25/06/2015 19:33 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Xin nói luôn, giấc mộng vàng ở đây là chiếc HCV bóng đá nam SEA Games. 6 năm nữa, với tiền đề là nhiều khả năng Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31 và bằng 1-1,5 thế hệ cầu thủ, có là sự đảm bảo để nền bóng đá thoả mãn cơn khát đổi màu huy chương?
Thôi không “gặt lúa trời”…
20 năm trước, chính xác là SEA Games 1995 ở Chiang Mai, Thái Lan, bóng đá Việt Nam từng tiệm cận chiếc huy chương màu vàng, khi lọt vào đến trận chung kết. Bất kể đội tuyển Việt Nam của những: Hoàng Bửu, Quốc Cường, Minh Chiến, Huỳnh Đức, Hồng Sơn…, đã để thua chủ nhà Thái Lan tỷ số 0-4, nhận HCB, thì sự hoan hỉ và cả những tung hô vẫn không ngớt. Thậm chí cho đến tận bây giờ, họ vẫn được gọi là “thế hệ Vàng”, dù cao nhất chỉ mới giành Bạc ở cả SEA Games lẫn Tiger Cup.
SEA Games 2003 trên sân nhà, tức là gần 10 năm sau trận chung kết ở ChiangMai và 4 năm sau một trận chung kết SEA Games khác tại Brunei, bóng đá Việt Nam (lúc này là lứa U23) một lần nữa đứng trước cơ hội đổi màu huy chương. Và khi những: Văn Quyến, Quốc Vượng chỉ thua sát nút trước người Thái tại Mỹ Đình, càng khiến nền bóng đá tiếc nuối hơn. Kể ra lần này người hâm mộ có lý, bởi 3 năm trước tại VCK U16 châu Á 2000, thế hệ của Quyến đã gây tiếng vang.
1/5 thế kỷ qua đi, bóng đá Việt Nam vẫn hay kể chuyện “ngày xưa” với đủ tiếc nuối và đó là lý do cơ bản, khiến nền bóng đá giậm chân tại chỗ. Mà trong thể thao đỉnh cao, ước vọng cao hơn, xa hơn và nhanh hơn, việc “giậm chân tại chỗ” chẳng khác gì thụt lùi. Nền bóng đá vẫn chưa thôi thói quen “gặt lúa trời”, khi bất ngờ phát hiện một (hay vài) thế hệ cầu thủ tốt, thậm chí chỉ mới tương đối sáng nước một chút, ngay lập tức chúng ta trao cho họ thiên chức vô địch, nhiệm vụ giành vàng.
U23 Việt Nam đã không thể lọt vào trận chung kết SEA Games 2015 dù đã có cơ hội. Ảnh: Quốc Khánh
Mới đây thôi, sau khi Công Phượng và các đồng đội tạo được hiệu ứng tốt ở giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á, “những nhà hoạch định” đã ngay lập tức rao giản, rằng bóng đá Việt Nam có cơ hội rất lớn giành vé dự VCK U20 thế giới 2015, thậm chí là giành suất dự World Cup 2018 luôn. Những tuyên bố phi thực tế ấy, bằng với thời gian chỉ hơn nửa năm sau, đã được chứng minh là sai bét, nhưng một bộ phận đáng kể trong chính chúng ta vẻ như vẫn chưa thoát khỏi "cơn mê dài".
Cần thêm bằng chứng, thì đấy là thất bại của HLV Toshiya Miura và U23 Việt Nam tại SEA Games 28. Ông Miura, một người Nhật Bản tôn vinh khuôn phép và tính kỷ luật, đã không thể giúp nền bóng đá hoá rồng, với chỉ những chất liệu mà ông được thừa hưởng. Bản hợp đồng 2,5 năm thời hạn mà VFF chìa ra cho HLV Miura ký, thậm chí chưa đủ để thuyền trưởng người Nhật “đánh quả lẻ”, tức săn lùng danh hiệu ở AFF Cup hoặc SEA Games, nói gì việc nâng cấp nền bóng đá.
Tóm lại, để nền bóng đá có sự phát triển bền vững hay ít nhất là đạt tới đẳng cấp để có thể giành tấm HCV (chứ không phải trông vào 1 giải đấu, hay 1 trận đấu cụ thể), chúng ta cần thuê một tổng công trình sư hơn thay vì một vị tướng đánh trận. Việc tận dụng các gói ODA trong bóng đá, như với trường hợp HLV Miura lúc này (JFA và các đối tác kinh tế hỗ trợ cơ bản quỹ lương), cần sự tỉnh táo. Cách đây hơn chục năm, GĐKT Rainer Wilfeld, một bậc thầy, từng đến Việt Nam làm việc thông qua chương trình hỗ trợ của LĐBĐ Đức (DBF), nhưng không thể phát huy được vai trò, cũng là do cơ chế.
… Chấp nhận “đi tắt đón đầu”
Trước và sau SEA Games 2003 trên sân nhà, thể thao Hà Nội đã thực hiện rất nhiều chiến lược "đi tắt đón đầu", bằng việc tuyển chọn và đưa các lứa VĐV tài năng đi nước ngoài học tập, cọ xát, nâng tầm. Cha đẻ của “công trình” này là ông Hoàng Vĩnh Giang – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Olympic Việt Nam. Dù vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận, song rõ ràng, Hà Nội đã vượt TP.HCM từ nhiều năm qua, từ các môn thể thao thành tích cao đến môn Olympic.
Dẫn ra câu chuyện về 2 địa phương phát triển nhất trên bản đồ thể thao quốc gia để nói rằng, nếu muốn nhắm tới tấm HCV SEA Games 2021, bóng đá Việt Nam bắt buộc phải có cuộc đầu tư ngay từ lúc này. Cụ thể hơn, tính độ tuổi tham dự SEA Games môn bóng đá nam là U23 thì từ bây giờ, nền bóng đá sẽ phải chăm sóc các lứa cầu thủ 13-15 tuổi, chu đáo hơn nữa. Có điều, ở độ tuổi này, ngoài các Học viện HAGL Arsenal JMG, PVF và Viettel, chỉ thêm mỗi SLNA ở V-League còn duy trì các lớp năng khiếu. Hà Nội T&T, SHB.Đà Nẵng, Đồng Tháp và một số địa phương khác cũng có các đội tuyển “U”, nhưng lác đác và không đều.
Khâu đào tạo trẻ giữ vai trò quyết định trong việc tạo dựng nền móng, cũng như việc hướng đến sự phát triển bền vững của không chỉ thể thao, mà của hầu hết các địa hạt xã hội khác. Tuy nhiên, môi trường phấn đấu – phát triển cũng quan trọng không kém. Hãy tưởng tượng, nếu Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ thực hiện các công trình nghiên cứu ở trong nước, chúng ta sẽ khó thể tìm được một Ngô Bảo Châu được cả thế giới biết đến. Vai trò của “đầu ra” vì thế không thể xem nhẹ.
Hãy nhìn sang Nhật Bản, chưa đầy 10 năm sau khi J-League ra đời, bóng đá xứ mặt trời mọc lần đầu giật vé dự VCK World Cup 1998. Mặc dù vậy, chiếc vé đến Pháp mùa hè năm ấy không phải là sự đảm bảo cho việc J-League lớn mạnh, mà trước đó, với sự hỗ trợ của Chính phủ, cũng như các tập đoàn – nghiệp đoàn kinh tế lớn, các Học viện bóng đá ở Nhật Bản mọc lên như nấm sau mưa. Họ cũng đã gửi đi Brazil và Âu châu rất nhiều thế hệ cầu thủ trẻ để tầm sư học đạo để rồi sau này thực sự vươn lên vị trí hàng đầu châu lục, tiệm cận với trình độ thế giới.
Nếu chúng ta cần một chiếc HCV bóng đá nam SEA Games trong khoảng 6 năm tới, V-League tiếp tục được nâng cấp cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu về đầu ra và môi trường phát triển. Vấn đề cốt lõi, theo HLV lão luyện Lê Thuỵ Hải, những người chịu trách nhiệm với sự tồn vong của nền bóng đá, phải thôi hão huyền và “làm thật đi”. Thể thao đỉnh cao vị thành tích, không có cái gì tự nhiên đến cả, tấm huy chương vàng SEA Games lại càng không, dù nó chỉ ở ngay trước chúng ta thôi.
HLV Miura khẳng định việc U23 Việt Nam đoạt hạng ba trên dất Singapore vừa rồi là một thành công vì nếu tính hai kỳ SEA Games trước đều trắng tay. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng cũng nhắn nhủ cần kiên nhẫn với HLV Miura và cam đoan U23 Việt Nam không vô địch lần này thì chờ SEA Games lần khác. Tuy nhiên, với cách làm kiểu thời vụ như hiện tại, thì việc vô địch SEA Games 29 trên đất Mã vào năm 2017, hay Philippines 2019 là rất khó, mà theo tính toán của nhiều chuyên gia, thuận lợi nhất vẫn là năm 2021 nếu Việt Nam được là chủ nhà và có sự đầu tư lớn về lực lượng trẻ từ lúc này. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất