Hai cá tính & một mục tiêu

20/08/2011 19:01 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - V-League đã có hơn chục năm tuổi nhưng phải đến mùa này mới có một trận chung kết của cả mùa giải. Hai đội bóng làm nên trận đấu đặc biệt này lại không phải là những tập thể có nhiều cá nhân xuất sắc nhất.

Sông Lam Nghệ An vỗ ngực tự hào rằng đó là một trung tâm bóng đá truyền thống dù họ chỉ có 2 chức vô địch V-League, ngang bằng với những đội bóng nổi lên chưa được chục năm như Bình Dương, Đồng Tâm Long An hay Hoàng Anh Gia Lai và nếu so với Cảng Sài Gòn, Thể Công thì vẫn còn một khoảng cách.

Thế nhưng, thứ quyền lực của đội bóng này lại được thể hiện theo cách rất Nghệ và cũng rất V-League. Bởi ở Việt Nam, một lò đào tạo sản sinh ra nhiều cầu thủ, một đội bóng có những mùa thích thắng thì thắng thích thua thì thua và có thể điều phối cả 2 cuộc đua trụ hạng và vô địch, đó cũng chính là quyền lực, dù có người gọi đó là mafia.

Nếu như không tính riêng phạm trù doanh nghiệp hóa bóng đá, cũng có thể xem Nghệ An như một đội bóng điển hình của bóng đá Việt Nam, với đầy đủ các mặt tốt - xấu đan xen.


Niềm vui giành chức vô địch V-League sẽ trở lại với ai, Sông Lam Nghệ An (phải) hay Hà Nội.T&T?

Hà Nội.T&T cũng đi lên từ thứ bóng đá mafia với một chặng đường rất ngắn từ giải hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất rồi vô địch V-League. Danh hiệu họ có được ở mùa 2010 là kết quả của những trận đấu đáng xem và cả những trận đấu mà trọng tài trở thành kẻ thù đối với đối thủ của họ.

Cách thức ấy không giúp họ trở thành đội bóng được số đông yêu mến (lượng khán giả vẫn chỉ 1.000 đến 3.000 người/trận trên sân Hàng Đẫy có 2 vạn chỗ ngồi), nhưng người ta cảm thấy đỡ ngượng hơn mỗi khi cố gọi nó là đại gia V-League.

Hai đội bóng tốt chứ không phải những cá nhân xuất sắc

Thế hệ các cầu thủ đang đứng trước cơ hội giúp bóng đá xứ Nghệ vô địch Việt Nam lần thứ ba không phải là xuất sắc nhất, thậm chí còn không bằng so với những thế hệ cầu thủ thuộc về quãng thời gian 10 năm không vô địch.

Chẳng hạn, thế hệ Sông Lam trong những năm 2003 - 2006 là một tập thể gồm những cầu thủ tài năng và rất đồng đều như bên cạnh Huy Hoàng, còn có Hồng Sơn, Quốc Vượng, Minh Đức, Công Vinh, Văn Quyến (chưa sa sút). Ngay cả dàn cầu thủ ngoại của Sông Lam cũng là những gương mặt đáng kể như trung vệ Afonso, tiền vệ Abbey hay chân sút Julien.

Sông Lam giờ đây không có nhiều cá nhân đẳng cấp ngoại trừ Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Bình, còn cặp trung vệ Nguyễn Hoàng Helio - Huy Hoàng thì người thứ hai lại hay bị nhắc tới trong những trận đấu mà Sông Lam có những nghi ngờ như trận hòa trên sân nhà với Hoàng Anh Gia Lai ở vòng 18 hay đầy cay đắng như trận thua Ninh Bình 1-3 trên sân khách ở vòng 23.

Thực tế ấy lại chứng tỏ một điều rằng dù thế nào đi chăng nữa, đã chảy máu cầu thủ, thì so với mặt bằng V-League, họ vẫn là một thế lực, vẫn có cái chất rất riêng mà gọi nó là bản sắc cũng không quá lời. Và một khi người Sông Lam muốn, họ có thể làm được, hoặc tự tạo nên những cơ hội để có thể giành lấy mục tiêu.

Và nó cũng chứng tỏ là xét về việc xây dựng lối chơi, điều chỉnh chiến thuật có thể là hạn chế của cặp Hồng Thanh (giám đốc điều hành) - Hữu Thắng (HLV), nhưng ở khía cạnh quản trị thì họ đã tạo nên sự khác biệt, dù cho ở đội bóng này trước kia không thiếu những người tự ca ngợi mình là giỏi và chỉ chơi thứ bóng đá tử tế.

Hà Nội.T&T không tự so sánh được với quá khứ, bởi họ mới chỉ “sáu tuổi”, nhưng họ cũng không phải là tập thể có nhiều ngôi sao nhất ở V-League mùa này, bởi “danh hiệu” đó phải thuộc về một trong số các đội bóng như Navibank Sài Gòn, Bình Dương, Ninh Bình hay SHB.Đà Nẵng.

Đội bóng Thủ đô cũng là một tập thể được quản trị khá tốt nhờ biết sử dụng sức mạnh của đồng tiền, biết tạo ra một môi trường tập luyện, sinh hoạt tương đối chuyên nghiệp.

Sức mạnh & sự hạn chế

Sông Lam Nghệ An mùa này là đội bóng hòa ít nhất (3 trận), nhưng trong trận đấu này họ chỉ cần hòa là bước lên ngôi vô địch. Sức mạnh của Sông Lam vẫn thế, dựa trên một lối chơi khá “đầu gấu” khi họ đang là đội bóng nhận nhiều thẻ đỏ nhất (8 chiếc) và đứng thứ sáu về số lượng thẻ vàng (55), để uy hiếp đối thủ và từ đó triển khai cách đá nhanh, tốc độ.

Sức mạnh khác nữa của Sông Lam chính là sân nhà, mà ở mùa này họ đã thắng tới 15 trận trên tất cả các mặt trận (trong đó có 10 trận ở V-League) và khi đấu với các đội bóng trong nước tại đây, thầy trò Hữu Thắng mới chỉ thua có một lần (0-1, Bình Dương).

Có một vấn đề rất lớn lúc này với Sông Lam, đó là sự mờ nhạt của các cầu thủ ngoại mà trong 3 trận đấu gần đây, chỉ có các cầu thủ nội ghi bàn trong những trận đấu có tính quyết định tới cơ hội đoạt cú “ăn hai” của họ trong mùa.

Sức mạnh của Hà Nội.T&T chính là lối chơi. Lối chơi của họ được xác định rõ ràng và các cá nhân là những mắt xích được gắn kết lại thông qua những nhiệm vụ cụ thể và sự phối kết hợp gắn bó. Hầu như các cá nhân đều được phát huy tối đa khả năng khi họ tham gia vận hành lối chơi luôn đề cao việc kiểm soát bóng ở khu trung tuyến và tấn công khá đều cả ở biên lẫn trung lộ.

Hà Nội.T&T cũng là đội bóng khá bản lĩnh, và điều này giúp họ ghi được rất nhiều bàn thắng ở những phút quyết định, là đội có khả năng ngược dòng trước nhiều đối thủ, và có số trận thắng trên sân khách nhiều hơn thua (6 thắng, 1 hòa và 5 thua) ở mùa này.

Nếu Sông Lam ghi bàn trước, và nếu họ muốn hóa giải khả năng lội ngược dòng của đối thủ thì họ phải bịt được 2 hành lang tấn công của Hà Nội.T&T, bởi đây chính là nguồn cung cấp bóng cho những tiền đạo có khả năng săn bàn trên không trung rất tốt, trong đó có Gonzalo.

Sông Lam giờ đây ở vào cái thế không thể không vô địch, không phải vì đối thủ nhường, mà bởi kiểu chuẩn bị ăn mừng chiến thắng của họ khiến cho người ta e ngại khi nghĩ tới khả năng thua cuộc.

Người Nghệ diễu hành ở mọi nơi và chỗ nào cũng giương cao chiếc cúp giấy mô phỏng cho ngôi vô địch. Tỉnh phát động một chiến dịch không chính thức để quyên tiền thưởng cho đội bóng mà ước chừng, cộng tất cả các khoản lại sẽ không ít hơn chục tỷ đồng - mức thưởng nhiều hơn bất cứ đội bóng doanh nghiệp nào từng chi trả cho các cầu thủ từ trước tới nay.

Cách chuẩn bị kiểu này thường thấy ở V-League, nhất là những đội bóng mà tính địa phương rất cao và còn ít nhiều mang dáng dấp của một đội bóng quốc doanh. Đôi khi nó cũng tạo ra những áp lực lên đôi chân của các cầu thủ và có thể dẫn tới thất bại kiểu như Thanh Hóa thua SHB.Đà Nẵng ở trận Siêu cúp năm 2010 trên sân Ninh Bình.

Có thể mối tương quan về lực lượng và đẳng cấp ở đây là không chênh lệch lớn, nhưng cũng sẽ chẳng bất ngờ nếu như Hà Nội.T&T chiến thắng và vô địch nhờ tiêu chí hơn về đối đầu. Một đội bóng muốn được thừa nhận như là quyền lực ở bóng đá Việt Nam phải vô địch và bảo vệ được chức vô địch ấy, như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An và Bình Dương từng làm!

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm