08/11/2022 21:13 GMT+7 | Văn hoá
Chú thích ảnh Chủ tịch hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi phát biểu tại họp báo. Ảnh: TH
Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội - 2022.
Thông tin tại cuộc họp báo cho biết, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội - 2022 diễn ra từ ngày 15-26/11/2022 tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Sẽ có 15 đơn vị nghệ thuật trong nước, 6 đơn vị nghệ thuật nước ngoài tham dự với 21 vở diễn tham gia dự thi Liên hoan.
Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan cho biết, Liên hoan là hoạt động chuyên môn quan trọng hàng đầu của Hội trong năm 2022, với ý nghĩa giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo đối với nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan lần này quy tụ rất nhiều loại hình sân khấu tham gia như kịch nói, cải lương, múa rối ở Thủ đô Hà Nội và các địa phương như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An. Đặc biệt, có 6 đơn vị nghệ thuật của 6 quốc gia đã đăng ký tham gia Liên hoan. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, có tính chất giao lưu học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với những tinh túy nghệ thuật trên thế giới…
Các đơn vị nghệ thuật trong nước tham gia Liên hoan lần này gồm: Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội), Nhà hát Múa rối Việt Nam, Lucteam, Nhà hát kịch nói Quân đội, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Hải Phòng, Sân khấu Lệ Ngọc, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Đoàn Kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam – Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Các đoàn nghệ thuật quốc tế gồm: TOM CORRADINI TEATRO – Italia, Yvua Arts - Hàn Quốc, Patch Theater (Teatr Lata) – Ba Lan, Singapore Raffles Music College – Singapore, Mass Foundation (Pakistan), Dhyaas Performing Arts (India). Đây là những quốc gia có nền kịch nghệ rất phát triển, mang đậm hơi thở thời đại những thử nghiệm độc đáo và đầy tính sáng tạo.
Các tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật trong nước tham gia Liên hoan lần này đa số là những tác phẩm mới dàn dựng gần đây như vở "Trái tim người Hà Nội" của Nhà hát Kịch Hà Nội; "Giác" của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội); "Thượng Thiên Thánh Mẫu" của Nhà hát Cải lương Việt Nam – Liên đoàn Xiếc Việt Nam; "Lời thề" của Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng; "Đối thoại âm dương" của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Hải Phòng; "Độc thoại đêm" của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh… Đây là những tác phẩm được các đơn vị nghệ thuật đầu tư lớn về chuyên môn, là những sự sáng tạo trong việc thử nghiệm các cách làm mới mẻ, tạo nên sự hấp dẫn của vở diễn.
Sự lịch lãm, sang trọng, hiện đại của nền nghệ thuật các quốc gia châu Âu sẽ được hòa quyện trong những mảng miếng đầy những giá trị bản sắc văn hóa của nền nghệ thuật các nước châu Âu, châu Á sẽ mang đến cho khán giả những điều thú vị tại Liên hoan lần này.
Theo Ban tổ chức, điều khác biệt đối với nền nghệ thuật sân khấu thông thường, sân khấu thử nghiệm là nơi các nghệ sỹ đưa ra các thử nghiệm sáng tạo trong bộ môn của mình từ hình thức dàn dựng đến nội dung vở diễn. Chắc chắn yếu tố "thử nghiệm" là "chìa khóa" để Ban giám khảo cho điểm các vở diễn, sự thử nghiệm càng độc đáo mang lại sự ngạc nhiên và cảm xúc mãnh liệt cho khán giả thì những vở diễn đó càng được đánh giá cao.
Đối với các đơn vị nghệ thuật Việt Nam, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần này là dịp họ nhìn lại mình, học hỏi nhiều điều ở các quốc gia có nền sân khấu phát triển. Ở chiều ngược lại, các nghệ sỹ nước ngoài cũng sẽ có những cảm nhận và học hỏi cách làm hay của các đơn vị nghệ thuật Việt Nam.
Những điều này sẽ giúp cho nền kịch nghệ trong nước cũng như quốc tế sẽ ngày càng phát triển, vừa giữ gìn được những giá trị bản sắc, truyền thống, vừa tiệm cận với đời sống đương đại, nhằm phản ánh mọi hoạt động của cuộc sống cũng như định hướng thẩm mỹ cho khán giả.
Lễ bế mạc diễn ra vào tối 26/11 tại Rạp Đại Nam (89 phố Huế - Hà Nội). Đây cũng là nơi diễn ra các tác phẩm dự thi của 6 quốc gia cùng với một số vở diễn của Việt Nam. Các vở còn lại sẽ được trình diễn tại các đơn vị như Rạp công nhân, Rạp Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Quân đội, Nhà hát tháng 8 (Hải Phòng)…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất