Cấm phẫu thuật thẩm mỹ, người đẹp Việt thiệt hay lợi?

15/03/2017 11:16 GMT+7

(lienminhbng.org) - Việc Nguyễn Thị Thành từng phẫu thuật thẩm mỹ răng đã phải trả lại danh hiệu Á khôi 1 tại Hoa khôi Du lịch lại dấy lên cuộc tranh luận về việc: Cấm hay mở với phẫu thuật thẩm mỹ?

Thực tế, quy định hiện ành về thi người đẹp ghi rõ: Thí sinh có vẻ đẹp tự nhiên. Điều này được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 19 Nghị định 79/2012/NĐ-CP và mới nhất là thông tư quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định này.

Theo đó thì mọi cuộc thi hoa hậu, người mẫu ở Việt Nam đều phải tuân thủ quy định thí sinh chưa thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu cuộc thi nào vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo quy định với mức cao nhất là rút giấy phép. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tình hình thực tế, quy định nghiêm ngặt này liệu đã thoả đáng với mọi cuộc thi?

Bất cập!

Đó là tình trạng của các thí sinh Việt Nam tham dự một trong 4 cuộc thi sắc đẹp toàn cầu lớn nhất: Hoa hậu Hoàn vũ.

Miss Universe - Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới là cuộc thi chấp nhận thí sinh đã qua giải phẫu thẩm mỹ. Tuy nhiên, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam lại không cho phép điều này bởi như tất cả các cuộc thi người đẹp khác, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng phải tuân thủ quy chế quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Sẽ là không đáng nói nếu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chỉ dừng lại ở việc chọn hoa hậu để tôn vinh trong nước. Nhưng không, rõ ràng mục đích chính của cuộc thi này là để tìm ra ứng cử viên tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới. Và đã nhiều lần các cô gái Việt phải mang thân hình nguyên bản đi đọ với các người đẹp đã qua chỉnh sửa đến từ khắp 5 châu.


Phạm Hương và vòng 1 khiêm tốn trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới năm 2015

Dễ thấy nhất, các người đẹp Việt Nam đi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới hầu hết có vòng 1 khiêm tốn hạng nhất trong số cả trăm thí sinh của cuộc thi này. Khiêm tốn bởi vóc dáng người Việt Nam vốn không có vòng ngực nảy nở và càng khiêm tốn hơn khi các hoa hậu khắp nơi thả sức bơm ngực để có được vòng một thật sexy cho đúng tiêu chí chấm chọn của Hoa hậu Hoàn vũ.

Mới đây nhất, khi Phạm Hương đại diện cho Việt Nam thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, nhìn cô với vòng một khiêm tốn giữa một rừng nhan sắc “căng mọng”, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến mà nội dung đều quy về câu hỏi sao Phạm Hương không bơm ngực cho sexy như các cô gái cùng thi? Không chỉ Phạm Hương, mà Thuỳ Lâm, Hoàng Khánh Ngọc, Hoàng My, Diễm Hương… cũng từng rơi vào tình cảnh “thất thế” như vậy khi tham gia đấu trường sắc đẹp này.

Sự bất cập này đã nhiều lần được mang ra mổ xẻ nhưng quan điểm của những người soạn thảo quy chế thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu vẫn khăng khăng:

“Dứt khoát không có chuyện thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ được dự thi. Trong tương lai cũng không có ý định thay đổi điều này. Bởi vì lúc ấy cứ cô nào được thẩm mỹ đẹp thì lại được giải về sắc đẹp thì chết rồi. Cuối cùng nó lại là cuộc thi cho bàn tay làm đẹp phụ nữ chứ không phải là thi người đẹp nữa. Vì sắc đẹp lúc đó lại phụ thuộc vào dao kéo, vào bàn tay bác sĩ phẫu thuật chứ không phải vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ Việt Nam nữa”.

Và rằng: “Văn hóa của mỗi một dân tộc hoàn toàn khác nhau. Nên so sánh với Hoa hậu Hoàn vũ là một sự khập khiễng”.

Đó là phát biểu của ông Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn về việc ra thông tư hướng dẫn thực hiện Điều 6 của Nghị định 79/2012/NĐ-CP hồi tháng Ba vừa rồi.

Và những “đối tượng” ngoài tầm kiểm soát

Thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp dành cho các quý bà đã lập gia đình. Chẳng hạn như Hoa hậu Quý bà, và sắp tới là Nữ hoàng đá quý (chấp nhận thí sinh đã lập gia đình, từ 21 tuổi – 50 tuổi)… Ở lứa tuổi này, rất khó để các thí sinh có thể giữ “nguyên trạng” nhan sắc.

Công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ đã phát triển rất nhanh và nó cho phép phụ nữ cải thiện nhan sắc ở nhiều mức độ. Vào lứa tuổi trung niên, việc “đại tu” lại nhan sắc, nhất là với những người thành đạt, gần như là điều hết sức dễ dàng khiến họ để tâm.

Thí sinh hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ: Cấm hay không?

Thí sinh hoa hậu phẫu thuật thẩm mỹ: Cấm hay không?

Một vận động viên sẽ bị truất quyền thi đấu, thậm chí mất cả sự nghiệp nếu bị phát hiện dùng doping. Nhưng một thí sinh tham dự cuộc thi sắc đẹp lại không bị cấm dùng các biện pháp dao kéo để tăng khả năng chiến thắng của mình.


Việc chăm chút sắc đẹp trong thời buổi hiện nay không còn chỉ là chăm sóc da, tập thể thao… những việc cần thời gian và sự kiên trì, bền bỉ mà hiệu quả cải tạo lại không cao với cơ thể đã đến kỳ lão hoá. 

Việc tìm đến những liệu pháp làm đẹp “mạnh tay” hơn đã trở nên rất phổ biến không chỉ với người có mức thu nhập cao mà cả với giới văn phòng – những người có mức thu nhập vừa phải. Nhẹ nhất, họ có thể xăm mắt, cắt mí, căng da mặt… nặng hơn nâng mũi, bơm ngực, hút mỡ…

Đến với các cuộc thi nhan sắc dành cho các quý bà đã lập gia đình, đã sinh con, rất khó để tất cả các thí sinh đều phải giữ vẻ đẹp tự nhiên. Điều này đã từng xảy ra với cuộc thi Hoa hậu Quý bà lần đầu tiên được tổ chức năm 2009 tại Vũng Tàu. Một thí sinh tiềm năng, vốn là một siêu mẫu - ứng cử viên nặng ký cho ngôi hoa hậu - đã bị tố cáo là đã phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy sự việc không được BTC truy đến cùng vì những lý do tế nhị đến từ nhiều lùm xùm khác quanh cuộc thi nhưng thí sinh này đã không thể lọt top 20!

Nếu cứ giữ quan điểm phải là vẻ đẹp tự nhiên thì những người xăm mắt, xăm chân mày cũng không thể thi người đẹp chứ đừng nói là sửa răng. Đã nhiều nhà tổ chức các cuộc thi người đẹp dành cho quý bà, đã lập gia đình, sinh con… kêu trời sau hậu trường rằng nếu chiểu theo quy chế thì họ không tìm được thí sinh để tổ chức cuộc thi!

Vậy có nên khăng khăng mọi cuộc thi sắc đẹp đều phải hoàn toàn là đẹp tự nhiên?

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm