'Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu'

27/08/2013 15:46 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước sẽ tổ chức Hội thảo khoa học: "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu" vào 8h ngày 30/8 tại trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, số 18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội.

Giáo sư Phan Huy Lê trao đổi tại buổi làm việc với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Hiện, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đang triển khai việc xây dựng hồ sơ tài liệu Châu bản triều Nguyễn để trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Hội thảo "Châu bản triều Nguyễn - Tiềm năng di sản tư liệu" là một trong những sự kiện nhằm xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trên.

Hội thảo nhằm nghiên cứu, trao đổi thông tin từ các nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về Châu bản Triều Nguyễn để đánh giá đúng giá trị, ý nghĩa nội dung của tài liệu so sánh với các tiêu chí của UNESCO như: tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế… Để chuẩn bị cho Hội thảo, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã làm việc với Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Dự kiến, Hội thảo sẽ có 32 báo cáo viên thực hiện các tham luận, đó là các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Châu bản Triều Nguyễn, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và một số nghiên cứu sinh Việt Nam tại nước ngoài.

Giáo sư Phan Huy Lê cho biết: Mục tiêu của Hội thảo là thông qua các báo cáo tham luận để tiếp thu những thông tin về giá trị chung của Châu bản Triều Nguyễn và những giá trị đặc biệt của tài liệu khi đối chiếu với các tiêu chí của UNESCO đặt ra cho di sản tư liệu. Những thông tin này sẽ là cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ Châu bản Triều Nguyễn đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Giáo sư cũng nêu rõ, trong quá trình xây dựng hồ sơ cần phải đưa ra các thông tin chứng minh được sự độc đáo của tài liệu thông qua so sánh với tài liệu cùng loại ở nước khác đã được công nhận Di sản tư liệu thế giới; nêu bật được giá trị về văn bản học của tài liệu ... Để làm được việc này, Ban tổ chức Hội thảo cần có sự phối hợp chặt chẽ với báo cáo viên có nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực đó.

P.V 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm