Vòng luẩn quẩn của dịch bệnh và ô nhiễm môi trường

12/10/2014 08:24 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nước thải với nhiều loại hóa chất và cặn bã trong quá trình nuôi tôm chưa qua xử lý theo quy định được xả trực tiếp ra môi trường, sau đó nước từ môi trường tự nhiên lại được bơm vào hồ nuôi tôm...

Vòng luẩn quẩn như vậy đã kéo dài trong nhiều năm qua, ở các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển tỉnh Quảng Nam và chưa có lối thoát. Đây là nguyên nhân khiến vật nuôi bị dịch bệnh chết hàng loạt, môi trường sống bị tàn phá và ô nhiễm nghiêm trọng.

* Xả bừa bãi nước thải ra môi trường

Thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên hồ nuôi có diện tích hơn 2.000 mét vuông nhưng từ nhiều năm qua, anh Lữ Đình Sương ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa xây bể lắng lọc để xử lý nước thải trong quá trình nuôi tôm trước khi xả ra môi trường. Anh Sương cho biết, mặc dù rất muốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng do việc đầu tư xây dựng hồ xử lý nước thải rất tốn kém nên trong số hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Tam Tiến, chỉ có một số ít hộ có bể xử lý nước thải, phần lớn số hộ còn lại đều chọn cách xả trực tiếp nước chưa qua xử lý hoặc xử lý một cách sơ sài ra môi trường tự nhiên.

Để phục vụ cho việc nuôi tôm, người dân nơi đây chọn cách xử lý phổ biến là: Nước biển sau khi được bơm vào hồ nuôi tôm được “thả” thêm các loại hóa chất do các công ty cung cấp thức ăn cho tôm cung cấp để khử khuẩn, khử phèn, tăng độ kiềm và độ pH, sau đó thả nuôi tôm. Sau thời gian từ 3 - 4 ngày, lượng nước trong hồ nuôi tôm cùng các loại hóa chất và các chất cặn bã trong thức ăn của tôm được người nuôi tôm xử lý sơ qua bằng cách trộn vào các loại tạp chất trên một lượng men vi sinh rồi xả thẳng ra môi trường. Đây chính là nguyên nhân khiến con tôm bị bệnh và chết hàng loạt, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua.


Xả thải ra sông hồ làm cá chết hàng loạt

* Quy hoạch bất cập

Trước thực tế nuôi tôm trên cát phát triển ồ ạt, đe dọa đến cân bằng sinh thái và phá vỡ cảnh quan môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm ở vùng cát ven biển tỉnh Quảng Nam để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đó, ở hai huyện có diện tích nuôi tôm trên cát nhiều nhất là Thăng Bình và Núi Thành được tỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời đến năm 2018 là 285 ha. Tuy nhiên, việc quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm nhiều nơi không được người dân quan tâm.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết, toàn xã có 25,8 ha mặt nước nuôi tôm theo mô hình phủ ni-lông bạt trên cát từ hàng chục năm nay. Phần lớn diện tích này xen lẫn trong các khu dân cư, thêm vào đó việc xây dựng hệ thống bể lắng lọc để xử lý nguồn nước thải trong quá trình nuôi tôm trước khi xả ra môi trường chưa được bà con quan tâm nên vấn đề ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi và càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Để giải quyết vấn đề nuôi tôm tràn lan, xả nước thải bừa bãi ra môi trường, nhất là ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng phòng hộ để lấy đất nuôi tôm, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch tạm thời cho xã Tam Tiến vùng nuôi tôm rộng 15 ha tại địa phương. Tuy nhiên, đến nay vùng quy hoạch nuôi tôm tạm thời này vẫn chưa được địa phương triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, sở dĩ địa phương chưa triển khai thực hiện việc nuôi tôm ở vùng quy hoạch tạm thời của tỉnh bởi nhiều lý do. Thứ nhất, vùng quy hoạch tạm thời nằm trong khu vực hoàn toàn mới, không có phần diện tích nào trong vùng đã và đang sử dụng. Muốn phá bỏ hết diện tích ao hồ nuôi tôm cũ để vào sản xuất tại vùng nuôi tôm tạm thời sẽ gây khó khăn cho bà con vì bà con đã đầu tư rất nhiều tiền của cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở nơi cũ. Muốn đến vùng nuôi tôm theo quy hoạch tạm thời, bà con phải đầu tư lại từ đầu nên chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn nên bà con không mấy mặn mà với vùng quy hoạch mới này. Thứ hai, vùng quy hoạch tạm thời chỉ có 15 ha, trong khi vùng nuôi cũ có đến 25,8 ha. Do đó, khi vận động đưa bà con ra vùng nuôi tôm tạm thời cũng rất khó khăn cho địa phương trong việc phân chia đất sản xuất. Nếu xử lý việc này không khéo sẽ dẫn đến bức xúc trong nhân dân.

Trước những khó khăn như trên, địa phương chỉ có khả năng ngăn chặn, không cho bà con phá thêm rừng phòng hộ để mở rộng diện tích nuôi tôm, còn việc đưa bà con đến vùng sản xuất mới thì chưa thể thực hiện được, ông Nguyễn Giúp thừa nhận.

* Cần có tiếng nói chung

Anh Lữ Đình Sương cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết, muốn xây dựng bể chứa xử lý nước thải cần có sự đồng bộ giữa các hộ chăn nuôi. Nếu hộ này có bể xử lý nước thải nhưng hộ kia lại xả nước chưa qua xử lý trực tiếp ra môi trường thì việc xử lý môi trường ở vùng nuôi tôm trên cát ven biển tỉnh Quảng Nam vẫn cứ tiếp tục vòng luẩn quẩn, không có lối thoát. Việc xóa bỏ các ao hồ nuôi tôm cũ để đến sản xuất tại vùng nuôi tôm được quy hoạch tạm thời là không thể thực hiện được, bởi để hình thành được một hồ nuôi tôm phải đầu tư nhiều công sức và tiền của.

Bà Phạm Thị Hoàng Trâm, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Để ngăn chặn tình trạng nuôi tôm trên cát một cách tràn lan, môi trường không được kiểm soát, cùng với việc quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời cho các địa phương ven biển, tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc phá rừng phòng hộ để lấy đất nuôi tôm, hồ sơ của các hộ nuôi tôm đều phải được cơ quan chức năng thẩm định về xử lý môi trường, nếu đảm bảo mới được phép nuôi. Hộ nào không đáp ứng được vấn đề xử lý môi trường sẽ không được nuôi. Chủ trương này sẽ được triển khai đồng bộ, nhằm làm cho nghề nuôi tôm thẻ phát triển bền vững.

Quy hoạch vùng nuôi tôm tạm thời còn nhiều bất cập. Việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác quản lý và kiểm soát dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm giữa người nuôi tôm và cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Chính quyền sở tại tuy có vào cuộc quyết liệt nhưng lại bị tác động bởi nhiều yếu tố nên việc xóa bỏ diện tích nuôi tôm theo kiểu “xen lẫn trong khu dân cư” với nhiều hệ lụy về môi trường do nó gây ra vẫn chưa được giải quyết. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến môi trường vùng nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam luôn luẩn quẩn, không tìm được lối ra.

Đoàn Hữu Trung - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm