14/09/2018 09:08 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của tác giả Hồ Ngọc Đại tại Nghệ An nhận được sự đồng thuận của các trường và hiện 558/559 (chiếm 99,9%) trường tiểu học áp dụng dạy học theo tài liệu này.
Tại một tiết học tiếng Việt của lớp 1C, trường Tiểu học Quán Hành (huyện Nghi Lộc), cô giáo chỉ vào ô vuông nhưng trò lại đọc thành tiếng. Đây là lí do khiến không ít ý kiến phản ứng cách dạy này. Tuy nhiên, đó là những người không hiểu tiếng Việt công nghệ bởi với học sinh vào đầu lớp 1 nếu viết câu thơ các em cũng không thể đọc nên chương trình này sử dụng phương pháp dạy trực quan thay thế. Cô giáo có thể sử dụng ô vuông hay những bông hoa để trò làm Toán, đọc thơ.
Cô giáo Trần Thị Thu – lớp 1C, trường Tiểu học Quán Hành cho biết: Theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, bước đầu tiên là trẻ phải học tách câu thành từng tiếng một. Việc dùng ô vuông, tròn hay tam giác là mô hình chỉ phục vụ cho việc tách câu để đếm tiếng mà thôi. Với những ô có màu giống nhau, chúng ta có thể hiểu là tiếng giống nhau.
Tương tự như vậy, các bài học trong tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục theo thứ tự sẽ từ bài tiếng chuyển qua bài âm, bài vần, bài nguyên âm đôi. Quy trình tưởng phức tạp nhưng sau mỗi bài học, học sinh sẽ nắm chắc ngữ pháp, hiểu được cách ghép phần âm, phần vần và phân biệt dấu thanh chính xác. Đặc biệt, với phương pháp khoa học, thay vì học chữ theo lối “thuộc lòng” trước đây, nay các em sẽ có tư duy khá rõ ràng và đọc thông viết thạo khá sớm. Lý do chính bởi trước đây thường với chương trình lớp 1, phải đến ngoài tuần 20 học sinh mới tập viết. Nhưng với chương trình này, các em học đến đâu, tập viết đến đó và sang học kỳ II thì đã có thể “cô đọc, trò viết” những bài tập đọc khá dài.
Đây là năm thứ 6 trường Tiểu học Quán Hành áp dụng chương trình dạy theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Thời gian đầu việc triển khai khá khó khăn, nhất là công tác bồi dưỡng giáo viên; tiếp đến là áp lực phụ huynh bởi họ cho rằng, có sự khác biệt ở hai chương trình hiện hành, công nghệ. “Tuy nhiên, với vai trò của người quản lý, chúng tôi đã tư vấn, giúp phụ huynh thấy được những ưu điểm của chương trình. Hơn thế nữa, chúng tôi thuyết phục phụ huynh bằng hiệu quả của chương trình công nghệ qua kết quả 5 năm triển khai. Thực tế tài liệu có nhiều ưu điểm vì sau khi học xong, học sinh đọc thông viết thạo và cơ bản hoàn thiện. Học sinh nắm vững luật chính tả và cấu trúc ngữ âm của tiếng. Đặc biệt là học sinh lớp 1 được phát triển tư duy khoa học thông qua chuỗi việc làm đã được hiện hành trong bài học”, cô giáo Vũ Thị Kiều Dung – Hiệu trưởng trường Tiểu học Quán Hành cho biết.
Tương tự, cô giáo Phan Thị Hồng Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Đô, thành phố Vinh cũng khẳng định: Có nhiều phản ứng không chính thống bởi họ chưa hiểu toàn bộ chương trình. Qua giảng dạy, chương trình này bộc lộ được ưu điểm đó là dạy vào bản chất của Tiếng Việt nên học sinh nắm được bản chất của ngữ âm và các quy luật viết chính tả rất tốt. Về phương pháp học, rất rành rọt và khoa học. Qua đó, cũng giúp cho việc tổ chức lớp học bài bản và kiểm soát được hiệu quả của học sinh ngay và uốn nắn kịp thời. Ngoài ra, khi học vào bản chất thì cũng sẽ hiểu đúng và cặn kẽ. Ngay từ khi chưa biết đọc và biết viết học sinh đã làm quen với chuỗi câu thành những âm, thành tiếng, từ tiếng học sinh tách ra các bộ phận cụ thể, không tách máy móc mà biết nghe, biết thực hiện các thao tác bằng tay, biết tư duy.
Từ năm học 2013 – 2014, 100% các trường ở thành phố Vinh đã triển khai đồng loạt dạy theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Ở các huyện còn lại trong tỉnh, tỷ lệ đăng ký tự nguyện đạt khoảng 20%. Hiện tại, sau 5 năm triển khai, hơn 99,9% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chương trình này; chỉ có duy nhất một trường chưa triển khai là Trường Tiểu học Tri Lễ 4 – Quế Phong, một điểm trường ở vùng sâu vùng xa, nằm sát biên giới, học sinh là con em đồng bào dân tộc.
Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An bộ môn Tiếng Việt công nghệ trở thành môn học chính của sinh viên. Vì vậy, khi thực tập hay khi ra trường sinh viên không còn bỡ ngỡ với chương trình này. Bản thân khi giáo viên dạy theo tài liệu này cũng đỡ áp lực hơn. Giáo viên chỉ cần thực hiện đúng quy trình mà sách thiết kế đã chỉ ra. Học sinh cũng thực hiện theo các quy trình hoạt động nên hứng thú hơn.
Tuy nhiên tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cũng bộc lộ nhược điểm đó là chú trọng kỹ năng đọc và viết nhưng lại hơi xem nhẹ “kỹ năng” nghe và nói như chương trình hiện hành. Ngoài ra với quan điểm “chân không” về nghĩa nên nghĩa của từ mới và nghĩa của bài đọc đang chưa được chú trọng, học sinh không nắm được nghĩa của từ và nghĩa của bài.
“Để dạy được tài liệu này giáo viên phải học và phải nắm chắc quy trình. Phụ huynh muốn dạy cho con cũng vậy. Vì vậy nên chăng những người soạn sách cũng nên bổ sung, nghiên cứu một số vấn đề như giảm tải, giảm độ dài một số bài đọc, viết, tăng thời lượng kỹ năng nghe nói cho học sinh, tăng giải nghĩa từ và tìm hiểu ý nghĩa một số bài đọc. Đối với mỗi lớp học, nên đảm bảo sỹ số thì việc dạy học sẽ hiệu quả hơn”, Thạc sỹ Trần Thị Hảo, Trưởng bộ môn Văn – Tiếng Việt – Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đề xuất.
Sáu năm qua, mặc dù quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là triển khai tự nguyện nhưng hàng năm số trường tham gia chương trình ngày một tăng, năm sau cao hơn năm trước đã cho thấy tính tích cực của tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục. Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong quá trình triển khai cũng đã tổ chức các hội thảo theo vùng miền và mời Trung tâm Công nghệ giáo dục, Giáo sư Hồ Ngọc Đại về trực tiếp giảng bài. Bên cạnh đó, hàng năm trong hướng dẫn Sở cũng làm rõ các điểm cần lưu ý như làm rõ những điểm khác biệt giữa tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và chương trình hiện hành (cách tiếp cận khác nhau và cách dạy khác nhau). Ngoài ra, lưu ý các nhà trường vào đầu năm học phải họp phụ huynh để hướng dẫn con học ở nhà và cùng phụ huynh thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc.
“Cách phát âm là cái lõi bên ngoài, còn tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có đất sống bởi nó còn giúp cho mục tiêu của chương trình lớp 1 thành công. Đó là cách tổ chức dạy học (giúp cho học sinh tự trải nghiệm, tự học dưới sự hướng dẫn của thầy, theo phương châm “thầy thiết kế, trò thi công”). Cũng nhờ phương pháp này học sinh lớp 1 học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục có kỹ năng đọc, kỹ năng viết nhanh hơn. Thứ hai, cách tiếp cận ngôn ngữ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại đúng với quy luật hình thành kỹ năng. Khi con người đã nghe – nói chuẩn âm vần thì viết mới chuẩn. Điều này, cũng tạo ra sự khác biệt với chương trình hiện hành. Ở chương trình cũ, học sinh có thể đọc thông thạo nhưng có thể viết sai vì không nhận diện được âm vần chính xác”, Nhà giáo ưu tú, Tiến sỹ Thái Huy Vinh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất