23/12/2020 20:30 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Năm 2020 đang dần khép lại. Tuy nhiên, năm 2020 đã qua đi để lại cho cả thế giới những “vết thương” chưa lành. Thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, xung đột, bạo động bao trùm nhiều nhiều nơi và biến 2020 trở thành một năm không thể nào quên trong những trang sử thế giới sau này. Đặc biệt, cú sốc mang tên COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống và khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo.
* Những con số "biết nói"
Nếu như đầu năm 2020, giới chuyên gia đã từng lạc quan đưa ra dự báo về những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng kinh tế thế giới như sự thịnh vượng toàn cầu tăng lên, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống… thì đại dịch COVID-19 đã trở thành một cú sốc với sức tàn phá ghê gớm giáng vào nền kinh tế thế giới năm 2020.
Đại dịch COVID-19 xuất hiện ngay đầu năm 2020 đã trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo là nhiều thành quả gây dựng trong nhiều năm qua đã bị tiêu tan.
Theo các chuyên gia nhận định, khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra phần lớn là do sự suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ. Sự suy giảm này thể hiện rõ ở một số ngành và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề, như vận tải và du lịch. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhiều nước đã hạn chế sự lưu thông trong nước cũng như mở cửa biên giới theo đường hàng không. Sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng này khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều hãng hàng không phải sa thải nhân công để cắt giảm chi phí. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất cùa ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm ước tính giảm 66% so với năm ngoái, khiến doanh thu giảm hơn 60%. Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm nay sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD, tệ hơn nhiều so với dự báo lỗ trên 84 tỷ USD đưa ra tháng 6/2020.
Ngoài hàng không, các ngành công nghiệp khác cũng chịu sự tác động tương tự, như sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ và sản xuất ô tô. Do các công ty phải cắt giảm nhân sự để bù đắp cho khoản doanh thu bị sụt giảm nên sẽ tạo ra một vòng xoáy suy giảm kinh tế, khi những người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có khả năng tài chính để duy trì cuộc sống, thậm chí có khả năng rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Ví dụ trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên do các cửa hàng phải đóng cửa, chuyển sang bán hàng trên mạng. Đây là một nguyên nhân khiến các nhà kinh tế từng dự báo dịch bệnh COVID-19 có thể dẫn suy thoái toàn cầu đến quy mô “Đại suy thoái”.
Trong khi đó, đối với những nước mà du lịch là một nguồn thu nhập then chốt, sự suy giảm của nhu cầu dịch vụ đã ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Điều đáng nói là trong những tháng tiếp theo sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp nhỏ khi các chương trình hỗ trợ của các chính phủ có thể chấm dứt. Tỷ lệ phá sản có thể tăng lên gấp 3 lần, lên đến 12% trong năm 2020 từ mức trung bình 4% của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới trước đại dịch COVID-19.
Nhìn tổng thể, nhiều định chế tài chính đã ước tính, 12.000 tỷ USD là mức thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu nếu GDP giảm từ 4,4-4,9% trong năm nay. Còn nếu rơi vào suy thoái lâu dài, con số này có thể lên 82.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Dù chưa phải là tính toán cuối cùng nhưng đây vẫn là mức tổn thất lớn chưa từng có đối với kinh tế toàn cầu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. Còn thực tế, chưa một con số nào đong đếm được chính xác tác động khi mà khoảng 35% số doanh nghiệp toàn cầu bên bờ vực phá sản và hàng trăm triệu người mất việc do COVID-19.
Thương mại toàn cầu đình trệ, làn sóng doanh nghiệp phá sản lan khắp thế giới, dẫn tới tình trạng thất nghiệp tăng vọt. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu (khoảng 3,3 tỷ người) chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Trong quý II/2020, số giờ làm việc trên thế giới đã giảm 6,7%, tương đương 195 triệu người lao động làm việc toàn thời gian. Lao động giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm mạnh, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, kích hoạt làn sóng vỡ nợ trên phạm vi toàn cầu do nợ vay tiêu dùng quá hạn thanh toán tăng vọt tại một số nước khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Trước cú sốc mang tên COVID-19, năm 2020 đã ghi nhận lần đầu tiên hàng chục nền kinh tế trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia… Danh sách này chắc chắn chưa dừng lại. Để đối phó với tác động xấu do COVID-19, các nước đã đồng loạt tung ra các gói kích thích cùng nhiều biện pháp tiền tệ và cho vay khẩn cấp để giải cứu nền kinh tế. Tổng trị giá các gói hỗ trợ của Mỹ hay Nhật Bản thậm chí lên tới 20% GDP. Không thể phủ nhận tác dụng của những gói kích thích từ chính phủ trên đã phần nào nâng thể trạng của nền kinh tế toàn cầu, tăng sức chống chịu và kiểm soát tình trạng thất nghiệp ngay trong quý II/2020. Tuy nhiên, cũng có một thực tế là việc tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế mà không tính hết những tác dụng phụ, lại đang đẩy nhiều nước vào tình thế khó khăn mới. Xu hướng nới lỏng tài chính tiền tệ thông qua các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD này cùng với chính sách cắt giảm lãi suất đã khiến nợ công và thâm hụt ngân sách của các quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng.
*Năm 2021 - Le lói những tia hy vọng
Vào tháng cuối năm 2020, một số nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả nền kinh tế Mỹ, đang xuất hiện những tín hiệu cho thấy sự phục hồi. Những tín hiệu này được xem là “điểm sáng hy vọng” trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang u ám bởi tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng đã xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tại Australia, doanh số bán hàng trực tuyến của Australia trong tháng 11 đã tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng cao hơn 17% so với tháng 10/2020, đạt mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Còn tại New Zealand, kinh tế trong quý III/2020 đã đạt tăng trưởng kỷ lục 14% so với quý II. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của New Zealand đã tăng 0,4%.
Tín hiệu phục hồi cũng đã xuất hiện rõ nét hơn tại một số nền kinh tế Ðông Nam Á. Tại Singapore, thị trường lao động đã khả quan hơn trong quý III/2020 khi số việc làm của công dân Singapore và người nước ngoài có tư cách lưu trú dài hạn đã tăng 43,2 nghìn lên 2,34 triệu việc làm, chỉ thấp hơn 0,4% so với 2,35 triệu việc làm của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tổng thể được điều chỉnh của Singapore trong tháng 9 tăng lên 3,6%, nhưng tốc độ này chậm hơn so với những tháng trước đó. Các nền kinh tế Indonesia, Thái Lan cũng cho thấy tín hiệu khả quan sau một thời kỳ suy giảm nghiêm trọng. Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề Kinh tế Indonesia cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV/2020 dự báo có thể dao động trong phạm vi từ -2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý III/2020. Giới phân tích cho rằng, kinh tế Indonesia đã bắt đầu phục hồi, sau khi chạm đáy. Còn tại Thái Lan, sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 6,5% trong quý III/2020.
Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ, bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám. Kinh tế Anh dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý II/2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi. Nền kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Sau khi Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với những dự báo đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng được điều chỉnh giảm xuống 5% vào năm 2021 và 4,2% trong năm 2022, cải thiện so với các mức dự báo trước đó. Hiện Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD. Gói hỗ trợ kinh tế 900 tỷ USD được nhận định là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp và người thất nghiệp, đồng thời sẽ là “liều thuốc tăng lực” để đưa nền kinh tế Mỹ trở về quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021.
Những tín hiệu tích cực nêu trên đang thắp lên hy vọng về việc kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan hơn trong năm 2021, đồng thời củng cố nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đầu tháng 12 vừa qua rằng, nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào cuối năm sau.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng hy vọng ở châu Á-Thái Bình Dương, nghiên cứu của Oxford Economics cho thấy nhiều khu vực khác như Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh là những khu vực có triển vọng hồi phục kém nhất. Bắc Mỹ là khu vực chịu ít tổn thương nhất với sự sụt giảm GDP trong năm 2020 được cho là thấp, bên cạnh đó còn nhờ có các gói kích thích tài khóa mạnh mẽ.
Ngoài ra, các nước châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ hồi phục nhanh nhất. Tuy nhiên sự phục hồi giữa các nước châu Âu cũng có sự chênh lệch đáng kể. Trong khi Pháp được xếp hạng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trong dài hạn vì tốc độ sụt giảm GDP lớn và sự mất niềm tin của người tiêu dùng, thì Đức lại được đánh giá cao trên cả hai phương diện này…
Nhìn chung, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây hậu quả tiêu cực đối với các nước và đang góp phần định hình lại hoạt động của các ngành kinh tế trên cấp độ toàn cầu. COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với kinh tế thế giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài và không nước nào có thể tự giải quyết. Tất cả các nước cần chung sức mới có thể vượt qua được khó khăn và khủng hoảng hiện nay.
An Ngọc (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất