16/02/2019 11:13 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Đối với một thế hệ đã đi qua cuộc chiến đấu nơi biên cương phía Bắc Tổ quốc, đó là những ngày tháng không thể nào quên trong tâm khảm và trái tim của họ.
Những ngày tháng ấy, họ đi theo tiếng gọi của non sông đất nước để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, sẵn sàng hy sinh cho khát vọng im tiếng súng, cho một biên cương hòa bình.
Không phải ngẫu nhiên mà trong câu chuyện của Đại tá, Nhạc sỹ Minh Quang- nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, tác giả của những ca khúc gây xúc động người nghe về chủ đề người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc, hình ảnh người lính hành quân lên biên giới và sắc tím của hoa sim, hoa mua bạt ngàn nơi biên ải phía Bắc những năm 1979 đến 1989 liên tục được ông nhắc đến.
Chầm chậm nói về điều này, Nhạc sỹ Minh Quang chia sẻ, những tháng ngày diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đặc biệt là tại Mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang, các địa danh như Đồi Đài, đồi Cô Ích, hang Làng Lò, Nậm Ngặt, Thanh Hương, Thanh Đức, Làng Pinh, Ngã 3 Thanh Thủy, thác Âm Phủ, Lò Vôi thế kỷ cùng những điểm cao 772 và 685… đã ăn vào nỗi nhớ, ám ảnh, đi theo suốt cả đời người đối với những cựu binh trở về sau cuộc chiến.
Những nơi này cũng đã trở thành nỗi khiếp sợ của đội quân đến từ bên kia biên giới phía Bắc trước sự gan dạ, kiên cường bảo vệ lãnh thổ của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những ngày tháng không bao giờ quên đó, ông là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thường xuyên cùng đoàn văn công theo bộ đội lên biên giới hát để cổ vũ tinh thần cho những người lính.
Tận mắt thấy sự khốc liệt của chiến tranh với những người lính, mà xương thịt trộn lẫn vào đất đá nơi biên cương Tổ quốc, ông cảm thấy cần phải viết gì đó về họ - những người lính trẻ tuổi vì tiếng gọi của quê hương mà dũng cảm cầm súng lên biên cương.
“Trong một chiều sương rét buốt nơi biên giới Hà Giang, lúc đó ngơi tiếng súng, không gian mênh mông yên lặng, tôi đứng nhìn từ ngọn đồi này qua ngọn đồi kia, thấy nơi nào cũng tím ngắt hoa sim, hoa mua.
Không hiểu sao chiều hôm ấy, sắc hoa lại tím đẹp đến như vậy. Nhìn sắc hoa, tôi lại nhớ đến gương mặt những người lính trẻ mà tôi gặp trên đường từ Bắc Giang lên Hà Giang, nhớ lời tạm biệt bên ánh đèn măng - sông “đêm nay chúng em lên biên giới” của họ.
Tôi chợt thấy, màu hoa tím ngắt kia đúng là màu của sự đợi chờ, màu của nỗi nhớ da diết, màu của sự khao khát mà người lính hướng về gia đình, về quê hương... Đích thực là tình cảm đó đã đem lại cho họ sức mạnh để sẵn sàng cho cái chết của chính mình vì Tổ Quốc. Và thế là những câu hát đầu tiên của “Hoa sim biên giới” cứ thế bật ra:
Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa
Hoa sim giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong
Sắc hoa sim yêu thương, trong lòng người lính trẻ
Chờ ai nên tím ngắt bồi hồi giữa biên cương…
“Ngay khi sáng tác còn chưa hoàn thiện, tôi có hát thử cho những người lính nghe, họ sững sờ, xúc động và yêu cầu tôi hát đi hát lại đến 7,8 lần và bảo với tôi rằng: Anh ơi, bài hát này nói đúng vào tình cảm, trái tim người lính trẻ. Đây đúng là những tâm tư tình cảm chúng tôi mong muốn bày tỏ với quê nhà và nơi đó, cũng đang có những người đợi chúng tôi về”, Nhạc sỹ Minh Quang xúc động nhớ lại.
Lấy Tập ca khúc “Hoa sim biên giới” xuất bản năm 2016 để cẩn thận trên giá sách trong phòng khách của ngôi nhà riêng nằm sâu nơi ngõ nhỏ phố Lý Nam Đế, Nhạc sỹ Minh Quang bồi hồi bảo, sau “Hoa sim biên giới”, ông tiếp tục viết thêm nhiều ca khúc về người lính như Cây đàn ghi-ta một dây, Sông Lô chiều cuối năm, Hoa ban, Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara.
Và hầu hết các ca khúc này đều được Nhạc sỹ viết trong những chuyến đi. Bởi vậy chúng chứa đựng đầy trải nghiệm, tính chân thực như tâm hồn của một người lính: mộc mạc, dễ gần, dễ nhớ.
Như bài "Cây đàn ghi-ta một dây" ra đời trong một đêm giữa biển, đảo Trường Sa khi chứng kiến hình ảnh những người lính đảo đốt lửa và giao lưu văn nghệ. Lúc đó, đống lửa nổi bật trong đêm tối giữa biển.
Âm thanh từ xa đã nghe những tiếng rất lạ. Lại gần mới thấy người lính biển đang say sưa hát với đống nhạc cụ là nồi, niêu, soong, chảo và một cây đàn ghi-ta chỉ còn duy nhất một dây. Khi được hỏi, những người lính trẻ bảo, nơi đảo xa “chúng em nhớ nhà, nhớ người, nhớ tiếng nói nên chúng em thường hát cho vơi nỗi nhớ”.
Xúc cảm trào dâng, những nốt nhạc đầu tiên của bài hát chợt vang lên:
Chỉ lính đảo xa mới có. Đàn ghi-ta một dây.
Chỉ lính đảo xa mới hát. Với đàn ghi-ta một dây.
Hát cho hoàng hôn xuống. Hát cho mặt trời lên...
“Ban đầu tôi viết như một sự giải tỏa cảm xúc nhưng không ngờ sau đó bài hát được phổ cập nhanh, được những người lính, đặc biệt là lính ở đảo rất thích... Còn bài hát “Anh lính tình nguyện và điệu múa Apsara” được viết trong chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện ở Campuchia, nói về tình đoàn kết của hai dân tộc đã kề vai sát cánh chống lại bọn diệt chủng Pôn Pốt...”, Nhạc sỹ Minh Quang chia sẻ.
Nhìn ra phía ngoài “phố nhà binh”, nơi những mầm Xuân đang đâm chồi nảy lộc, Nhạc sỹ Minh Quang nhẹ giọng, nói từng câu, từng chữ: Biên cương đã lắng tiếng súng gần 30 năm qua. Tấm bản đồ với đường biên màu đỏ đã được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc được vẹn toàn, bởi ở đó có những cột mốc chủ quyền được dựng bằng máu xương và tuổi trẻ của những người lính như thế đấy.
40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Khát vọng nơi biên cương - Bài cuối: Màu xanh biên ải
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất