22/10/2020 06:59 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cách đây 80 năm, phim Kẻ độc tài (The Great Dictator) của “vua hề” Charlie Chaplin đã có mặt tại các rạp chiếu ở New York (Mỹ) và London (Anh). Đây là sản phẩm lớn đầu tiên của Hollywood có lập trường rõ ràng: Chống lại Đức Quốc xã với cách mô tả châm biếm.
Thời điểm phim ra rạp, Thế chiến II đang hoành hành tại châu Âu. Charlie Chaplin là một trong những ngôi sao lớn nhất ở Mỹ và nhiều người ngạc nhiên khi thấy Vua hề chọn chủ đề chính trị cho bộ phim nói đầu tiên của mình.
Bộ phim này do do Chaplin đạo diễn (với người anh cùng cha khác mẹ Wheeler Dryden làm trợ lý), viết kịch bản, sản xuất, đồng sáng tác nhạc phim cùng Meredith Willson. Đặc biệt, ông thủ diễn chính - vừa đóng vai người thợ cạo Do Thái bị phát xít Đức hành hạ vừa vào vai kẻ độc tài Adenoid Hynkel là hiện thân của Hitler.
Lịch sử sản xuất của bộ phim được ghi lại đầy đủ trong cuốn sách The Charlie Chaplin Archives (2015) của Paul Duncan, qua đó cho thấy Chaplin đã dành nhiều tâm huyết cho bộ phim này.
Chaplin đã chuẩn bị cho câu chuyện trong phim trong suốt năm 1938 và 1939 và bắt đầu quay vào tháng 9/1939 (tình cờ ngay sau khi Đức xâm lược Ba Lan, mở ra Thế chiến II) và hoàn thành 6 tháng sau đó.
Kẻ độc tài được quay phần lớn tại Charlie Chaplin Studios và các địa điểm khác xung quanh Los Angeles. Những cảnh công phu trong Thế chiến I được quay ở Laurel Canyon.
Cười về Hitler
Cả Chaplin và Hitler đều sinh vào tháng 4/1889. Chưa kể 2 người còn thực sự có bộ ria mép rất giống nhau - ít nhất là so với nhân vật của Chaplin trong phim Kẻ lang thang (Tramp).
“Trong những ngày ở Munich, tôi sống ở Thiersh Strasse” - cây bút William Walter Crotch viết trên tờ New Statesma - “Và tôi thường xuyên nhận thấy trên đường phố một người đàn ông khiến tôi mơ hồ nhớ về hình ảnh của Charles Chaplin, do bộ ria mép đặc trưng và cách đi đứng của người đó”. Sau đó, một người bán tạp phẩm nói với Crotch rằng người mà ông đề cập tới chính là Herr Adolf Hitler, thủ lĩnh của một nhóm chính trị nhỏ.
Mối liên quan giữa Hitler - Chaplin đã có từ nhiều năm trước khi bộ phim được thực hiện, khi nhà làm phim này bị các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Đức tố cáo. Tờ báo tuyên truyền Der Stürmer viết vào năm 1926: “Charlie Chaplin là một người Do Thái. Các âm mưu của hắn chỉ là của một tên trộm vặt liên tục phạm pháp”.
Nhưng thực tế câu nói đó là hư cấu. Chaplin không phải là người Do Thái nhưng ông đã từ chối công khai điều đó. “Lập trường của ông là bất cứ ai phủ nhận điều đó sẽ rơi vào tay những người bài Do Thái. Đoàn kết với người Do Thái là một trong những thông điệp trọng tâm trong phim của Chaplin” - chính trị gia kiêm nhà làm phim người Anh Ivor Montagu cho biết.
Giễu nhại Quốc xã với sự dí dỏm và sâu sắc, nhân vật trung tâm của Kẻ độc tài mang đến một mô tả tàn khốc về cách cư xử của Hitler. Điển hình là sự nhại lại gay gắt phong cách hùng biện của Hitler và sự thể hiện quá đáng những âm thanh cường điệu trong tiếng Đức.
Chaplin giải thích rằng điều thú vị nhất trên thế giới là khiến những “kẻ lên mặt” có vai vế trông thật nực cười. Và sẽ rất khó, theo diễn giải của nhà làm phim, để tìm một nhân vật khác có tầm cỡ như Hitler.
Có thể khẳng định rằng Kẻ độc tài kết hợp sự dí dỏm, bi kịch và nhân văn theo cách mà chỉ Chaplin mới có thể làm được.
Trong quá trình làm phim, Chaplin đã gặp phải sự phản kháng đáng kể. Đó là thời điểm Mỹ vẫn chính thức giữ trạng thái hòa bình với Đức Quốc xã, Hollywood vẫn kinh doanh ở Đức và những người Do Thái trong ngành lo ngại về sự trả đũa. Dưới sự chỉ trích từ giới chính trị bảo thủ của Mỹ, Chaplin đã cân nhắc việc hủy bỏ dự án cho đến khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt can thiệp, yêu cầu ông tiến hành trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Phim thành công nhất của Vua hề
Khi ra rạp, Kẻ độc tài được đông đảo khán giả yêu thích và trở thành bộ phim thành công nhất về mặt thương mại của Chaplin. Các nhà phê bình hiện đại cũng ca ngợi đây là một bộ phim có ý nghĩa lịch sử và một tác phẩm châm biếm quan trọng. Tờ New York Times ca ngợi bộ phim hài châm biếm này là “thành tựu thực sự tuyệt vời của một nghệ sĩ thực sự vĩ đại và có lẽ là bộ phim quan trọng nhất từng được sản xuất”.
Năm 1997, phim được Thư viện Quốc hội Mỹ lựa chọn đưa vào Viện Lưu trữ Phim Quốc gia vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hoặc thẩm mỹ”.
Kẻ độc tài được 5 đề cử giải Oscar ở các hạng mục Sản xuất xuất sắc, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, Biên kịch xuất sắc nhất (Kịch bản gốc), Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (cho Jack Oakie) và Nhạc nền hay nhất.
Khi làm bộ phim này, Chaplin muốn xoáy vào vấn đề bạo lực ngày càng leo thang và đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã trong suốt cuối những năm 1930. Tầm quan trọng của vấn đề này đã được những người bạn Do Thái ở châu Âu và các nghệ sĩ đồng nghiệp của Chaplin truyền đạt đến cá nhân ông, cụ thể là về sự đàn áp của Đệ tam Đế chế và khuynh hướng quân phiệt “khét tiếng” vào thời điểm đó. Bộ phim hài To Be or Not To Be (1942) của Ernst Lubitsch cũng đề cập đến các chủ đề tương tự và có nhân vật lấy hình mẫu từ Hitler.
Trong thời kỳ Hitler và Đảng Quốc xã nổi lên, Chaplin nổi tiếng trên toàn thế giới. Chaplin được người hâm mộ vây quanh trong chuyến đi đến Berlin (Đức) năm 1931, điều này khiến Đức Quốc xã khó chịu. Bực tức với phong cách hài của ông, họ đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề The Jews Are Looking at You (Người Do Thái đang nhìn bạn - 1934), mô tả ông là "một diễn viên nhào lộn người Do Thái ghê tởm”. Ivor Montagu, một người bạn thân của Chaplin, kể rằng ông đã gửi cho Vua hề một bản sao của cuốn sách và tin rằng Chaplin quyết định trả đũa bằng cách làm phim Kẻ độc tài.
Tuy nhiên, Chaplin đã thừa nhận trong cuốn tự truyện xuất bản năm 1964 rằng: “Nếu tôi biết về sự khủng khiếp thực sự trong các trại tập trung Đức, tôi đã không thể làm phim”.
Vua hề Charlie Chaplin Charlie Chaplin trở thành một hình tượng toàn cầu thông qua nhân vật Tramp (Kẻ lang thang), thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh. Sự nghiệp của ông kéo dài trên 75 năm, từ tuổi thơ trong kỷ nguyên Victoria (1819-1901) cho đến một năm trước khi qua đời vào năm 1977 ở tuổi 88. Chaplin đã viết, đạo diễn, sản xuất, biên tập, diễn xuất và sáng tác nhạc hầu hết các bộ phim của mình. Chaplin là người cầu toàn và sự độc lập tài chính cho phép ông dành nhiều năm để phát triển và sản xuất một dự án điện ảnh. Đặc trưng trong phim của Chaplin là sự kết hợp giữa hài hước và cảm động, thể hiện sự đấu tranh chống lại sự thù địch bên ngoài. Nhiều phim còn mang yếu tố tự truyện. Năm 1972, Chaplin được trao giải Oscar danh dự với “tác động không thể đo đếm trong việc đưa điện ảnh thành hình thức nghệ thuật của thế kỷ này”. |
Việt Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất