Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ lần thứ 3

24/11/2018 07:20 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tối 23/11, tại Di tích Miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì- nơi phát tích Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ”,  UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần thứ 3 năm 2018.

Phú Thọ tăng cường giáo dục di sản gắn với Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Phú Thọ tăng cường giáo dục di sản gắn với Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Ngày 1/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức điểm cho học sinh tham quan học tập và trải nghiệm di sản văn hóa tại thành phố Việt Trì với nội dung “Giáo dục di sản gắn với Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.

Dự lễ có lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các sở, ban, ngành trong tỉnh; đại diện lãnh đạo Hội Di sản văn hóa, Hội Sử học, Hội Văn nghệ dân gian, Hội UNESCO; cùng đại diện các phường Xoan gốc: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức); An Thái (xã Phượng Lâu) và các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, 14 nghệ nhân được vinh dự nhận danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ” lần 3 năm 2018 là những người có uy tín, xuất sắc, am hiểu trình diễn nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ, đã gắn bó cả cuộc đời trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản trong suốt những qua.

Chú thích ảnh
Trùm phường Xoan Thét Bùi Thị Kiều Nga (người đứng đầu) trình diễn Hát Xoan cùng các nghệ nhân phường Xoan Thét. Ảnh: Báo Phú thọ

Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 66 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ”, trong đó có 20 Nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (Phú Thọ 17 nghệ nhân, Vĩnh Phúc 3 nghệ nhân).

Ngày 8/12/2017, “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của UNESCO quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự khẳng định của quốc tế về giá trị Hát Xoan.

Bằng đề án và kế hoạch hành động cụ thể, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt cho di sản Hát Xoan. Năm 2010, từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản đến nay đã có 68 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, 63 nghệ nhân hát Xoan, 20 nghệ nhân ưu tú, 300 nghệ nhân kế cận, 34 Câu lạc bộ Hát Xoan cấp tỉnh với 1.557 thành viên. Toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh.

Phú Thọ là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”. Hai di sản này gắn kết với nhau. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tồn tại và phát huy được, trong nghi thức có hát Xoan.

Theo các nhà nghiên cứu, hát Xoan là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, được phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước, chỉ có ở vùng đất Tổ - Phú Thọ. Đền Hùng được xác định là Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm giới thiệu đậm nét về di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đến đông đảo người dân. Hàng năm cứ vào ngày mồng 1 tháng Giêng, các phường Xoan ở Phú Thọ lại tiến hành làm lễ trước Miếu Lãi Lèn và tại đình làng rồi cùng nhau lên hát ở Đền Hùng. Cuộc lưu diễn của các phường Xoan thường diễn ra trong gần 3 tháng. Trải qua năm tháng, khúc hát ấy vẫn mãi mãi trường tồn và khẳng định sức sống lâu bền.

Để gắn bảo tồn di sản văn hóa hát Xoan với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đã tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho 5 di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ hát Xoan truyền thống, nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ hát Xoan truyền thống tại các di tích có hát Xoan lan tỏa.

Đồng thời, tỉnh cũng có quy chế đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi, những người đã có công bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật hát Xoan và hiện nay vẫn tiếp tục việc truyền dạy cho lớp trẻ tại cộng đồng; đảm bảo 100% người có công bảo tồn, truyền dạy hát Xoan được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của hát Xoan Phú Thọ và năng lực thực hành, quản lý di sản cho cộng đồng hát Xoan; phát huy giá trị của hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ thông qua hoạt động trình diễn tại các phường hát Xoan, các di tích hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.       

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ”, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung khuyến khích, hỗ trợ nghệ nhân và các phường Xoan tổ chức truyền dạy, trình diễn, trao truyền hát Xoan; kiểm kê, phục hồi, tư liệu hóa các bài bản và hình thức diễn xướng truyền thống đã bị mai một, các tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội liên quan đến hát Xoan, đặc biệt là Lễ hội đền Hùng.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá giá trị Hát Xoan Phú Thọ dưới nhiều hình thức tới công chúng trong và ngoài nước; tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu định kỳ giữa các phường Xoan, các câu lạc bộ, các trường học về hát Xoan; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ.

Ngoài ra, tỉnh đa dạng hóa các hình thức giáo dục di sản phù hợp ở trong và ngoài trường học; tiếp tục phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, khen thưởng cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo vệ, gìn giữ, trao truyền, thực hành và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ.

TTXVN/Lâm Đào An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm