John Lennon và tinh thần phản chiến bất diệt

14/10/2014 08:31 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - “Hãy tưởng tượng toàn nhân loại sống đời trong hòa bình” - John Lennon đã ngân nga câu này trong ca khúc Imagine vào ngày 11/10/1971. 26 năm sau, tờ New York Times đăng câu hát trong một trang báo gần như trắng tinh, bên cạnh một trang toàn về chiến tranh, loạn lạc.

Và với thực tế đó, giấc mơ của John Lennon vẫn chưa thành sự thật. Trái đất vẫn còn chiến tranh, khiến nhân loại lo sợ sẽ vĩnh viễn không có thế giới đại đồng như John hình dung.

Những thông điệp vẫn còn quan trọng

Tháng 10 mang tới nhiều lý do để người ta nhớ John Lennon. 9/10/1940 là ngày sinh của ông. Nếu còn sống, năm nay ông 74 tuổi.

Ngày 11/10/1971 như đã nói ở trên, là thời điểm ra đời khúc ca phản chiến bất hủ Imagine. 43 năm đã trôi qua và người ta nói rằng những thông điệp trong âm nhạc của John cùng ban nhạc The Beatles của ông, thậm chí còn trở nên quan trọng hơn thời thập niên 60 hay 70. Nguyên nhân do thế giới ngày nay đã khác xưa. Hiểm họa từ chiến tranh, xung đột ngày càng to lớn và con người cần tình yêu còn nhiều hơn ngày trước.


Trang báo New York Times đăng thông điệp phản chiến của John Lennon nhân sinh nhật ông năm nay

Ông John James Chambers, thành viên Cộng đồng hâm mộ The Beatles ở thành phố Liverpool (Anh), nhớ lại tư tưởng phản chiến đẹp đẽ của John với những bài hát như Imagine, Give Peace A Chance All You Need is Love. “Chúng ta vẫn còn học được rất nhiều từ âm nhạc của John” – Chambers nói với trang Liverpool Echo.

Mùa xuân năm ngoái, Yoko Ono – nàng thơ của Imagine và nhiều ca khúc khác của John – viết dòng sau: “Hơn 1 triệu người đã bị giết bởi súng đạn ở Mỹ từ khi John bị bắn chết vào ngày 8/12/1980”.

Ngày nay, những cuộc nổ súng vẫn diễn ra và nguy cơ chiến tranh vẫn tăng lên mỗi ngày. Người ta xả súng ở Chicago, Los Angeles, Baltimore… Gần đây tại Trung Đông, một lực lượng mang tên Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng thách thức cả thế giới. Từ khi Imagine ra đời tới nay, dường như mọi chuyện đã diễn biến theo hướng tồi tệ hơn. Con người giàu lên và mạng sống rẻ đi.


Tượng John Lennon trên đường Matthew ở thành phố quê hương Liverpool của ông

Còn ai để khóc cho tinh thần chung?

Tháng trước, có thông tin người ta sẽ ra album tôn vinh Paul McCartney, người bạn, người đồng nghiệp tri kỷ của John. Trong album đó, các nghệ sĩ vĩ đại như Bob Dylan, Kiss, Brian Wilson, Billy Joel, Willie Nelson, Smokey Robinson, Alice Cooper, Roger Daltrey… cùng cover nhạc của Paul. Những nghệ sĩ lớn tôn vinh một nghệ sĩ lớn.

Tương tự với John, ngày nay người ta nhớ ông không chỉ là nhớ một nghệ sĩ đơn lẻ. Họ nhớ và khóc cho một thứ tinh thần bất diệt, nhưng thật khó để được tiếp nối bởi những nghệ sĩ thế hệ sau, một khi những người cùng thời với John đều đã ra đi.

Còn nhớ năm 2011, cũng dịp kỷ niệm ngày sinh của John, một kênh YouTube mang tên ông đã được lập ra. Chỉ trong 24 giờ, hàng loạt đoạn phim tưởng nhớ từ các nghệ sĩ nổi tiếng như Ringo Starr, Brian Wilson, Aerosmith, the Jonas Brothers, Jeff Bridges, Tony Hawk, Bret Michaels và DMC đã được đăng tải. Họ tập hợp lại với lòng tưởng niệm chân thành.

Vậy trong số những nghệ sĩ sau thế hệ của John và Paul, ai sẽ hội tụ được tinh thần chung ấy. Có thể là Michael Jackson, Kurt Cobain, Bob Dylan. Có thể là Bono, trưởng ban nhạc U2 hay Bruce Springsteen.

Nhưng có ít khả năng nhân vật đó sẽ là Justin Bieber hay Miley Cyrus hoặc Lady Gaga, người từ một nghệ sĩ có tinh thần bênh vực các nhóm yếu thế, dần trở thành bức biếm họa của chính mình, như nhận xét của trang Huffington Post.

Yoko Ono đằng sau những trang báo trắng

Trang báo gần như trắng tinh của New York Times xuất bản hôm 9/10 làm thế giới thắt lòng. Trang báo càng đắt giá khi đặt cạnh một trang khác viết về tình hình chiến sự Trung Đông và khủng bố. Đây thực ra là một trang quảng cáo, do Yoko Ono đặt hàng và đây không phải lần đầu tiên bà làm điều này.

Trong nhiều năm nay, Yoko vẫn mua quảng cáo cổ động hòa bình, không chỉ nguyên trang trên New York Times mà còn đặt ở quảng trường Thời Đại (New York), trên bảng hiệu ở Washington… Tất cả chỉ để truyền đi một thông điệp đơn giản, ngắn gọn: “Hãy tưởng tượng hòa bình” (Imagine Peace).

Yoko là người tri kỷ, đồng hành và rồi tiếp nối hoàn hảo tinh thần phản chiến mà John đã để lại. Và không chỉ Yoko, tinh thần đó len lỏi trong từng con người, nhất là những ai đã nghe Imagine, những ai đã yêu John và căm ghét chiến tranh…

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm