Khi SLNA bỏ "chém đinh chặt sắt"

13/04/2013 17:14 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Ai xem “đại chiến” Sông Lam Nghệ An và Hà Nội T&T cuối tuần qua, sẽ thấy một nghịch lý: Sông Lam mới chính là nạn nhân của lối đá theo phong cách chém đinh chặt sắt (lâu nay vốn là tai tiếng của Sông Lam) mà HN.T&T thi triển.

Ai cũng thấy rõ trọng tài đã bắt khá mềm cho chủ nhà. Ai cũng thấy Công Vinh tỏ ra nhẫn nhịn mỗi khi bị chơi xấu. Dĩ nhiên, nhiều người thấy hình ảnh HLV Nguyễn Hữu Thắng mở chai nước lọc… đổ lên đầu hậu vệ Đình Đồng, đang có triệu chứng nổi xung, với hàm ý là hạ hỏa!


SLNA là nạn nhân của lối chơi chém đinh chặt sắt trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: V.S.I

Dù hòa HN.T&T nhưng đội bóng xứ Nghệ vẫn đang chễm chệ ngôi đầu bảng, khẳng định vị thế của một ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Điều đặc biệt qua bốn trận đấu mùa này, Sông Lam trình diễn một diện mạo khác hẳn: mềm mại, thiên về kỹ thuật hơn. Ngay cả khi gặp đối thủ xương xẩu, nguy cơ bị “lấy số” không nhỏ (như Becamex Bình Dương, HN.T&T), tiếp đội bóng oán cừu như Xi Măng Vicem Hải Phòng, vẫn chưa thấy đội bóng áo vàng xuất hiện những “tiều phu” đích thực.

Không ít lần, HLV Hữu Thắng phải đăng đàn giải thích khái niệm “chém đinh chặt sắt” khác với đàn ông đá bóng, để nói giảm nói tránh cho sự quyết liệt thái quá của SLNA. Đỉnh cao của đặc sản “chém đinh chặt sắt” là cuộc “thảm sát” SHB Đà Nẵng trên sân Vinh mùa giải 2010. Một trận đấu mà cầu thủ SHB.ĐN không dám cầm bóng, thấy cái bóng áo vàng cách vài ba mét thì phang đại cho đồng đội cho nó lành!

SLNA khi quyết tâm đốn hạ đội bóng nào, với phương thức “chém đinh chặt sắt”, e rằng mười phần dành kết quả khả quan. Nhưng cũng không ít thời điểm, Sông Lam khốn đốn với việc hao quân, cũng vì chơi rắn quá. Sự trả giá về nhân sự, thậm chí nhận được sự hỉ hả từ dư luận, có lẽ đáng nhớ nhất là cú phản đòn của tiền đạo Samson vào mặt  trung vệ Huy Hoàng. Nguy hiểm hơn, trong màu áo tuyển, không ít lần cầu thủ xứ Nghệ, vốn chơi rắn như phản xạ vô điều kiện, đã gây hệ lụy khi tham chiến ở giải quốc tế.

Tóm lại, không chỉ người Nghệ, mà khán giả yêu đội bóng này đều có một khao khát thầm kín: giá như Sông Lam bớt tai tiếng hơn liên quan đến lối chơi thiên về bạo lực, thì viên mãn biết bao. Một đội bóng đi đâu khán giả cũng nhuộm vàng khán đài. Một đội bóng tài năng sóng sau xô sóng trước. Một đội bóng có truyền thống bậc nhất sân cỏ nội địa hiện nay. Từ bỏ một thói quen không dễ. Nhưng Sông Lam hoàn toàn có thể cân bằng được cá tính của mình, bởi không ai cấm họ chơi bóng quyết liệt, đeo bám đối phương như hình với bóng, thậm chí là tử thủ mà không cần phải đá láo, trong trường hợp lâm vào hiểm nghèo.

Thực ra,  nếu dõi theo kỹ chuyển biến trong tính cách của SLNA trong ba năm qua, đã có sự chuyển dịch tích cực. Nếu như mùa bóng 2011 họ xếp thứ nhì về lượng thẻ đỏ (8 thẻ, sau Hòa Phát Hà Nội, 9 thẻ) thì mùa bóng 2012 cón số này là 5. Một đội bóng mạnh là đội bóng trước hết khuất phục được đối phương về năng lực. Một đội bóng được yêu thích là đội bóng cân bằng được giữa phong cách với cá tính mạnh mẽ. Tất nhiên, không phải sử dụng “chém đinh chặt sắt”, mới là thể hiện chất đàn ông.

Giả như Chủ nhật rồi, SLNA lấy trọn 3 điểm nhưng bằng lối chơi bạo lực, chắc chắn, sân Hàng Đẫy sẽ nhiều tiếng thở dài. Sông Lam đang trên hành trình đến đích của cái đẹp, cứ tin là thế dù mùa bóng 2013 còn quá sớm để thử thách cho khát khao hướng tới sự toàn mỹ của bóng đá xứ Nghệ. Đá đẹp cho dân thương, tưởng đơn giản nhưng không dễ với bóng đá ta. Thẻ phạt đang gia tăng, ban trọng tài hiệu triệu thuộc cấp kiên quyết với bạo lực hơn nữa.

Một câu hỏi đặt ra, nếu SLNA muốn đá đẹp, ai cho họ có được môi trường để chơi đẹp? Thậm chí,  sẽ ra sao khi SLNA là nạn nhân của thứ bóng đá “chém đinh chặt sắt”?

 NGỌC HÒA
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm