Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ : 'Lối ra' nào sau 25 năm?

20/09/2013 08:50 GMT+7 | Văn hoá

 (lienminhbng.org) - Người xem khóc như mưa. Lẩm bẩm từng câu thoại đã thuộc lòng theo diễn viên. Rồi vỗ tay, rồi reo hò, gọi tên Lưu Quang Vũ (LQV). Phần nào, cảnh tượng rất đặc thù của sân khấu thời Đổi Mới ấy đã được lặp lại ở Liên hoan (LH) - cho dù chỉ một vài vở diễn tạo được hiệu ứng này.

1. Không thể kể hết những mỹ từ mà báo giới và đồng nghiệp tặng cho kịch L.Q.V trong những ngày qua. Nhưng, nếu phân chia rạch ròi giữa tình cảm dành cho Vũ và chất lượng riêng của từng vở, hẳn không ai bị thuyết phục một cách cảm tính rằng suốt LH, vở diễn nào cũng… hấp dẫn như vở diễn nào.

“Có vở rất khá. Có vở vừa phải, và cũng có những vở nhàn nhạt, chưa xứng với cái tên L.Q.V”. Đó là nhận xét của các nhà phê bình tại LH. Cơ bản, những vở diễn được chú ý vẫn thuộc về các nhà hát lớn như Kịch Tuổi Trẻ, Kịch Việt Nam, Chèo Hà Nội hay phần nào là Nhà hát Kịch Hà Nội… Còn lại, theo cách nghĩ chung, sự chưa trọn vẹn của các vở diễn khác được giải thích bằng khả năng của “người trong cuộc” khi khai thác kịch bản L.Q.V.



Cảnh trong Mùa hạ cuối cùng

“Với nghệ thuật sân khấu, kịch bản chỉ là đời sống thứ nhất. Còn đời sống chính của nó phải là vở diễn, phải là sự giao hòa với khán giả hiện tại” - nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành nhận xét - “Bởi thế, chúng ta không thể bắt khán giả bây giờ chỉ đọc kịch bản văn học của L.Q.V và khen hay. Để L.Q.V đồng hành cùng người xem bây giờ, câu chuyện thuộc về tài năng, thậm chí là cả sự tự tin, của đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo khác…”.

25 năm kể từ ngày mất là quá đủ độ lùi để đánh giá vai trò của Lưu Quang Vũ với cả một nền sân khấu. Và, với sự trưởng thành của một lứa khán giả mới, khoảng thời gian ấy cũng đủ để đặt ra những câu hỏi về cách khai thác 53 kịch bản anh để lại.

Khái niệm “tự tin” của ông Thành được sử dụng khi nói về cách các đạo diễn “lôi” những kịch L.Q.V viết cách đây gần 30 năm lại gần khán giả hiện tại. Thực tế, hầu hết các vở diễn tại LH vẫn phảng phất không khí của những năm 80 thế kỷ trước, với những khái niệm cũ về tem phiếu, con phe, sữa con chim, chăn con công, hay “truyện chưởng Sài Gòn”.

Sự sửa đổi để “cập nhật” những chi tiết ấy không phải bao giờ cũng thành công. Điển hình, với Ai là thủ phạm của Kịch Nam Định, chuyện mất trộm ở khu tập thể Thanh Hà được “nâng” giá trị lên cả trăm triệu để phù hợp với thời giá bây giờ, trong khi “hiện vật” mất cắp vẫn được giữ nguyên là chăn con công, xe đạp, phích nước… Hoặc, ở Lời thề thứ 9, đạo diễn - NSƯT Chí Trung cũng từng cố “đẩy” vào những chi tiết liên quan tới câu chuyện thời sự về đất đai - cho đến khi anh quyết định gạt những thay đổi đó ra ngoài và mang đến LH một vở diễn lấy đúng bối cảnh những năm 1980…

 Nhưng, xa hơn những chi tiết vụn vặt ấy, việc khai thác những thông điệp ẩn sau lớp vỏ thời sự mới là điều quyết định chất lượng của các vở diễn tại LH lần này. Đa phần, những vở diễn được đánh giá tốt tại LH đều mang những ý tưởng rất rõ ràng mà L.Q.V từng gửi gắm trong kịch bản. Ngọc Hân công chúa, Hồn Trương Ba - da hàng thịt, Nàng Sita… được định hình sẵn trong cốt truyện cổ tích dân gian nên không gặp nhiều khó khăn. Mùa Hạ cuối cùng tưởng như nói về đề tài đầy thời sự là giáo dục, nhưng sâu trong đó lại là sự ngơ ngác, choáng váng của thế hệ trẻ khi nhìn vào cách sống, cách lựa chọn của những người đi trước. Lời thề thứ 9 mượn chuyện ấy anh bộ đội cách đây vài chục năm, nhưng lại đầy ắp thông điệp không bao giờ cũ về sự “lệch pha” giữa pháp luật và công bằng xã hội...

Ngược lại, với 2.000 ngày oan trái, tính thời sự của vụ án oan nổi tiếng tại Nghệ An những năm 1980 đã trôi quá xa. Mất đi điều ấy, dấu hỏi mà L.Q.V đưa ra về tính công bằng của pháp luật, về sự bao dung, chính trực của mỗi con người… bỗng trở nên chung chung và hết sức nhạt nhòa. Còn với Điều thiêng liêng nhất Ông không phải là bố tôi, sự xuất hiện của quá nhiều thông điệp trong kịch bản khiến người xem có cảm giác đạo diễn cũng lúng túng khi lựa chọn.

Ông không phải là bố tôi nói về sự trả giá của cả một lớp người cho những định kiến, ngộ nhận ấu trĩ của một thời. Tuy nhiên, câu chuyện về những lý lịch “đen”, thành phần gia đình… quá xa với cách hiểu của khán giả trẻ” - nhà phê bình Nguyễn Văn Thành nói thêm - “Vì thế, đạo diễn muốn đưa thêm vào đó vấn đề mâu thuẫn thế hệ, giữa ông với bố, giữa bố với con. Nhưng, cá nhân tôi cho rằng việc cùng khai thác nhiều góc độ như vậy khiến vở diễn lại thành ra hơi rối và không sâu”.



2. Một thông tin thú vị: tới năm 1985, L.Q.V mới viết xong khoảng 20 kịch bản. Nhưng chỉ vỏn vẹn 3 năm sau, cho tới khi mất, con số này đã vọt lên tới 53. Bên cạnh tài năng và sức làm việc phi thường của anh, một trong những lý do dẫn tới sự bùng nổ ấy chính là từ… cơn sốt của các nhà hát sau hội diễn năm 1985. Tại hội diễn ấy, 8 kịch bản của L.Q.V cùng được dàn dựng để dự thi và có 5 vở đoạt huy chương vàng.

“Các trưởng đoàn liên tục tìm đến nhà đặt vở. Gặp bố thì ấn vài chỉ vàng đặt cọc vào tay, bắt hứa viết kịch bản mới cho mình” - anh Lưu Minh Vũ, con trai nhà viết kịch, kể - “Bố tôi cả nể, bận mấy thì cũng nhận lời. Kết quả là đến hẹn đành… khất là đi vắng. Trưởng đoàn ngồi trước cửa chờ, còn bố ẩn trong phòng, viết nốt”.

Có điều, dù lời thoại trau chuốt, dù câu chuyện hấp dẫn khán giả đương thời, nhưng có bao nhiêu trong số những kịch bản ấy có những thông điệp đủ lớn để vượt hẳn khỏi lớp vỏ thời gian và tồn tại được tới hôm nay? Câu trả lời khá đơn giản: bên cạnh khả năng dàn dựng, câu chuyện còn phụ thuộc vào… con mắt xanh của đạo diễn, khi lựa chọn những kịch bản khả thi nhất trong kho di sản ấy nữa.

Vì, như nhận xét chung của giới sân khấu, nhiều kịch bản của L.Q.V đã “trượt đi” so với tính thời sự bây giờ. Năm 2003, Tôi và chúng ta được Nhà hát Kịch Hà Nội phục dựng, nhưng câu chuyện về một xí nghiệp vật lộn “xé rào” trong thời bao cấp không thể khiến khán giả nặng lòng như trước đó gần 20 năm. Nâng lên đặt xuống Tin ở hoa hồng nhiều lần, rồi Kịch Tuổi Trẻ cũng bỏ qua ý định phục dựng, bởi như lời Chí Trung: “những tiêu cực trong kịch bản chỉ là chuyện... gãi ngứa so với thực tế bây giờ”. Rồi Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa... cũng chỉ còn phù hợp để đọc - như là một thể loại văn học - hơn là dàn dựng...

“Có những kịch bản của anh Vũ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó rồi. Ngược lại, có những kịch bản đủ hấp dẫn để dàn dựng cho khán giả ngày hôm nay, nếu có cách khai thác phù hợp” - NSƯT Anh Tú, Phó giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nhận xét. “Bởi, chưa nói tới khán giả, chúng ta cần nhớ rằng bản thân sân khấu cũng đã có sự thay đổi rất khác sau ngần ấy năm”.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm