21/09/2016 12:26 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Bất chấp những đồn thổi, dèm pha về việc được dồn điểm cho cuộc đua đến chức vô địch V-League 2016, ngôi vị số 1 làng túc cầu giáo Việt Nam của Hà Nội T&T là xứng đáng. Họ rõ ràng vẫn là đội bóng đẳng cấp trong gần thập niên qua.
Sau khi đã ném qua cửa sổ 14/15 điểm tối đa ở vạch xuất phát (hoà 1 và thua 4 trận đầu tiên), dưới trướng Phạm Minh Đức, Hà Nội T&T của “người đóng thế” Chu Đình Nghiêm đã tìm lại được 49 điểm ở 21 lượt trận còn lại (tức là chung bình gần 2,5 điểm/trận). Lịch sử chứng minh rằng, một nhà vô địch V-League chỉ cần tích luỹ trung bình 2 điểm/trận đấu, là có thể đường hoàng đăng cai.
Tại V-League 2013, khi giải đấu chỉ có 12 đội tham dự (đá 22 lượt trận), thêm việc XMXT Sài Gòn bỏ giải trước 2 lượt trận cuối, khiến các kết quả liên quan đến đội bóng này buộc phải huỷ, Hà Nội T&T đã lên ngôi với số điểm thấp kỷ lục: 38 điểm/20 trận. Trước đó, ở lần đầu tiên đánh chiếm ngôi vương, V-League 2010, Hà Nội T&T cũng chỉ tìm được 46 điểm/26 lượt trận. Có câu, “năng nhặt, chặt bị”.
Hà Nội T&T chứng tỏ thực lực xứng đáng là nhà vô địch của bóng đá Việt Nam.Ảnh: V.S.I
Người ta tính rằng, nếu Hải Phòng, SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh không sẩy chân ở những nút thắt quan trọng, chưa chắc Hà Nội T&T đã lên ngôi. Cụ thể, Hải Phòng thua XSKT Cần Thơ và SHB Đà Nẵng ngã ngựa tại Nha Trang trước S.Khánh Hoà BVN, cùng ở vòng 23; Than Quảng Ninh thua FLC Thanh Hoá (vòng 24). Đáng tiếc nhất có lẽ là Hải Phòng, đánh mất lợi dẫn lên đến cả chục điểm.
Dài dòng như thế để thấy rằng, sự cổ suý của may mắn và thời thế, đôi khi lại tạo ra sự khác biệt, tạo ra “người hùng”. Hà Nội T&T không chỉ có thiên thời, địa lợi, mà có cả yếu tố then chốt: nhân hoà. Họ là một trong những đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất (45 bàn) và thủng lưới ít nhất (28 bàn). Ngoài ra, sân Hàng Đẫy đã phát huy tối đa sức mạnh nội tại, với nguồn cầu thủ do chính họ đào tạo.
Giữa thời buổi bóng đá kim tiền, chi tiết này rất đáng lưu ý, khi một CLB hoàn toàn có thể tự chủ, tiết kiệm mà vẫn nâng cấp tham vọng bằng phương pháp làm bóng đá bài bản, có gốc, có ngọn. Dựa trên nền tảng hệ thống đào tạo trẻ có chiều sâu, từ 3 – 4 năm qua, Hà Nội T&T gần như không mua vào (Thành Lương là chữ ký lớn hiếm hoi), thậm chí họ còn bán ra, viện trợ quân cho QNK Quảng Nam và Sài Gòn FC.
Nền móng bắt đầu được gầy dựng từ triều đại Phan Thanh Hùng, để rồi phó tướng Đình Nghiêm là người kế thừa, xây dựng một lối chơi có bản sắc, mảng miếng rất riêng cho Hà Nội T&T. Cùng với Than Quảng Ninh, Hà Nội T&T mang hơi thở lối chơi “made in Việt Nam” nhất so với phần còn lại của V-League, khi ngoại binh không phải là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành bại tại một mùa giải.Có lẽ, thay vì ganh tị dẫn đến đố kị, thì một số đội bóng khác nên thay đổi cách nhìn và học tập phương pháp làm bóng đá của Hà Nội T&T. Không phải tự nhiên, họ luôn góp mặt trong tốp 2 đội dẫn đầu V-League từ 7 năm qua và 3 trong số đó, đại diện Thủ đô đã đăng quang. Trong hệ thống các giải bóng đá trẻ quốc gia từ 5 năm qua, các đội tuyển “U” của Hà Nội T&T cũng thắng thế, đặc biệt là lứa U21 và U17.
Với sự áp đảo của Hà Nội T&T, Hải Phòng và Than Quảng Ninh trên bảng xếp hạng V-League 2016, có vẻ như trái tim – kinh đô của nền bóng đá đang được dịch chuyển ra ngoài Bắc. Ngay cả gã nhà giàu – thế lực mới nổi, FLC Thanh Hoá cũng nằm ngoài vĩ tuyến 17. Trong khi, B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng đã có biểu hiện cũ đi, Long An quá tệ, còn “những đứa trẻ nhà bầu Đức” cần thêm thời gian để lớn.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất