25/08/2016 21:59 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 24-8-2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt mang tên "Euphrates Shield" nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn Jarablus của Syria từ IS.
* Giành lại quyền kiểm soát JarablusDư luận cho đây là sự hợp tác mới của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Jarablus là thị trấn biên giới miền Bắc Syria có vị trí chiến lược an ninh quan trọng. Thị trấn nằm đối diện với thị trấn biên giới Karkamis ở Thổ Nhĩ Kỳ nên Ankara coi Jarablus “như một yếu tố quan trọng đối với an ninh quốc gia”. Chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan không muốn thị trấn này rơi vào tay của nhóm các tay súng YPG của người Kurd.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, các tay súng của đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng YPG và IS đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng trước. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cho việc IS chiếm đóng Jarablus hay bất kỳ thành phố nào khác là điều “không thể chấp nhận được”.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ankara ngày 23-8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã khẳng định nước này hỗ trợ tối đa chiến dịch quân sự mang tên "Euphrates Shield" nhằm giành lại quyền kiểm soát thị trấn biên giới Jarablus của Syria.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chiến dịch "Euphrates Shield" của nước này bên trong lãnh thổ Syria không chỉ nhằm vào IS mà còn chống cả lực lượng dân quân "Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd" (PYD) và sẽ chấm dứt vĩnh viễn các vấn đề ở biên giới hai nước.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng khẳng định nước này sẽ đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria vì Ankara chỉ đang tìm cách hỗ trợ nhân dân Syria chứ không có mục đích khác.
Khoảng 40 chiếc xe tăng và 2.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều động tới Jarablus hôm 24/8. Ảnh: Aljazeera
Vào khoảng 4 giờ chiều (01h00 giờ GMT) ngày 24-8, chiến dịch "Euphrates Shield" được tiến hành với sự hỗ trợ của pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ và yểm trợ của máy bay liên minh do Mỹ cầm đầu nhằm vào các mục tiêu của IS tại thị trấn Jarabulus.
Các chiến đấu cơ F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công 12 mục tiêu của IS, trong khi pháo binh của quân đội nước này đã nã hơn 200 quả đạn qua biên giới vào khoảng 70 mục tiêu của IS gần thị trấn Jarablus.
Đây là lần đầu tiên các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành không kích Syria, kể từ sau sự cố Ankara bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tháng 11-2015 tại biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi máy bay và pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ liên tục không kích, nã pháo, các đơn vị đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào thị trấn này.
Sau một ngày giao tranh ác liệt, thị trấn biên giới Jarabulus đã được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Các tay súng IS ở thị trấn này đã bỏ trốn theo hướng Al-Bab, tới khu vực phía Tây Nam.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cũng cho biết lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA) ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chiếm được ngôi làng Keklijah, cách thị trấn Jarablus 5km về phía Tây và chỉ cách biên giới chung Syria - Thổ Nhĩ Kỳ 3km.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, hiện có khoảng 1.500 tay súng của FSA đang ở khu vực này.
* Phản ứng của Syria và một số nước
Ngay sau khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "Euphrates Shield", Bộ Ngoại giao Syria đã ra tuyên bố lên án việc Ankara tấn công quân sự vào thị trấn Jarablus của nước này, nơi đang bị tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng chiếm giữ gần biên giới chung hai nước, đồng thời cho rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền của Syria.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh, bất cứ hoạt động chống khủng bố nào ở bên trong biên giới của Syria đều phải được tiến hành với sự phối hợp của Damascus, đồng thời cáo buộc Ankara triển khai cuộc tấn công này là nhằm sử dụng "các nhóm khủng bố khác" để thay thế IS, ám chỉ các nhóm phiến quân.
Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố, Chính phủ nước này đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt "hành động gây hấn" này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga lại bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, đồng thời cảnh báo căng thẳng gia tăng căng thẳng liên quan đến việc Ankara nhằm vào những chiến binh thuộc lực lượng dân quân tự vệ người Kurd ở khu vực biên giới.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những gì đang xảy ra ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ". Tuyên bố cũng cảnh báo điều này có thể khiến "tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa trong vùng xung đột" và "làm bùng lên những căng thẳng sắc tộc giữa người Kurd và người Arab".
Trái ngược với quan điểm của Nga, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Mỹ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Washington tin tưởng mạnh mẽ rằng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phải được kiểm soát bởi Thổ Nhĩ Kỳ, và không nên có sự chiếm đóng bởi bất kỳ nhóm nào khác, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington tiếp tục yểm trợ trên không cho chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Theo một số nhà phân tích, chiến dịch quân sự "Euphrates Shield" là sự hợp tác mới của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Từ trước tới nay, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ở khu vực biên giới, không tham gia vào các cuộc chiến chống IS của liên quân Mỹ ở Syria. Mỹ đã nhiều lần hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động tích cực hơn trong cuộc chiến chống IS. Nhưng động thái tích cực nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là mở cửa căn cứ không quân Incirlik cho máy bay của liên quân cất cánh để không kích phiến quân.
Bên cạnh đó, chiến dịch "Euphrates Shield" còn được coi là “đòn phủ đầu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn kế hoạch hình thành một vùng lãnh thổ liên tục ở phía bắc Syria của người Kurd.
Qua chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn chứng tỏ vai trò trung tâm của mình trong cuộc chiến chống IS, đồng thời ngăn chặn khả năng người Kurd trở thành một lực lượng thống nhất ngay sát biên giới với họ.
Theo TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất