20/07/2021 07:03 GMT+7 | Olympic 2021
(lienminhbng.org) - Nếu giành được huy chương vàng tại Olympic Tokyo, một tuyển thủ của đoàn Thể thao Việt Nam sẽ nhận được ít nhất 1 tỷ 850 triệu đồng tiền thưởng, bao gồm khoản thưởng theo quy định và từ các nhà tài trợ. Mức thưởng cho VĐV giành huy bạc và huy chương đồng lần lượt là 1 tỷ 20 triệu đồng và 640 triệu đồng.
Mức thưởng theo quy định tăng hơn 2 lần
Trước giờ đoàn Thể thao Việt Nam bước vào các cuộc thi đấu chính thức tại Olympic Tokyo, các tuyển thủ sẽ nhận được mức thưởng rất lớn bằng tiền mặt theo quy định đã ban hành và các nhà tài trợ treo thưởng nếu như giành được huy chương tại Thế vận hội.
Cụ thể, theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 24/12/2018, VĐV giành HCV Olympic sẽ nhận được 350 triệu đồng tiền thưởng, mức thưởng với VĐV giành HCB và HCĐ lần lượt là 220 triệu đồng và 140 triệu đồng. Các VĐV sẽ được nhận thêm 140 triệu đồng nếu có thành tích phá kỷ lục. Mức thưởng của nhà nước với VĐV giành huy chương Olympic 2020 đã tăng hơn 2 lần so với trước đó, 160 triệu đồng HCV, 80 triệu đồng HCB, 60 triệu đồng HCĐ và 60 triệu đồng nếu phá kỷ lục.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Động lực Việt Nam, ngoài việc tài trợ toàn bộ trang phục thể thao, sẽ tặng thưởng cho các VĐV 1 tỷ đồng nếu giành HCV, 500 triệu đồng cho VĐV đoạt HCB và 300 triệu đồng cho các vận động viên đoạt HCĐ. Đây cũng là đơn vị treo thưởng cao nhất trong số các nhà tài trợ cho đoàn TTVN tính đến thời điểm hiện tại.
Nhà tài trợ Sen Nam Việt cũng treo thưởng cho VĐV giành huy chương vàng, bạc, đồng tại Olympic Tokyo với mức thưởng lần lượt là 500 triệu đồng, 300 triệu đồng và 200 triệu đồng.Như vậy, nếu giành được huy chương tại Olympic Tokyo, VĐV sẽ nhận được 1 tỷ 850 triệu đồng tiền thưởng cho HCV, 1 tỷ đồng cho HCB và 640 triệu đồng cho HCĐ.
VĐV nào có cơ hội giành huy chương?
Đoàn TTVN góp mặt tại Olympic Tokyo với 18 VĐV, tham gia tranh tài ở 11 môn thi đấu vàcác tuyển thủ cũng có cơ hội giành huy chương. Căn cứ theo thành tích và kinh nghiệm thi đấu ở đấu trường này, hy vọng lớn nhất đặt ở môn bắn súng và cử tạ.
Ở môn bắn súng, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hiện đang là ĐKVĐ ở nội dung 10m súng ngắn hơi, đồng thời là người thiết lập kỷ lục Olympic nội dung này ở bài bắn chung kết với 202,5 điểm. Tại kỳ Thế vận hội này, Hoàng Xuân Vinh tham dự bằng tấm vé mời của Liên đoàn Bắn súng thể thao thế giới, dù vậy, với kinh nghiệm thi đấu dày dặn, xạ thủ 47 tuổi vẫn là một trong những hy vọng tranh chấp huy chương. Tại Olympic Rio 2016, Hoàng Xuân Vinh từng giành 1 HCV, 1 HCB và sau đó nhận các khoản tiền thưởng lên tới 5,4 tỷ đồng và là VĐV nhận được tiền thưởng cao nhất sau một đại hội thể thao quốc tế của TTVN.
Ở môn cử tạ, lực sĩ Thạch Kim Tuấn cũng là một hy vọng sáng giá. Thành tích tốt nhất trong sự nghiệp của Thạch Kim Tuấn là mức tổng cử 304kg (cử giật 135kg, cử đẩy 169kg) đạt được tại SEA Games 30 vào năm 2019. So sánh với thành tích thi đấu hạng cân 61kg nam tại các giải châu lục và thế giới thời gian gần đây, nếu lực sĩ Việt Nam cải thiện được thành tích này, hoàn toàn có thể cạnh tranh một vị trí trong nhóm giành huy chương.
Với 9 môn thể thao còn lại gồm thể dục, điền kinh, bơi, bắn cung, cầu lông, rowing, taekwondo, judo và quyền Anh, cơ hội cạnh tranh huy chương của đoàn TTVN không thực sự rộng mở nếu so sánh với cử tạ và bắn súng, song vẫn hy vọng, các tuyển thủ sẽ làm nên bất ngờ trong phần thi đấu tại Olympic.
Bằng Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất