Thông cáo báo chí về Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ II

01/04/2010 19:02 GMT+7 | Văn hoá


Buổi họp báo diễn ra trong không gian nhỏ
nhưng ấm cúng

(TT&VH) - Sau hơn 5 tháng phát động, 15h hôm nay, ngày 1/4/2010, báo Thể thao & Văn hóa chính thức công bố: Lễ tổng kết, trao giải và khai mạc triển lãm “Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ II – Cúp Rồng tre”!

1. Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2007 theo sáng kiến của Báo Thể thao & Văn hoá, với sự bảo trợ của Hội Nhà báo Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà giải Biếm họa lần II này đã thu hút được đông đảo các Họa sĩ biếm họa tham gia như vậy, với khoảng 400 tác phẩm của gần 80 tác giả trong cả nước.

Có thể nói, với chủ đề “Giao thông thời… hội nhập”, cuộc thi đã đụng đến vấn đề nóng bỏng và cũng sát sườn hàng ngày của không chỉ những Họa sĩ biếm họa mà của hàng triệu người dân cả nước. Có người đã đưa ra các con số so sánh và rồi nhận xét, số người chết vì đại dịch H5N1 vừa qua chưa bằng số người chết vì tai nạn giao thông trong… vài ngày! Mỗi ngày, đều đều, tai nạn giao thông  cướp đi sinh mạng khoảng 35 người, chưa kể hàng chục người khác bị thương. Nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng cướp đi mạng sống của hàng chục người. Xe thì nhiều, đường thì bé, lại đầy lô cốt, hết đào rồi lấp, hết lấp lại đào, có nhẫn nhịn nhất cũng phát khùng vì bị kẹt xe, vì bụi bặm; sợ nơm nớp vì không biết lúc nào mình hay người thân của mình sẽ là nạn nhân của tai nạn giao thông; thất vọng mỗi khi những hứa hẹn giải quyết vấn đề quốc nạn giao thông được đưa ra…
   
Bởi vậy, Cuộc thi đã được nhiều người yêu thích Biếm họa hăng hái hưởng ứng ngay. Gần 400 tranh về một đề tài, không dễ. Một “Bức tranh toàn cảnh về Giao thông Việt Nam đương đại” với gần 400 ý tưởng: Táo bạo, bất ngờ, thâm thúy, cay chua mà hài hước, xem muốn khóc rồi lại muốn cười… Tiếng cười đại chúng, lạc quan theo cách của Biếm họa.

Một “kỷ lục” của cuộc thi: hàng chục bức tranh dự thi vẽ về “quốc nạn” lô cốt trên đường phố. Đi đâu cũng đụng lô cốt, cho nên các Họa sĩ biếm “tưởng tượng” ra đủ thứ chuyện về lô cốt, nào là Táo quân lên giời cũng chậm vì lô cốt, rồi cảnh người ta ăn ngủ trong lô cốt, tặng hoa cho người yêu nhờ máy xúc trong lô cốt, làm lịch biểu tượng lô cốt cho năm mới… Đặc biệt, “biểu tượng” lô cốt, máy xúc và công nhân đào đường qua con mắt Biếm họa của Họa sĩ LAP trong “Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn” đã trở thành một “đặc sản” đậm đà bản sắc Sài Gòn để trưng ra đón du khách quốc tế đến tham quan tìm hiểu “Vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam (giải Nhì). Lô cốt ngày càng được “nhân lên” khi người ta loay hoay kiếm tìm giải pháp cho giao thông, với những sáng kiến và cả… tối kiến “quẩn quanh”, đào chỗ nọ, bới chỗ kia... Kết cục là chỉ làm cho đường phố vốn đã thắt nút như một cái chai lại càng kẹt cứng (Giải pháp chống ùn tắc, giải Nhì – Họa sĩ Trần Quyết Thắng) .

Bức tranh toàn cảnh giao thông Việt Nam càng trải rộng ra, người ta càng thấy nhiều bất cập. Nhìn vào bức tranh Ba giai đoạn đoạt giải Nhất của Họa sĩ NOP về ba giai đoạn của dự án xây dựng cầu, người ta nghĩ ngay đến những chuyện “dở khóc dở cười” của nhiều dự án giao thông thời nay như: chuyện làm xong cầu nhưng quên hoặc chưa có… đường dẫn, hoặc một số quy hoạch thiếu đồng bộ khác… Trong bức tranh biếm của Họa sĩ  NOP, cây cầu được xây dựng qua hai dự án, nhưng mỗi dự án chạy một hướng, rốt cục lại phải có thêm dự án thứ ba rất tạm bợ để ghép nối hai dự án chệch choạc ban đầu.

Nhưng cuộc thi không chỉ thể hiện tiếng cười công kích, đả phá đối với những cái xấu, những cái bất cập hay những điều chướng tai gai mắt mà còn mang tới tiếng cười lạc quan, hướng người xem tới những cái Tốt, cái Đẹp, tới sự cảm thông, hòa đồng đối với những khó khăn chung của xã hội, mà chúng ta đang phải đối mặt. Có thể nói, các Họa sĩ đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc thi khi thể hiện những tiếng cười đầy tinh thần trách nhiệm, đầy tính xây dựng. Đó là tiếng cười cảnh tỉnh đối với mỗi người chúng ta về ý thức khi tham gia giao thông, vì những vấn nạn giao thông không thể đổ hết cho… khách quan, cho hạ tầng kỹ thuật. Chính ý thức kém cỏi của những người tham gia giao thông đã làm hại bản thân họ và làm cho giao thông trở nên đáng báo động. Theo quy định ở nhiều nước, người vi phạm giao thông bị bắt buộc phải đi học lại Luật giao thông. Điều đó rất đúng và rất cần thiết. Nhưng cách mà Họa sĩ NOP “bắt” anh chàng quấn bông băng từ chân đến đầu trong bức tranh “Bài học muộn” đoạt giải Nhất này phải ngửa mặt lên… trần bệnh viện mà học Luật thì còn “nghiêm khắc” hơn ngàn lần. Nhưng với nhiều “anh hùng xa lộ” hay những thanh niên thích quậy phá, thì có lẽ phải như thế thì họ mới “nhớ đời” được.

2. Các Họa sĩ biếm Việt Nam trong cuộc thi  lần này có một tin vui bất ngờ:  Nhằm khuyến khích phong trào Biếm họa Báo chí Việt Nam, trên cơ sở thành công tốt đẹp của Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ I (năm 2008) và chất lượng, số lượng tranh tham gia Giải biếm họa báo chí Việt Nam lần thứ II - Cúp Rồng tre, Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã đề nghị Hội Nhà Báo Việt Nam xem xét trao một Giải Đặc biệt dành cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng cao tham gia giải lần này và đã được đăng báo trong 2 năm vừa qua (2008 - 2009). Trên cơ sở các tiêu chí nói trên, Hội đồng Giám khảo đã bàn bạc và đi đến thống nhất đề nghị trao Giải Đặc biệt cho Họa sĩ Lê Anh Phong - có bút danh LAP.

Điều này cũng đặt ra hy vọng: Tiếp theo Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng sẽ có những sáng kiến riêng để tôn vinh Biếm họa và các Họa sĩ biếm, những hội viên từ bấy lâu nay của họ!

Tiếp theo  Lễ trao giải và triển lãm các tác phẩm tiêu biểu dự giải diễn ra vào ngày 1/4/2010 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Lần đầu tiên, Giải Biếm họa sẽ được đưa vào triển lãm tại TP.HCM, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2010 tới đây. Triển lãm sẽ kết hợp trao giải (khoảng một nửa số giải thưởng của toàn Giải) cho các tác giả đoạt giải ở phía Nam.

BAN TỔ CHỨC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm