17/06/2017 21:26 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Viện Kiến trúc Quốc gia vừa tổ chức hội thảo khoa học “Hạn chế xe máy tại các đô thị lớn, bài toán quy hoạch & quản lý”.
Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã tập trung thảo luận xoay quanh những nhóm vấn đề liên quan đến nguyên nhân hoặc biện pháp giải quyết tình trạng quá tải phương tiện giao thông cá nhân: thực trạng gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng, giải pháp cho giao thông công cộng tại các đô thị,…
"Giải cứu" giao thông công cộng
Trả lời Thể thao & Văn hóa tại buổi hội thảo, PGS.TS Phạm Thuý Loan- Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cho rằng, tại các thành phố lớn như Hà Nội và tp HCM chúng ta đã có những bản quy hoạch trong đó xác định một số thể loại giao thông công cộng như các tuyến đường sắt đô thị và xe buýt nhanh, đã được đưa vào thực tế.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nước phát triển như Nhật Bản, khi mới chỉ đưa vào vận hành 1-2 tuyến thì sức hút và hiệu quả chắc chắn chưa cao mà phải đợi ít nhất là 5-10 năm để các mô hình này cho thấy sự thích nghi và tác động thực sự của nó.
Bà Loan cũng đã đưa ra mô hình phát triển giao thông công cộng kết hợp với quy hoạch sử dụng đất TOD (Transit Oriented Development). Bản chất của mô hình này là việc xây dựng các ga công cộng dọc theo những tuyến đừng, đồng thời quy hoạch đất đai đô thị tập trung quanh những ga đó, tạo mô hình phát triển nén chặt.
Phương án này sẽ góp phần giảm ách tắc, giảm lưu lượng phương tiện cá nhân, tiết kiệm quỹ đất tự nhiên, thúc đẩy lối sống thân thiện với môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt có thể kêu gọi các nhà đầu tư để giảm gánh nặng ngân sách qua các dự án BĐS dọc theo ga. Mô hình này đã được chứng minh tại một số nước châu Á trong đó có thành phố Tokyo Nhật Bản
Đồng quan điểm với bà Loan, TS Jen Jeung Eun, chuyên gia hạ tầng đô thị từ World Bank dựa trên kinh nghiệm phát triển giao thông công cộng tại các quốc gia trên thế giới cũng đưa ra những điểm mấu chốt để phát triển giao thông công cộng, trong đó có việc tích hợp phát triển các đô thị với xây dựng hệ thống giao thông, điển hình tại London, New York và Hong Kong.
Thứ 2 là việc đầu tư vào cơ sở dữ liệu và công nghệ để kết nối với người dân, lấy ví dụ từ chính Hàn Quốc đã kịp thời bổ sung 7 tuyến với 50 xe buýt phục vụ cho 42% lượng người có nhu cầu đi lại vào ban đêm nhờ việc thu thập dữ liệu của chính phủ.
Đặc biệt, TS Jen Jeung Eun nhấn mạnh vào việc thúc đẩy giao thông “chủ động”, tức là đẩy mạnh việc di chuyển bằng đi bộ hoặc xe đạp, muốn vậy cơ sở hạ tầng phải được đáp ứng. Bà đưa ra thực trạng hiện nay vỉa hè của Việt Nam bị lấn chiếm nhiều cũng là nguyên nhân hạn chế người dân đi bộ.
Cấm xe máy liệu đã khả thi?
Theo tham luận của KTS Nguyễn Tuấn Minh thuộc Viện kiến trúc quốc gia, hiện các thành phố lớn (Hà Nội & TP HCM) xe cá nhân chiếm hơn 90%, trong khi vận tải công cộng, xe đạp và đi bộ không tới 10%.
TP.HCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân. Trong khi đó quỹ mặt đường hiện nay của TP HCM đạt khoảng 26 triệu m2, không đủ khả năng chứa 70 - 80% lượng xe máy hoạt động.
Nguyên nhân của thực trạng này theo ông Minh là do việc quy hoạch, xây dựng đô thị, quản lý giao thông và do thói quen sinh hoạt của người dân.
Để giải quyết tình trạng trên, trong thời gian qua TP HCM đã nghiên cứu thực hiện đề án Hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng. Hà Nội lấy ý kiến Dự thảo Quy định quản lý phương tiện giao thông, cũng đưa ra các biện pháp để hạn chế phương tiện cá nhân đặc biệt là xe máy.
Theo nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo, để xử lý vấn đề giao thông cho các thành phố lớn thì thực sự phải là bài toán tích hợp của rất nhiều các công cụ, biện pháp, chính sách, cơ chế.
Việc giải quyết vấn đề ách tắc bằng hạn chế các phương tiện cá nhân là cần thiết, nhưng cũng cần một thời điểm phù hợp khi mà người dân đã có những lựa chọn về giao thông đi lại khác, đặc biệt là giao thông công cộng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, "cấm tiết" xe máy vào thời điểm này là phương án không khả thi.
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất