24/02/2018 00:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã đang gây sự chú ý lớn với dư luận. Tuy nhiên, ít người biết, từ hơn 80 năm trước, một cuộc vận động không đốt vàng mã (và đồ mã) cũng đã được Phật giáo phát động tại Việt Nam.
Cụ thể, vào giữa thập niên 1930, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo được Hội Phật giáo Bắc Kỳ (thành lập năm 1934) phát động, việc vận động Phật tử và nhân dân xóa bỏ tục đốt vàng mã, đồ mã cũng đã được đặt lên hàng đầu.
Cần nói thêm, tục đốt vàng mã đã phát triển phổ biến tại Việt Nam từ nhiều năm trước đó. Điều này đã dược ghi chép trong cuốn Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính (xuất bản năm 1915) hoặc bài viết Đồ Mã của học giả Nguyễn Công Tiễu trên tờ Khoa học năm 1932.
Theo đó, học giả Nguyễn Công Tiễu phản ánh: Với quan niệm “trần sao âm vậy”, người ta đã “đốt”, đã “hoá”, đã “gửi” đủ loại đồ mã xuống cõi âm phủ cho người thân, cho tổ tiên, trong đó chủ yếu là những vật dụng trong gia đình mà người thân khi còn sống thường dùng, chẳng hạn như: “... màn lan tiêu, đồ chè chén mẫu, chỗ ăn, chỗ ngồi đủ hết, không sót một thứ gì. Mà làm giống như hệt, làm hàng tháng mới xong, tốn kể bạc nghìn”. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, các vật dụng này "lại có cả súc vật nhà nuôi cho chí thằng nhỏ, con sen nữa...”.
Đánh giá về sự phát triển tràn lan và tác động không tốt của tục đốt vàng mã đối với xã hội Việt Nam đương thời, thực xác đáng khi Nguyễn Công Tiễu cho rằng: “Nghề đồ càng phát đạt bao nhiêu, đồ mã làm càng tinh xảo bao nhiêu, ta càng buồn bấy nhiêu, vì có hại cho ta về nhiều phương diện”.
Theo nhà nghiên cứu, Thạc sĩ Lê Tâm Đắc (Viện nghiên cứu tôn giáo), các nhà cải cách Phật giáo ở Bắc Kỳ đã ý thức được rằng, vàng mã không những "có hại" đối với xã hội mà còn có hại đối với phong trào Chấn hưng Phật giáo. Do đó, vấn đề bãi bỏ hủ tục đốt vàng mã, một hành vi được coi là mê tín dị đoan, đã được đặt ra như một trọng tâm.
Để phục vụ cho chủ trương khuyến khích giới xuất gia tu hành, Phật tử và nhân dân nên từ bỏ vàng mã, các nhà cải cách Phật giáo ở Bắc Kỳ đã khảo cứu và cho đăng nhiều bài viết liên tục trên tờ Đuốc Tuệ (ra đời vào cuối năm 1935) về nguồn gốc của vàng mã, cũng như trong các bài thuyết giảng và một số hoạt động cụ thể khác.
Điển hình, trong bài báo Vàng mã nên bỏ hay nên để? đăng trên Đuốc Tuệ, số 188-189 năm 1942, Phạm Văn Phụng đã khẳng định: "Việc Chấn hưng thì không gì bằng bài trừ những tập tục mê tín dị đoan nó đã làm đổ nát nền Phật giáo xứ ta. Ví bằng ta không tìm cách cấm giới những tục dị đoan ấy đi thì ta không thể thực hành được công việc Chấn hưng."
Đặc biệt, trong các bài báo này, bài Bàn về đồ mã (Những điều thiệt hại cho nước Việt, cho người dân Việt khi đốt vàng mã) trên báo Đuốc Tuệ có đoạn viết:
"Các nhà thợ mã ấy đã không làm được các vật thật dụng tinh xảo của đời thực tế này để giúp thêm kiến thức về tinh thần, đỡ vớt đói khát về vật chất cho đồng bào thì chớ, mà lại cứ duy trì mãi cái thói hủ tục nhảm nhí, làm những đồ giả dối khiến cho tàn rụi tinh thần, hư hỏng vật chất của giống nòi Việt Nam như vậy, có thiệt hại không?
Vả lại, hàng năm cả tàu nọ, tàu kia chở đầy giấy tiền bạc đem bán cho nước ta; rồi chở đầy nhóc lúa gạo về nước người, mặc dù đổi chác với nhau, kêu bằng tiền trao cháo múc, nhưng xét kỹ ra thì đổi chác một cách quá ư khờ dại, vì thứ nuôi sống đặng thì về người, thứ không ăn được thì về mình, vậy có thiệt hại không?
Về phần người mua đồ mã: Các nhà giàu có, không chịu suy cùng xét cạn, bàn phải luận đúng, chỉ vì cái quan niệm sanh ly tử biệt, chỉ theo cái tập quán xưa bày nay làm, thành thử trong gia sản có những vật dụng gì thì đặt làm đồ mã cho đủ những vật dụng ấy, ước chừng tốn phí có bạc trăm, tiền nghìn chớ chẳng ít. Còn mấy nhà nghèo, cũng chỉ vì cái quan niệm, lối tập quán đó thì đặt làm vài cái lầu kho, đôi ba bộ quần áo, ít ra cũng tốn năm, sáu đồng bạc, mà sau khi đốt rồi, không thấy vong giả về đem đi một món nào cả, thì đã chẳng giúp ích chi cho người vong, lại tổn hại cho người sống, vậy có thiệt hại không?
Phải chi để số tiền lãng phí đó mua bánh trái cùng những đồ thật dụng, trước đã cúng được, sau lại ăn được; hoặc mua thứ chi có thể còn sanh lợi ra được mãi, như mua cây trái, ruộng đất để thường năm có trái, huê lợi, cúng đặng nhiều năm, chẳng là có ích, cái này lại mua đồ vô dụng, thành ra đem số tiền ấy bỏ vào lửa, liệng xuống sông, vậy có thiệt hại không?".
Theo các nghiên cứu, sáng kiến bãi bỏ vàng mã khi ấy đã nhận được sự đồng tình và sự cộng tác nhiệt thành của nhiều thành phần, từ các nhà tu hành, các cư sĩ tại gia, cho đến các Phật tử, quần chúng và thậm chí là một số quan lại của triều đình nhà Nguyễn khi đó.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đặc biệt là việc tục đốt vàng mã, đồ mã "bén rễ" khá chặt trong đời sống, nên cuộc vận động này cũng chỉ dừng lại ở đó.
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất