20/02/2014 09:54 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) – Khi Ahn Hyun-soo giành HCV trượt băng vòng tròn tính điểm, người Hàn Quốc đã đứng cả dậy, không phải để chúc mừng mà để kêu gọi cuộc điều tra nhằm vào các quan chức thể thao nước này. Tại Sochi 2014, Ahn mang quốc tịch Nga, không phải Hàn Quốc.
Khi cuộc đua ở chặng 1.000m dành cho nam kết thúc, VĐV 28 tuổi này cầm lấy một lá cờ Nga và chạy xung quanh sân thi đấu Skating Palace trong tiếng hô vang “Viktor! Viktor!” từ đám đông CĐV nước chủ nhà. “Tất nhiên, tôi rất vui. Đây là Thế vận hội đầu tiên của tôi ở đất nước của tôi”- lời Ahn nói như nhát dao cứa vào niềm tự tôn dân tộc của người Hàn Quốc.
Vì đâu mà có “Viktor Ahn”?
Từ lâu đời, Thế vận hội có truyền thống các VĐV sử dụng mối quan hệ gia đình hay chính sách nhập tịch tự do để thay đổi quốc tịch của họ, thường với mục đích kiếm cơ hội cạnh tranh khi họ không nằm trong top VĐV đủ điều kiện tham dự. Cũng có trường hợp các quốc gia giàu có tuyển mộ VĐV đã có danh tiếng ở những nước nghèo hơn. Chẳng hạn như Bahrain thu hút những VĐV điền kinh Kenya để gia tăng uy tín quốc gia trên đấu trường thể thao thế giới.
Nhưng Ahn là một trường hợp khác. Ahn không có liên quan gì đến nước Nga trước khi nhập tịch vào quốc gia này và là trường hợp điển hình đầu tiên của việc tách mình ra khỏi đất nước cha sinh mẹ đẻ để mời gọi những quốc gia khác cho mình nhập tịch.
Trước khi tới Nga, Ahn là một trong những VĐV nổi tiếng nhất ở Hàn Quốc với 3 HCV và 1 HCĐ tại Thế vận hội Turin năm 2006. Nhưng chấn thương đầu gối vào năm 2008 khiến Ahn phải mất thời gian hồi phục. Khi trở lại, anh phải cạnh tranh để giành một vị trí trong đội tuyển trượt băng quốc gia tham dự Thế vận hội Vancouver 2010. Ahn đã rất khó chịu và với sự giúp đỡ của cha ruột, anh bắt đầu tìm kiếm những điểm đến mới, nơi lắng nghe yêu cầu của cá nhân anh.
Mỹ đã có liên hệ với Ahn nhưng ngân sách nhỏ hẹp của quốc gia này dành cho trượt băng khiến họ mất đi lợi thế so với đề nghị của Nga. Chẳng ai biết cụ thể cám dỗ tài chính mà Nga đưa ra để thu hút Ahn, chỉ biết họ chẳng mất nhiều thời gian chờ Ahn quyết định.
Đến Nga, Ahn đổi tên sang Viktor nhằm tôn vinh Viktor Tsoi – một nhạc sĩ kiêm ca sĩ nổi tiếng thời Xô Viết. Giống như Ahn, Tsoi có gốc Hàn Quốc.
Sochi “dễ dãi” nhất
Những năm 1920, ĐT khúc côn cầu trên băng của Anh ra sân với phần lớn đội hình là người Canada. Năm 1936, người Anh cũng giành HCV ở nội dung này với đội hình mà 9 trong tổng số 13 cầu thủ lớn lên ở Canada. Nhưng chưa bao giờ việc chuyển đổi hộ chiếu trở nên phổ biến như ở Sochi 2014. Nguyên do một phần cũng từ điều kiện đơn giản của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Theo IOC, các VĐV phải là công dân của đất nước mà họ đại diện và các Liên đoàn thể thao của các nước có thẩm quyền thiết lập tiêu chuẩn của riêng họ đối với một VĐV nhập tịch. Ở môn trượt băng nghệ thuật, điều kiện còn lỏng lẻo hơn nhiều. Chẳng hạn ở nội dung khiêu vũ trên băng, chỉ cần 1 trong 2 VĐV có quốc tịch của nước đại diện là có thể đàng hoàng tham gia, chẳng quan trọng người còn lại đến từ quốc gia nào. Thế mới có chuyện VĐV đại diện cho Brazil không biết nói tiếng Bồ Đào Nha hay VĐV đại diện cho Lithuania sinh ra và lớn lên ở New York...
Với quy định hiện thời của IOC, khó có thể ngăn cản chuyện như vậy xảy ra. Điều quan trọng là các nước cần phải giữ được chân những nhân tài. Ngay sau chiến thắng của Ahn, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã yêu cầu thực hiện cuộc điều tra nguyên nhân khiến Ahn mất đi lòng trung thành với đất nước.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất