06/02/2018 10:41 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Sống cùng một người nào đó trong một khoảng thời gian dài sẽ làm thay đổi cách bạn nhìn thế giới, cũng như chính con người của bạn.
Quan trọng hơn, những mối quan hệ thân thiết có thể làm lây lan cách nghĩ và hành động khác biệt, thứ mà tác giả cuốn “Powers of Two” (Sức mạnh của hai người) Joshua Wolf Shenk gọi là “tâm trí được chia sẻ”.
Các nhà tâm lý học đã quan sát những cặp đôi sống lâu bên nhau và cho rằng có 5 điều sẽ xảy ra giữa hai người sống cùng nhau một thời gian dài.
1. Ngôn ngữ của riêng hai người:
Một tin nhắn ngắn từ nửa kia có thể không mang ý nghĩa gì đối với những người khác, nhưng lại có ý nghĩa nhất định với các cặp đôi đã ở bên nhau lâu.
Tác giả Joshua Wolf Shenk cho biết ngôn ngữ của “người trong cuộc” là một trong những dấu hiệu chứng tỏ cặp đôi đang hoạt động “đồng bộ”. Theo một nghiên cứu của Robert Hooper, Giáo sư về giao tiếp tại Đại học Texas, giao tiếp bí mật hoàn thành hai điều: Làm sâu sắc thêm sự gắn kết của cặp đôi và thiết lập đặc điểm nhận diện độc đáo của mỗi cặp đôi.
Trong một nghiên cứu về các đôi yêu nhau của nhà tâm lý Carol Bruess, Đại học bang Ohio, ngôn ngữ riêng tư có thể bao gồm tất cả mọi thứ từ cách pha trò cho tới những biệt danh. Nghiên cứu của ông Bruess cho thấy mối liên hệ giữa mức độ thường xuyên mà các cặp đôi sử dụng những từ ngữ riêng tư và mức độ họ hài lòng với mối quan hệ của mình. Kết quả cho thấy các cặp đôi càng thường xuyên sử dụng ngôn ngữ bí mật với nhau, thì họ càng có xu hướng cảm thấy hạnh phúc.
2. Ngừng tự kiểm soát
Cách mà hầu hết chúng ta nói chuyện với những người lạ, người quen, và kể cả những người bạn thân đều khác biệt với cách chúng ta nói chuyện khi ở bên nửa kia.
Khi ở cùng những người khác, hầu hết chúng ta “tự giám sát”. Đó là chúng ta cố làm hài lòng những người xung quanh bằng cách sửa đổi hành vi của mình cho phù hợp với họ. Theo Giáo sư Shenk, khi ở bên nửa kia, chúng ta sẽ bỏ qua kiểu hành vi này và nói chuyện tự nhiên. Nói cách khác, chúng ta ngừng kiểm tra bản thân liên tục trước khi nói. Chúng ta thẳng thắn và cởi mở hơn.
Giáo sư Shenk đã nói chuyện với nhiều cặp đôi có mối quan hệ như vậy. Ví dụ, nhà tâm lý học Daniel Kahneman, Đại học California tại Berkeley nói với ông Shenk rằng: “Giống như hầu hết mọi người, tôi khá thận trọng khi nói ra những suy nghĩ cho người khác”. Nhưng sau nhiều năm làm việc với đối tác nghiên cứu, nhà tâm lý học nhận thức Amos Tversky, thì “sự thận trọng này hoàn toàn biến mất”.
3. Ngoại hình trở nên giống nhau
Trong nghiên cứu đầy thuyết phục năm 1987 của mình, nhà tâm lý học Robert Zajonc nhận thấy có một lý do rất rõ ràng cho việc các cặp vợ chồng trở nên giống nhau. Họ sử dụng cùng loại cơ của cơ thể thường xuyên tới mức qua thời gian, họ bắt đầu trông giống nhau.
Giáo sư Shenk nói rằng sự phối hợp cử động này không phải là ngẫu nhiên, mà là "phản ánh những gì mà các nhà tâm lý gọi là 'một cấu trúc phối hợp chung'", bao gồm cách chúng ta làm hài hòa cái nhìn và chuyển động cơ thể, cách diễn đạt và phong cách nói chuyện.
4. Giọng nói cũng trở nên giống nhau
Giáo sư Shenk cho biết ngoài vốn từ vựng riêng, các cặp đôi sống chung lâu dần “sẽ hợp nhau trong nhịp điệu và cấu trúc cú pháp của cuộc nói chuyện”.
Một phần của sự giống nhau này là kết quả của hiện tượng mà các nhà tâm lý gọi là “lây nhiễm về cảm xúc”.
Về cơ bản, khi hai người dành đủ thời gian cho nhau, cách nói chuyện của họ sẽ ăn khớp với nhau. Chúng ta bắt chước mọi thứ từ giọng nói của người khác cho đến số lượng và khoảng thời gian dừng giữa các từ và câu của nửa kia. Có bằng chứng cho thấy lối nói chuyện thay đổi có thể là một yếu tố thể hiện một cặp đôi đã ở bên nhau bao lâu.
Một phần của nghiên cứu về việc sử dụng ngôn ngữ của các cặp đôi năm 2010 xem xét các tin nhắn của họ. Nghiên cứu phát hiện rằng khi hai người nói giống nhau – về ngôn từ và cấu trúc ngôn ngữ sử dụng trong các tin nhắn - họ có nhiều khả năng sẽ tiếp tục hẹn hò trong 3 tháng sắp tới.
5. Cười với nhau những chuyện mà chẳng ai cười
Các nghiên cứu cho thấy các cặp đôi giống nhau về ngôn ngữ cơ thể, điều làm họ trông giống nhau, bởi vì họ rút từ ngữ và hành động từ kho kiến thức mà chỉ có hai người biết.
Nguồn “thông tin nội bộ” này – tất cả những kinh nghiệm và ký ức mà hai người cùng chia sẻ - sẽ nhắc họ về cử chỉ, thái độ, từ ngữ và các cụm từ mà họ sử dụng cùng với nửa kia.
Một nghiên cứu năm 2007 phát hiện rằng con người rất dễ bắt chước ánh nhìn của nhau khi cùng nghe thấy một thông tin chung trước cuộc nói chuyện.
Theo Trúc Khanh/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất