với kháng chiến mà chưa từng nước nào làm được. Năm 1947, Chính phủ cử ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế khi mới 35 tuổi.

 Suốt cả cuộc đời gắn bó với y học Việt Nam, với sứ mệnh chữa bệnh cứu người từ những năm tháng kháng chiến cho tới những ngày giải phóng sau này, GS Tôn Thất Tùng đã để lại 123 công trình khoa học có giá trị.

Ông đã góp phần làm rạng danh nền y học Việt Nam, với 2 phát minh khoa học lớn. Đó là phương pháp cắt gan mang tên ông, một công trình khoa học đã được quốc tế công nhận là phương pháp cắt gan có quy phạm và kinh điển, được nhiều nước tiên tiến áp dụng. Và công trình thứ 2 là những nghiên cứu đầu tiên về hậu quả lâu dài trên con người của chất độc da cam/dioxin, thứ chất độc mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên chiến trường Việt Nam.

110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng, ngày sinh giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, phương pháp Tôn Thất Tùng
Giáo sư Tôn Thất Tùng

* Cha đẻ của “phương pháp Tôn Thất Tùng” 

Từ khi theo học tại trường Đại học Y Hà Nội, chàng sinh viên Tôn Thất Tùng nhanh chóng nhận ra kiến thức của các thầy giáo người Pháp chỉ chú trọng sách vở, rất ít liên hệ tới thực tế khí hậu, con người bản xứ. Vì vậy, ông quyết định học tập và nghiên cứu, tìm hướng đi riêng cho mình.

Chiều mùa đông năm 1935, chàng sinh viên 23 tuổi phát hiện các ống mật và mạch máu trong lá gan của một tử thi mà anh đang nghiên cứu đầy ngập những con giun lớn nhỏ. Bằng một cái nạo và những ngón tay khéo léo, anh lần theo và phẫu tích lá gan.

Chỉ trong vòng 15 phút, tất cả ống mật, mạch máu trong gan đã được phơi trần một cách chính xác. Với phát hiện đó, trong bốn năm tiếp theo, ông âm thầm làm một công việc buồn tẻ đến rợn người: phẫu tích 200 lá gan người chết, từ đó hoàn thiện luận án tốt nghiệp bác sỹ y khoa nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan”.

Bản luận án và khám phá chưa từng thấy của chàng sinh viên đã được tặng ngay hai Huy chương Bạc của Liên hiệp Pháp và Đại học Y Paris. Không dừng lại ở đó, năm 1939, lần đầu tiên trên thế giới, Tôn Thất Tùng đã thực hiện thành công cắt gan có kế hoạch: thắt các mạch máu trong gan trước khi cắt.

Theo phương pháp này, chỉ cần nắm vững hệ thống các mạch máu trong gan, ca phẫu thuật sẽ rất đơn giản và an toàn. Trước đó, toàn thế giới cũng đã có 87 trường hợp cắt gan, nhưng là “cắt liều”, gặp mạch máu nào thì buộc lại, và rủi ro với người bệnh là điều rất thường xảy ra.
 Đáng tiếc, khi gửi báo cáo tới Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris, thành công của ông, do quá mới mẻ, đã bị từ chối. Chàng thanh niên trẻ e ngại, để mãi hơn 20 năm sau đó mới quyết định quay trở lại công việc còn dang dở lúc 27 tuổi.

110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng, ngày sinh giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, phương pháp Tôn Thất Tùng
GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch - những tên tuổi lớn của y học Việt Nam sau ngày Hà Nội giải phóng. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát

Ngày 7/1/1961, ông cắt thuỳ gan phải của một ca ung thư sơ phát chỉ vẻn vẹn trong 6 phút. Nếu theo phương pháp cắt gan của giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, được giới thiệu năm 1952, thì phải mất 3 đến 4 giờ. Sau khi được đăng tải trên tờ “The Lancet” ở London, công trình của Giáo sư Tôn Thất Tùng đã làm chấn động dư luận.

Trong vòng 1 tháng, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư xin ông thêm tài liệu, cũng không ít người công kích, phản đối công trình của vị giáo sư người Việt. Nhưng giờ đây, giáo sư đã vững tin ở thành công và cuối cùng, toàn thế giới đã chấp nhận phương pháp của ông, nghiêng mình gọi ông là “cha đẻ”, là "vị tổ sư" của phương pháp cắt gan có kế hoạch, thường được gọi là phương pháp mổ gan khô hay phương pháp Tôn Thất Tùng.

Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương vàng phẫu thuật quốc tế Lannelongue, giải thưởng cao quý nhất trong ngành phẫu thuật thế giới, 5 năm mới tặng 1 lần cho một nhà phẫu thuật xuất sắc tại thời điểm đó.

Đến năm 1979, GS Tôn Thất Tùng đã thực hiện khoảng trên 700 ca cắt gan lớn, nhỏ, bỏ xa một nhà phẫu thuật Singapore đứng sau ông cắt hơn 100 ca. Ngày nay, mổ gan khô đã trở thành một trong hai phương pháp cắt gan chính trên toàn thế giới.

Bác sĩ Daniel Jaeck, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật viên quốc tế đánh giá GS Tôn Thất Tùng có một nhân cách lớn lao, trí tuệ uyên bác và kỹ thuật phẫu thuật tuyệt vời: “đối với chúng tôi, GS vẫn là một trong những ông tổ nổi tiếng nhất, tiêu biểu nhất trong phẫu thuật hiện đại về gan; các công trình của GS là nguồn gốc của những tiến bộ lớn lao trong chuyên ngành phẫu thuật trên thế giới”.

 * Người đặt nền móng cho việc nghiên cứu tác hại của chất độc hóa học dioxin tại Việt Nam

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chất độc da cam được rải xuống từ quân đội Mỹ đã làm cho khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc dioxin, hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Dù vậy, vào thời điểm đấy, không ai biết được sự nguy hại của chất diệt cỏ này.

GS Tôn Thất Tùng, trong những lần phẫu thuật cắt gan và điều trị ung thư gan, đã nhận thấy những đặc điểm dị biệt ở gan của các thương bệnh binh được chuyển từ chiến trường miền Nam ra Bắc điều trị.

110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng, ngày sinh giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, phương pháp Tôn Thất Tùng
GS. Tôn Thất Tùng (người mặc complet trắng bên trái) dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Bệnh viện Việt - Đức sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954).

Ông đã nghiên cứu trên 836 người từ chiến trường miền Nam bị rải chất độc, từ đó phát hiện ảnh hưởng độc hại của chất dioxin tới thế hệ tương lai về các mặt: thần kinh học, phôi thai học, di truyền học và bệnh lý thần kinh.

Với sự hỗ trợ trong việc phân tích các công thức hóa học và tác hại của dioxin từ GS Bửu Hội - một giáo sư Hóa học, dần dần những phát hiện này của giáo sư Tôn Thất Tùng được chú ý, bàn luận nghiêm túc ở cả trong và ngoài nước.

Điển hình như việc năm 1979 chính quyền Mỹ đã buộc phải chính thức đặt vấn đề nghiên cứu các tác hại của chất diệt cỏ đối với những cựu binh sĩ Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam hay Hội thảo quốc tế về tác hại của các chất diệt cỏ đã diễn ra vào năm 1983 tại TP Hồ Chí Minh.

Năm 1984, GS Arthur H. Westing ở Stockholm cho in cuốn: Chất diệt cỏ trong chiến tranh - những hậu quả lâu dài về mặt sinh thái học và đối với cơ thể con người, với lời đề từ: "Cuốn sách này được để tặng vong linh GS Tôn Thất Tùng (1912-1982)".

GS Tôn Thất Tùng còn có công lao to lớn trong việc đào tạo một đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn. Ông là tấm gương người thầy mẫu mực, trung thực, say mê khoa học, hết lòng yêu thương học trò…

110 năm Ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng, ngày sinh giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, phương pháp Tôn Thất Tùng
Bác sĩ Tôn Thất Tùng đang nghiên cứu trên bệnh phẩm (gan khô) (năm 1962). Nguồn: Vietnamnet

Từ năm 1947, cùng với GS Hồ Đắc Di, ông đã bắt tay xây dựng Trường Đại học Y khoa Hà Nội và gắn hơn nửa cuộc đời mình với công tác đào tạo. Hầu hết trong số các cán bộ y tế đã có thời gian học tập, thực tập tại trường và Bệnh viện Việt Đức đều nhớ tới ông với những buổi giao ban sống động, với những bài giảng nghiêm khắc, bổ ích.

Là Chủ nhiệm Bộ môn ngoại của Đại học y, ông đã vun đắp đào tạo biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành như GS Tôn Thất Bách, GS Đặng Hanh Đệ, GS Đỗ Đức Vân... Những quan điểm dạy học của ông như “học và hành thống nhất” cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt hơn, ông luôn quan tâm đến cả đời sống của sinh viên mà ông cho là “những người thiệt thòi nhất”, lo lắng đến cả bữa ăn trực đêm cho sinh viên.

Với tài năng và những cống hiến của mình, năm 1977, GS Tôn Thất Tùng là 1 trong 12 người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế Lannelongue do Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris trao tặng.

Ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hai lần Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Ba và Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2002, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông, Bộ Y tế đã thành lập hội đồng xét tặng giải thưởng về Y học mang tên ông - Giải thưởng Tôn Thất Tùng.

Ngày 7/5/1982, GS Tôn Thất Tùng qua đời tại Hà Nội.

Trong bài tưởng niệm GS Tôn Thất Tùng - một nhà phẫu thuật lớn đã ra đi in trên tờ Témoignage (Bằng chứng), tờ báo của giới Y học Pháp, BS J.-M. Krivine viết: "Không ai có thể thay thế được GS Tôn Thất Tùng! Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như ông trong thế hệ hiện nay (...). Nhưng chúng ta tin rằng ngành phẫu thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy nhiệt tình, tính nghiêm túc và trí tuệ cởi mở của bậc thầy khai sáng ấy".
 Tên tuổi ông còn lại mãi trên các đường phố Tôn Thất Tùng ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Long An.                    

 Diệp Ninh (tổng hợp)/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm