06/03/2014 08:25 GMT+7
(lienminhbng.org) - Carles Puyol là một hậu vệ xuất sắc, thậm chí là hàng đầu trong lịch sử CLB, nhưng thứ mà người hâm mộ Barca nhớ nhất ở “Puyi” sau khi anh rời đội bóng không hẳn là phẩm chất chuyên môn, mà là sự hy sinh và ý chí không thể lay chuyển.
1. Puyol được coi là một trong những sản phẩm ưu tú nhất của lò La Masia. Tuy vậy, anh lại là một trung vệ… có rất ít chất La Masia. Puyol không chơi ở vị trí trung vệ ngay từ đầu ở Barca mà anh từng đá tiền vệ phòng ngự rồi hậu vệ phải. Hay nói cách khác, “Puyi” sẽ đá ở bất cứ vị trí nào mà anh được yêu cầu.
Tất cả xuất phát từ kỹ thuật trung bình của Puyol. Thậm chí, có người còn cho rằng Puyol thuộc dạng hậu vệ “ăn no vác nặng” bởi anh dùng sức mạnh nhiều hơn là đầu óc. Với thứ bóng đá của mình, nếu chơi bóng ở Anh, Puyol ắt sẽ là một thần tượng trên các khán đài.
Lối đá của Puyol hoàn toàn trái ngược với Gerard Pique, mẫu trung vệ điển hình của La Masia. Pique (chỉ số IQ là 170) chơi rất đầu óc và chủ yếu sử dụng khả năng phán đoán để phòng ngự.
Đó là lý do tại sao khi bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, “Puyi” lại liên tục dính chấn thương, xuất phát từ lối chơi tốn nhiều sức lực của anh trước đây.
2. Nhưng tại sao Puyol vẫn trở thành tượng đài ở Camp Nou và được coi là một trong những trung vệ hay nhất thế giới ở thế hệ của mình? Bởi “Puyi” có thể thua kém về kỹ thuật nhưng ý chí của anh thì không ai sánh được. Puyol chơi bóng như thể xả thân, khiến đối thủ phải khiếp sợ. Anh không cần phải đá như Baresi, Beckenbauer, hay Paolo Maldini để được yêu mến.
Người ta đã nói nhiều rằng Barca sẽ ra sao khi không còn Xavi hay Iniesta, nhưng chính Puyol mới là “của hiếm” ở Camp Nou. Các cầu thủ kỹ thuật là nền tảng cho lối chơi của Barca (và họ chỉ đào tạo cầu thủ theo hướng như vậy), nhưng chính Puyol mới là linh hồn thực sự bởi đức hy sinh và hết mình của anh. Rất khó để tìm ra một Puyol thứ hai ở Barca.
Với Puyol, sự hy sinh cao cả và tận tụy, thậm chí đến mức tự hại bản thân, đã biến anh trở thành một thủ lĩnh, một tượng đài không thể tranh cãi ở Camp Nou.
3. Và đó cũng là một phẩm chất đặc trưng của Barca, biến họ trở thành một đội bóng còn “hơn cả một đội bóng”. Với vị thế của mình, Puyol hoàn toàn có thể buộc đội bóng phải đối xử “đặc biệt” với anh, nhưng khi nhận ra rằng mình không thể đóng góp được cho đội bóng nữa, anh chọn cách thoái lui. “Puyi” thà nhận thiệt thòi về mình hơn là khiến đội bóng bị ảnh hưởng. Tất cả vì lợi ích của tập thể.
Trước Puyol, những Tito Vilanova, Sandro Rosell cũng từng làm vậy, dù ở mức độ thấp hơn. Tito đã chủ động chia tay chỉ sau một mùa dẫn dắt Barca bởi ông không muốn bệnh tật của mình trở thành gánh nặng cho CLB. Tương tự, khi Barca vướng vào một vụ kiện pháp lý liên quan tới vụ chuyển nhượng Neymar, Rosell thậm chí còn dứt khoát từ chức Chủ tịch CLB. Cá nhân ông sẵn sàng chịu thiệt để đổi lại danh tiếng cho CLB.
Trong thể thao, ai cũng muốn chiến thắng, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Cái hay của Barca là đánh thức được sự hy sinh ấy. Mà tiêu biểu là “người đội trưởng vĩ đại” Carles Puyol.
Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất