15/03/2013 15:45 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Hồi kết của cuộc chiến (hay màn kịch) mua đứt bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh có vẻ tác động mạnh đến những người mê giải bóng hấp dẫn bậc nhất hành tinh này.
Chưa biết đơn vị mua bản quyền sẽ khai thác món hàng khủng này ra sao, định đoạt “số phận” các thượng đế thế nào nhưng suy cho cùng, đây là chuyện thuận mua vừa bán, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.
Tôi, và chắc hẳn là hầu hết các fan của bóng đá, trong một thời gian không dài đã phải chuyển thói quen xem giải Ngoại hạng Anh miễn phí sang trạng thái cần phải bỏ tiền để phục vụ sở thích này. Mùa giải 2006-2007, khi giải Ngoại hạng Anh không còn được phát miễn phí trên VTV3 do trục trặc về bản quyền, tôi đã đầu tư mua một đầu kỹ thuật số VTC.
Người hâm mộ Việt Nam vẫn có nhu cầu thưởng thức giải ngoại hạng Anh. Ảnh Reuters
Anh bạn hàng xóm thì mắc truyền hình cáp để xem qua các kênh nước ngoài như ESPN hay Star Sport. Nhưng rồi mọi việc cứ leo thang, đánh thẳng vào túi tiền của bọn mê bóng đá. VTC chỉ phát trên kênh VTC3 khiến những người đã có đầu thu thế hệ cũ như tôi lại phải mua thêm một đầu thu mới để xem. Rồi gần đây, tôi lại phải mua đầu phát sóng của K+ để xem được các trận bóng Chủ nhật… Và nay, tôi tiếp tục đứng trước nguy cơ phải trả tiền nhiều hơn để xem được giải đấu này.
Đọc trên các diễn đàn, tôi thấy nhiều người vào hô hào tẩy chay K+ vì “dám” mua bản quyền với giá cao chót vót để rồi móc túi người tiêu dùng bù vào. Đây là một lối suy nghĩ chưa thật sự thức thời khi cơ chế thị trường đã được áp dụng ở mọi khía cạnh của cuộc sống. Kể cả khi chưa có, hoặc chưa biết thế nào là cơ chế thị trường, các cụ ta đã nói “đắt xắt ra miếng”, “tiền nào của ấy”… Người kinh doanh ắt tìm ra giải pháp để kinh doanh có lãi, người tiêu dùng ắt kiếm được món hàng phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Đừng vì không đủ khả năng mua được thứ mình muốn, mình thích mà quay sang tẩy chay người bán nó.
Sự việc này khiến tôi nhớ lại vụ kiện của các nhà phát hành phim trong nước với Megastar cách đây không lâu. Họ kiện Megastar vì “tội” lợi dụng các ưu thế lớn trên thị trường để nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành. Một vụ kiện rất vô lý. Khi một doanh nghiệp đưa ra sản phẩm tốt, đương nhiên doanh nghiệp có quyền bán sản phẩm đó với giá tương xứng, ai có đủ tiền thì mua, không đủ thì chọn hàng phù hợp với số tiền mình có, sao lại đi kiện? Là khán giả xem phim, lúc nhiều tiền, tôi muốn được xem ở những rạp hạng nhất, chẳng hạn rạp chiếu 5 sao ở Lotte ở quận 7 với ghế nằm, nhân viên phục vụ tận nơi, xem cùng một số lượng khán giả hạn chế. Nhưng lúc không nhiều tiền, tôi lại đến rạp bình thường, chọn hàng ghế có giá tiền rẻ nhất và không ăn pop corn, uống Pepsi để tiết kiệm. Tôi hoàn toàn có quyền lựa chọn giữa các loại sản phẩm khác nhau.
Nếu có lo ngại, tôi chỉ lo mình bị mua hớ, khi giá sản phẩm cao nhưng chất lượng thì thấp. Nhưng ngay cả khi bị hớ, tôi cũng có thể lựa chọn lại, từ bỏ món hàng, thương hiệu mình thấy không tốt để chọn những thứ tốt hơn, phù hợp với mình hơn. Chỉ mong K+ đừng áp dụng cơ chế độc quyền hiện hành của các “ông” điện, nước, xăng dầu mà thôi
Nguyễn Việt Anh (chuyên viên marketing)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất