Bóng đá Việt Nam: Biết rồi, nhưng... giờ mới nói

15/08/2014 16:54 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - “Với 20 tỷ đồng rót cho bóng đá mỗi năm, tương đương với chi phí công tác an sinh, đầu tư cơ bản của một huyện. Tôi dám chắc rằng, nếu có một cuộc khảo sát, hẳn người dân sẽ không đồng tình đâu. Tốn tiền thế, nhưng lại chẳng vui vẻ gì, chỉ rước thêm những bực dọc”, Phó Chủ tịch (PCT) Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang, cũng là PCT Công ty CP bóng đá HV.An Giang, ông Nguyễn Quốc Khánh, phát biểu trong chương trình Tiêu điểm - Toàn cảnh bóng đá Việt Nam số 94 (Truyền hình An Viên).

Đây không phải là tiết lộ động trời, kể từ khi bóng đá doanh nghiệp bắt tay địa phương, với tỷ lệ % kinh phí hoạt động được quy định rõ ràng cho các bên liên quan; nhưng, hẳn phải là lần đầu tiên, một lãnh đạo địa phương lên truyền hình công khai về ngân sách chi cho bóng đá/mùa giải, đồng thời có những so sánh rất nhức nhối, giữa an sinh xã hội với bối cảnh nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Trăm dâu đổ đầu... nhà tài trợ

“Lãnh đạo Tập đoàn Hùng Vương cũng vì tình cảm và vì trách nhiệm với bóng đá tỉnh nhà, nên mới tham gia tài trợ đội bóng, chứ tôi cho rằng họ chẳng đánh bóng thương hiệu được gì cả. Ngay cả 30 ha đất mà chúng tôi cấp cho họ, để đào ao nuôi cá tra tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho phía Hùng Vương, cũng nhằm mục đích tạo nguồn thu cho Công ty CP bóng đá HV.An Giang mà thôi.

Ngoài việc ứng vốn, tạo giống, cung ứng thức ăn, cử cán bộ kỹ thuật xuống giúp..., nhà tài trợ còn cam kết sẽ trích ra 1.000đ/1kg cá thu hoạch cho đội bóng, bất kể thời giá”, ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm.

Cũng theo những tiết lộ của PCT HĐND tỉnh An Giang, nhà tài trợ Tập đoàn Hùng Vương nắm 51% cổ phần - kinh phí hoạt động của đội bóng/mùa giải, 49% còn lại thuộc về nguồn ngân sách tỉnh. HV.An Giang ở mùa giải 2014 gần như không có Mạnh Thường Quân đồng hành.

Thế nên, gần 20 tỷ đồng (không bao gồm 1,2 tỷ đồng thu được từ tiền bán vé - PV) mà ông Nguyễn Quốc Khánh tiết lộ là một con số rất khủng, đủ để lo an sinh - xây dựng cơ sở hạ tầng khối cơ bản cho 1 huyện/năm (tương đương với gần 200 ngàn người trung bình, của 8 huyện lỵ, ngoài thành phố và thị xã trực thuộc, theo thống kê năm 2011).

Cơ chế thị trường mở ra và khi nền bóng đá tiến lên chuyên nghiệp, cung cách làm bóng đá thời bao cấp đã hụt hơi trông thấy. Bằng chứng là rất nhiều những thương hiệu cỡ bự như các đội bóng ngành Công an, Quân đội, Hải Quan, Cảng Sài Gòn..., đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.

Mới nhất của Xi-măng Hải Phòng, rồi Khatoco Khánh Hoà (trực thuộc Tổng công ty Khánh Việt, một doanh nghiệp quốc doanh)..., cũng đã rút lui. Nhà tân vô địch V-League, B.Bình Dương, đang bay bổng trên đôi cánh của Becamex IDC, một doanh nghiệp Nhà nước khác (dù là trực thuộc tỉnh Bình Dương), nhưng sự bền vững thì ai dám đảm bảo ?

Một thời gian đủ dài tính bằng cả thập niên, bóng đá doanh nghiệp hay bóng đá kim tiền lên ngôi, thay thế cho cơ chế hoạt động cũ, nhưng cho đến thời điểm này, mô hình tưởng như tối ưu ấy cũng đã đến ngưỡng rồi. Rất nhiều các ông bầu rủ nhau bỏ cuộc chơi trong vài năm qua, vì đủ lý do khác nhau.

Song VFF, rồi nhà tổ chức giải đấu vẫn chưa thể đưa ra được hướng giải quyết. Sự thụ động hay thiếu linh hoạt với thời thế là bản chất vấn đề. Con người tạo ra tiền lệ và chỉ con người mới thay đổi được nó. Hành động ngay bây giờ hoặc bóng đá Việt Nam sẽ “trở lại thời kỳ đồ đá” ?

Phải chạy mới (hy vọng) ra chiến thuật

Trong bóng đá, có một khái niệm rất thú vị, đó là “chạy nhiều ra chiến thuật”. Diễn tả theo ngôn ngữ hình ảnh, khi chúng ta không thể bắt trái bóng tìm đến người (nhờ kỹ năng xử lý, chuyền bóng của đồng đội, cộng thêm việc chọn vị trí hợp lý), thì phải tự thân tìm bóng. Nhưng lịch sử V-League 14 năm tuổi, cùng với đó là 3 năm sau khi VPF ra đời, có bao nhiêu mô hình Công ty CP bóng đá (hoặc các CLB trực thuộc), chủ động “chạy tìm bóng”?

Rất ít, nếu không muốn nói là cực hiếm, bởi bóng đá Việt Nam vẫn quen thói ăn sẵn, ngồi chờ sung rụng, với túi tiền tưởng như không đáy của các ông (hay bà) bầu hoặc đơn vị bảo trợ.

Khi không (hoặc chưa) có một nhà bảo trợ đủ mạnh, ở các đội bóng tỉnh lẻ như HV.An Giang, TĐCS.Đồng Tháp hay trước đó là K.Kiên Giang, Nam Định, CLB bóng đá Huế..., chuyện ăn đong theo mùa vụ là bình thường. Vì sự bấp bênh ấy, rất khó để thuyết phục họ ký vào một bản cam kết mô hình chuyên nghiệp, khi chính VFF và đơn vị tổ chức như VPF cũng chưa chuyên nghiệp.

“Theo tính toán, sau 3 năm HV.An Giang sẽ đạt chuẩn chuyên nghiệp, nhưng cho đến lúc này vẫn còn ngổn ngang lắm. Ngoài nó không hoàn toàn là vấn đề của CLB mà cần phải kể tới việc bóng đá Việt cứ diễn mãi một vở kịch tồi”, ông Quốc Khánh nói.

Theo vị PCT HV.An Giang, VFF và Ban tổ chức các giải đấu lúc nào cũng yêu cầu đội bóng tôn trọng luật chơi, không được phép phản ứng trọng tài trên sân, đồng thời khuyến cáo rằng họ sẽ xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm của đội ngũ cầm cân nảy mực, nhưng rốt cuộc đâu vẫn vào đấy. “Khi trọng tài hay người của BTC sai sót, tôi để ý là, BTC giải toàn xử lý nội bộ, không công khai.

Họ bảo vệ trọng tài, còn ai bảo vệ chúng tôi, những diễn viên chính trên sân khấu bóng đá?! Liên đoàn, rồi BTC giải, chỉ chực chờ cơ hội để khẳng định quyền lực, chứ không đứng cạnh đội bóng để cùng phát triển”, vẫn lời ông Khánh.

Ở bất cứ nền bóng đá, bất cứ giải đấu đỉnh cao hay đỉnh thấp nào, cũng thế thôi. Những tranh cãi về quyền lợi luôn là mâu thuẫn khó giải quyết. Nhưng khi đáng ra mâu thuẫn phải là động lực để phát triển, thì dường như những người tham gia cuộc chơi bóng đá Việt Nam, không phải lúc nào cũng cùng nhìn về một hướng.

Công tác tổ chức giải đấu vốn đã và đang gặp quá nhiều vấn đề, dẫn đến phản ứng dây chuyền của hầu hết các đội bóng. Ở chiều ngược lại, bản thân các CLB cũng chưa cảm nhận được hết khái niệm bóng đá chuyên nghiệp, mày mò trong cách làm và chưa thoát được tư duy kiểu cũ, dẫn đến tâm lý sống ngắn ngày.

Trong rất nhiều các phát biểu (chính thức hoặc không chính thức), lãnh đạo CLB B.Bình Dương cho biết, trung bình mỗi mùa giải, họ phải chi khoảng 50 tỷ đồng để đội bóng hoạt động.

Song, phần lớn đều hiểu, đây chỉ là con số ước lệ, nếu nhìn vào chính sách chuyển nhượng, cũng như cung cách làm bóng đá của B.Bình Dương. Thử so sánh với con số vừa được công khai ở HV.An Giang, một đội bóng nhỏ theo đúng nghĩa cả về mặt con người lẫn tham vọng, sẽ ra ngay đáp án.

Dù Công ty CP Thể thao & Bóng đá Bình Dương vẫn được quyền khai thác (quảng cáo) rất nhiều các tuyến đường ở Bình Dương, nhận được đủ sự hỗ trợ của Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh, thì cũng khó thể đảm bảo có lãi, khi con số thật kinh phí hoạt động/mùa giải được cho là cực khủng.

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm