27/08/2015 14:19 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Nếu để thua B.Bình Dương ở “trận chung kết” vào chiều mai (28/8), FLC Thanh Hoá xem như đã đầu hàng vô điều kiện trong cuộc đua đến chức vô địch. Nó cũng có nghĩa rằng, đến 99% khả năng vương miện V-League sẽ tiếp tục ở lại đất Thủ thêm một mùa giải nữa.
Một trận đấu rất quan trọng và quá ý nghĩa, với không chỉ những người trong cuộc, nó là trận đấu của cả mùa giải.
12 năm có một
Vòng 21, giải hạng Nhất 2002 – 2003, Thanh Hoá dưới thời HLV Lê Thuỵ Hải hừng hực khí thế hành quân vào miền Đông đất đỏ với 3 điểm dẫn trước so với đội bám đuổi Bình Dương, khi giải đấu chỉ còn 2 lượt trận. Tức là chỉ cần giành thêm 1 điểm nữa, Thanh Hoá sẽ cùng với đội đầu bảng Hải Phòng lần đầu tiên thăng hạng V-League.
Tuy nhiên, chuyện gì đã xảy ra ở sân Bình Dương khi ấy? Hồng Minh và đồng đội không đánh mà hàng khi thua dễ đội chủ nhà với tỷ số 0-2. HLV Lê Thuỵ Hải đã rất giận dữ, từ chối tất cả các câu hỏi mà phóng viên đặt ra với ông. Về lý thuyết, cơ hội không phải đã tuột khỏi tầm tay, khi ở lượt đi, Thanh Hoá cũng từng thắng với tỷ số này.
Thanh Hoá cần phải thắng QK7 ở lượt trận cuối, đồng thời hy vọng Hải Phòng sẽ cầm chân đội bóng đất Thủ. Nhưng đã không có phép màu nào xảy ra, khi đội bóng đã chắc chắn thăng hạng là Hải Phòng không còn động lực và để thua 3 bàn trắng; nhân tiện Thanh Hoá cũng “tặng” cho QK7 thêm 3 điểm, trong một trận đấu mà đội trưởng Hồng Minh cáo đau.
Một cuộc “truy lùng” thực sự của giới truyền thông diễn ra trong đêm đó, nhưng tại Nhà khách QK7, nơi Thanh Hoá đóng quân chỉ còn lảng vảng vài cầu thủ trẻ. HLV Lê Thuỵ Hải sau màn cãi cọ với phóng viên trên sân QK7 lúc chiều có thể đã ra máy bay về thẳng Hà Nội. Phó giám đốc Sở TDTT Thanh Hoá (cũ), ông Lê Nam, cũng từ chối trả lời các câu hỏi.
Bóng đá Việt Nam, đặc biệt là ở các giải hạng thấp, muôn đời không thoát được nạn xin cho, nhường điểm. Tại mùa hạng Nhất năm ấy, không phải Bình Dương, mà Thanh Hoá, Tiền Giang và Hải Phòng với dàn cầu thủ chất lượng vừa trở về từ ĐT Việt Nam đá Tiger Cup 2002, mới là những ứng viên lên chuyên. Nhưng thật khó hiểu, họ đã khước từ.
Một lần và mãi mãi
B.Bình Dương một mùa bóng luôn chi trên dưới 50 tỷ đồng, đấy là tiết lộ của TGĐ Cao Văn Chóng, với Thể thao & Văn hoá mới đây. Đọ về tiền, xem chừng ở V-League chỉ có FLC Thanh Hoá mới có thể so được với đội bóng đất Thủ. Thoạt nghe có vẻ hơi choáng, nhưng từ đôi ba năm nay, xứ Thanh có cách làm bóng đá kiểu xã hội hoá rất hiệu quả.
Cho đến trước khi được chuyển giao cho tập đoàn FCL, Thanh Hoá thời bầu Đệ từng xưng hùng xưng bá trên thị trường chuyển nhượng. Sau ông Mai Đức Chung, HLV Vũ Quang Bảo được mời về là để… tiêu tiền, với tiêu chí mua người phải là hàng tuyển, “Tây” phải xịn. Cơ chế thông thoáng giúp FLC Thanh Hoá tạo được chiều sâu đội hình.
Xứ Thanh ở mọi thời kỳ và mọi địa hạt của xã hội, vẫn được xem là “địa linh sinh nhân kiệt”. Cùng với việc nổi lên như một ứng viên thực sự cho chức vô địch V-League mùa này, FLC Thanh Hoá đã trải qua chuỗi gần 30 trận không nếm mùi chiến bại trên sân nhà. Thiên thời, địa lợi, nhân hoà đủ cả, cho đến khi đội bóng xứ Thanh “bể” ở Đồng Nai (lại trúng vòng 21).
Cơ hội vẫn còn nguyên, nếu HLV Hoàng Thanh Tùng và các học trò thắng B.Bình Dương (lúc này, thế cờ sẽ đảo ngược và FLC Thanh Hoá một lần nữa lại dẫn ngược nhà vô địch với 1 điểm cách biệt), nhưng nếu như lặp lại kịch bản giống như cách đây 12 năm, một khi đội bóng xứ Thanh tự làm khó chính mình, thì cũng có nghĩa rằng họ chưa sẵn sàng “đăng cơ”.
Song, ngay cả khi không thể lên ngôi vô địch V-League 2015, thì đây vẫn được xem là một mùa giải thành công với cộng đồng người Thanh Hoá, đội ngũ CĐV vẫn được xem là tài sản quý nhất của đội bóng.
1 Với 13 trận thắng, 4 trận hoà và 5 trận thua, FLC Thanh Hoá hiện đang có 43 điểm. Đây là số điểm kỷ lục mà đội bóng này từng có trong lịch sử tham dự V-League. Mặc dù vậy, với việc để lọt lưới đến 34 bàn (22 lượt trận, trung bình hơn 1,5 bàn/trận), hàng phòng ngự FLC Thanh Hoá bị đánh giá là tệ nhất trong Top 9 đội dẫn đầu. 2 Hữu Dũng và Thanh Bình, tuy là các tuyển thủ U23 QG (B.Bình Dương không đóng góp bất kỳ cái tên nào), nhưng chỉ được sử dụng rất chừng mực trong màu áo FLC Thanh Hoá ở mùa giải năm nay. Thậm chí ngay cả Quốc Phương cũng không phải ngoại lệ, điều đó cho thấy, tính cạnh tranh ở FLC Thanh Hoá rất khốc liệt. 3 Ngoài 2 điểm lợi dẫn trước “trận chung kết”, B.Bình Dương cũng nắm tất cả các ưu thế về chỉ số phụ khác so với đối thủ FLC Thanh Hoá, từ hiệu số bàn thắng bại (21 so với 3), đến đối đầu trực tiếp (hai đội hoà nhau 1-1 ở trận lượt đi trên sân Thanh Hoá) và cả lịch thi đấu thuận lợi ở các vòng còn lại. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất