Chelsea - Stoke: AVB uống trọn liều thuốc độc

10/03/2012 06:32 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Tám tháng trước, Andre Villas-Boas trên đỉnh cao vời vợi. Trẻ trung, thành công chói lọi cùng Porto. Giống như một cô gái đẹp cao giá, AVB khiến “đại gia” Roman Abramovich phải nâng niu hết mực. Hãy nhớ khoản bồi thường khổng lồ 15 triệu euro mà Chelsea phải trả cho Porto trong khái niệm lần đầu tiên, huấn luyện viên thực sự được “chuyển nhượng”. Nhưng cuộc tình đó không kéo dài nổi một mùa. AVB đóng hành lý, bỏ lại đằng sau một Chelsea lại vật vã tìm đường hồi sinh.

Chelsea đã “chết” từ khi không còn Jose Mourinho! Nói vậy không quá chút nào bởi sau giai đoạn đó, dù danh hiệu vẫn đến như chức vô địch Premier League mùa 2009-2010 cùng Carlo Ancelotti hay những chiếc cúp FA các mùa 2008-2009, 2009-2010 song không bao giờ, “The Blues” mang được hình ảnh ngạo nghễ như trước. Nỗi ám ảnh đó lớn đến nỗi khi AVB đến Stamford Bridge đã là 4 năm trôi qua từ lời chia tay của Mourinho, vậy mà người mới vẫn bị so sánh với người cũ.



Andre Villas-Boas bị sa thải sau tám tháng dẫn dắt Chelsea - Ảnh Getty

Họ đều đến từ bán đảo Iberia, đều lấy Porto làm bệ phóng nhanh chóng lên thành “sao” trong giới. Mối quan hệ giữa họ còn rất mật thiết khi AVB thuộc nhóm trợ lý của Mourinho thời ở Porto lẫn ở Chelsea cho đến tận đầu mùa giải 2009-10. Chỉ 2 năm sau, AVB được trải thảm đỏ rước về London. Nhiệm vụ rất rõ ràng: đưa “The Blues” trở lại đỉnh cao giống như những gì Mourinho đã thành công! Nhưng giờ thì đã rõ. Chiếc ghế Mourinho để lại như đã tẩm thuốc độc. Ai ngồi lên cũng tức tưởi gục ngã. Ngoại trừ màn đảo qua để lại ấn tượng đẹp của Guus Hiddink, thọ nhất là Ancelotti cũng chỉ được hai mùa dù mùa đầu đã chinh phục thành công Premier League. Xét về độ bám trụ, AVB dài hơn Luiz Felipe Scolari được một chút (bị sa thải đầu tháng 2) nhưng về độ gây thất vọng thì dường như ông thầy trẻ người Bồ lại hơn hẳn.

Khi đến Stamford Bridge, Scolari đã 59 tuổi. Dù có sự nghiệp vẻ vang ở cấp độ ĐTQG song kinh nghiệm đó không bù đắp được sự non nớt của người lần đầu dẫn dắt một CLB châu Âu chứ chưa kể đến môi trường Premier League khắc nghiệt. AVB tới Chelsea khi mới 34 tuổi nhưng thành công rực rỡ ở Porto tạo ra một niềm tin ở Chelsea rằng đây chính là Mourinho “đệ nhị” và sự trẻ trung của ông càng thích hợp hơn với việc xây dựng nền tảng lâu dài cho đội bóng. Giờ thì kết cục đã rõ: AVB chết yểu! Ai là thủ phạm? Abramovich? Nhóm cầu thủ lão làng “làm phản”? Hay chính AVB tự đào hố chôn mình?

Kết cục khó tránh

Có thể nói đó là một liều thuốc độc “tổng hợp”. Tính thiếu kiên nhẫn của Abramovich thì ai cũng rõ. Từ khi thôn tính Chelsea năm 2003 đến nay, ông chủ này xáo trộn người dẫn dắt tới 7 lần mà ngoại trừ trường hợp Hiddink, còn lại đều là sa thải. Lí do cũng rất nhất quán: Kết quả!

Trường hợp Mourinho bị cho là mâu thuẫn giữa những cái TÔI theo kiểu “một rừng khó có hai cọp”. Song dường như cũng một phần bắt nguồn từ nỗi thất vọng của Abramovich ở Champions League, chiếc cúp ám ảnh tỷ phú Nga này. Grant, đưa Chelsea đến chung kết Champions League song thất bại, sau này đã cay đắng tâm sự: “Kết quả là tất cả... Tôi muốn CLB kiên nhẫn hơn nhưng liệu có thể chờ đợi điều đó không? Dĩ nhiên là không”.

Khi được bổ nhiệm hồi tháng 6 năm ngoái, AVB được ca tụng trên website Chelsea “sẽ mang đến những thành công hơn nữa ở các giải trong nước và châu Âu”. Khi vẫy tay với HLV, thông điệp rất đơn giản “kết quả không đủ tốt”. Vị trí trong Top 4 đang dần rời xa. Champions League cũng coi như tan tành sau lượt đi ác mộng trước Napoli. Abramovich ra tay lúc này cũng dễ hiểu.

Phong độ kém cỏi đó còn đi kèm với những mâu thuẫn quá tệ trong phòng thay đồ. Khi đến London, AVB không thích bị so sánh với Mourinho. Ông còn nói rằng muốn được biết đến như là “Group One” chứ không phải “Special One”. Chỉ có điều thay vì xây dựng một tập thể gắn kết, AVB lại cố phá tan bộ khung được khởi xướng bởi Mourinho. Thay đổi là tốt. Song một cuộc cách mạng nóng vội rốt cuộc bị phản phệ. Để Frank Lampard, Ashley Cole và Michael Essien trên băng ghế dự bị trong chuyến đi tới Napoli, AVB thua tất tay trong canh bạc này.

Có những đồn thổi rằng các sao lão làng không nuốt nổi việc bị chỉ đạo bởi một ông thầy cũng chỉ “ngang vai phải lứa” về tuổi tác. Đó là chưa kể ông thầy ấy mới cách đây không lâu còn chỉ là một trợ lý cung cấp cho họ thông tin (AVB chuyên săn thông tin đối thủ khi thuộc nhóm trợ lý của Mourinho). Đó là chưa kể phong cách chiến thuật mà AVB muốn áp dụng cũng xung khắc với lối chơi quen thuộc đã hằn sâu trong hệ thống của Chelsea từ thời Mourinho.

Cuộc phiêu lưu ngắn ngủi ở xứ sương mù của AVB đã kết thúc buồn bã. Stamford Bridge một lần nữa xứng danh “cối xay” các ông thầy. Giờ đây, bên cạnh sự chú ý về việc Chelsea vật lộn ra sao để không khép lại mùa giải trong bi kịch, hãy lưu tâm một chút dõi theo AVB. Liệu cú sốc này có quật ngã hẳn một gương mặt trẻ, tài năng triển vọng của làng HLV thế giới?

Trung Sơn

“Bàn tay sắt” của Roman Abramovich

- Claudio Ranieri (2000-2004, bổ nhiệm bởi Chủ tịch tiền nhiệm Ken Bates và bị Abramovich sa thải): 197 trận, thắng 105, hòa 46, thua 46.

- Jose Mourinho (2004-07): 182 trận, thắng 123, hòa 39, thua 20. Bị sa thải.

- Avram Grant (2007-08): 54 trận, thắng 36, hòa 13, thua 5. Bị sa thải.

- Luiz Felipe Scolari (2008-09): 36 trận, thắng 20, hòa 11, thua 5. Bị sa thải.

- Guus Hiddink (2009): 22 trận, thắng 16, hòa 5, thua 1. Trở về dẫn dắt đội tuyển Nga.

- Carlo Ancelotti (2009-11): 107 trận, thắng 67, hòa 19, thua 21. Bị sa thải.

- Andre Villas-Boas (2011-12): 40 trận, thắng 20, hòa 10, thua 10. Bị sa thải.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm