22/11/2013 07:12 GMT+7
(lienminhbng.org) - Kính gửi các thầy cô giáo.
Trang thư lần này tôi muốn chia sẻ với các thầy các cô những điều mà tôi gom góp được từ những gì được thấy và được nghe từ Mỹ về nghề giáo nhân ngày 20/11 ở ta.
Ở Mỹ có hẳn một tuần lễ dành để tôn vinh các nhà giáo. Đó là tuần đầu tiên trong tháng 5. Và ngày thứ Ba của tuần đó là Ngày nhà giáo.
Trường lớp vẫn mở trong Ngày nhà giáo ấy, nhưng học sinh ở Mỹ cũng tặng quà thầy cô. Thời gian đổi thay, những món quà không còn là quả táo (biểu tượng tình cảm dành cho thầy cô), một chiếc bánh làm từ nhà, hay lọ dầu gội tóc..., mà cũng đã dấy lên tranh luận, có nên tặng các thầy cô một tấm “gift card” - một dạng thẻ mua hàng có mệnh giá cụ thể phát hành bởi chính các hãng sản xuất hay của cửa hàng.
Xét về bản chất, thẻ quà tặng cũng là tiền. Nhưng một chiếc thẻ quà tặng có giá trị 25 đô ở cửa hàng điện tử điện máy Best Buy thì lại chỉ đủ để mua vài cái USB, một cái tai nghe nhạc tàm tạm, và lại không thể mang ra siêu thị thực phẩm để mua con gà, hay đem đi đổi lấy tiền mặt. Thế nên nó là một món quà, khác là thầy cô có thể tự chọn cho đúng ý (nhu cầu), và khó có thể coi đó là một sự hối lộ.
Bản thân các thầy cô cũng không coi đó là một món quà có ý đồ, hoặc coi đó là cơ sở để phân chia tình cảm. Ít nhất là nhìn từ lớp học của con gái tôi ở một ngôi trường nhỏ thuộc chương trình “Khởi đầu” dành cho trẻ dưới 4 tuổi.
Bởi bất cứ sự phân biệt đối xử nào ở đây cũng có thể dẫn tới một hậu quả khó lường cho thầy cô giáo.
Và tôi hiểu, các giáo viên ở Mỹ có thể sống được bằng nghề của chính họ.
Theo số liệu thống kê gần đây, lương giáo viên công lập trung bình trên toàn nước Mỹ khoảng 56 ngàn đô/năm. New York, nơi có thành phố đắt đỏ bậc nhất, lương trung bình của giáo viên gần 73 ngàn đô/năm, còn ở bang South Dakota hẻo lánh và giá sinh hoạt rất rẻ, trung bình chỉ chừng 35 ngàn.
Mức lương ấy cao gấp gần 2,5 lần so với mức thu nhập ngưỡng của cả một gia đình diện nghèo. So sánh thêm nữa, tôi xin đưa ra vài con số, như lương tối thiểu quy định ở nhiều bang là khoảng 8,5 đô/giờ. Và mức lương ấy đã cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người một năm của toàn liên bang, hiện khoảng gần 50 ngàn đô.
Một gia đình có hai vợ chồng làm giáo viên chỉ cần dựa vào lương hoàn toàn có thể sống thoải mái dù khó mà làm giàu.
Vậy nhưng ở Mỹ vẫn có tới 1/3 số giáo viên trẻ bỏ nghề sau một năm, khoảng 46% bỏ nghề sau năm năm, và chưa tới một nửa số giáo viên còn gắn bó với nghề sau bảy năm. Hoặc nếu tính theo năm, tỷ lệ bỏ nghề giáo 15,7%, cao hơn khoảng 4% của các nghề khác. Nó trở thành vấn đề báo động trong thời gian gần đây, thúc ép Chính phủ hoặc các bang cải cách.
Lý do có nhiều, ngoài chuyện cơ hội việc làm và phát triển, mức lương như thế vẫn không tương xứng với sức ép mà họ phải chịu đựng, thì lý do có thể bị cho là không tưởng ở Việt Nam thì lại là sự thật phổ biến ở đây, như môi trường giáo dục trì trệ, không thỏa mãn khát vọng giảng dạy của giáo viên, và hay bị chính quyền các cấp chỉ trích.
Cũng cần biết là ở Mỹ không thể có chuyện giáo viên lên lớp qua loa rồi mở dạy thêm hoặc kiếm một nghề tay trái nào đó rồi biến nó thành nghề chính.
Nhưng thế mới thấy là không chỉ biết ơn mà phải cảm phục một bộ phận các thầy cô giáo Việt Nam chỉ biết mỗi đồng lương mà đến nay vẫn gắn bó với nghề.
Kính chúc các thầy cô mạnh khỏe!
Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất