25 họa sĩ làm triển lãm chỉ với gam màu 'Lam'

28/09/2018 20:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Quy tụ 25 họa sĩ, nét độc đáo của cuộc triển lãm này nằm ở việc hơn 50 tác phẩm sơn mài tham gia đều chọn hòa sắc màu lam để thể hiện.

Cụ thể, ngày 1/10 tới, triển lãm hội họa mang tên “Lam" của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam sẽ khai mạc nhân kỷ niệm 5 năm thành lập nhóm (2013 – 2018). Đúng với tên gọi “sơn ta”, trên 50 tác phẩm hội họa sơn mài đều được thực hiện bằng chất liệu sơn ta và các kỹ thuật căn bản của nghề sơn truyền thống. Đặc biệt, việc chỉ chọn gam màu lam (các sắc thái của màu xanh dương) có thể coi là một thử thách về kỹ thuật thể hiện với các tác phẩm này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Lên ngàn" của họa sĩ Cấn Mạnh Tường tại triển lãm

Thực tế, màu lam là màu ít phổ biến trong kỹ thuật sơn mài, bởi lẽ bảng màu trong nghề sơn truyền thống thường bó hẹp trong các sắc đỏ “son” (bột màu pigment đỏ được tinh chế từ các loại khoáng có thành phần chính là sulfua thủy ngân), màu đen, nâu được chiết xuất từ nhựa cây sơn và một số nguyên liệu khác như bạc lá, vàng lá, vỏ trứng, vỏ ốc...

Và nhìn lại lịch sử hội họa Việt Nam, ngay từ giai đoạn thập niên 1930, dù các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có những thể nghiệm với gam màu này, tuy nhiên ngoài một số tác phẩm được ghi nhận rộng rãi của các danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm thì cũng không có nhiều tranh sơn mài được thực hiện với hòa sắc lam chủ đạo.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Hạ Long" của họa sĩ Nguyễn Hải Nam tại triển lãm

Thành lập từ 2013 và đã có ba triển lãm chung, nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam gồm nhiều thế hệ họa sĩ khác nhau với những cái tên như Lý Trực Sơn, Trần Tiến Thành, Vũ Tuấn Dũng, Đặng Khánh Hội... Điểm chung giữa họ là việc theo đuổi chất liệu sơn ta truyền thống trong hội họa – trong đó một số thành viên đã có những triển lãm cá nhân được đánh giá cao.

CHÍNH THỨC khởi động hành trình đưa sơn mài thành di sản thế giới

CHÍNH THỨC khởi động hành trình đưa sơn mài thành di sản thế giới

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia Nghề Sơn mài truyền thống đệ trình UNESCO xét ghi danh là di sản thế giới.

 

Triển lãm sẽ kéo dài tới hết 10/10, sau đó được tiếp tục trưng bày đến ngày 10/01/2019 trên Sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến của nhà tài trợ Indochineart (https://www.indochineart.vn/)

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm