Dương Trương Thiên Lý: "Nhan sắc đi kèm với trí tuệ thì mới bền lâu"

16/10/2008 09:02 GMT+7 | Văn hoá

Sở hữu gương mặt sang trọng pha nét hồn nhiên của thiếu nữ 19, Thiên Lý là một trong những thí sinh được các chuyên gia đánh giá cao. Và cô đã đi tới chặng cuối cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2008, lọt vào top 5 rồi đoạt danh hiệu Á hậu 2 và Hoa hậu Ảnh với… nhiều tiếc nuối của giới báo chí cũng như khán giả.
 
>> Á hậu Dương Trương Thiên Lý làm… cô giáo?
>> Hoàng Yến - Thiên Lý chưa được chọn đi thi quốc tế
>> Á hậu Thiên Lý không thích trai "ngoại"

“Gặt hái” thành công

Thiên Lý là út trong nhà, 10 năm học tại Việt Nam thì có 9 năm là học sinh giỏi, chỉ năm lớp 10 học chương trình cải cách (chương trình lớp 12 đưa xuống “thử nghiệm” ở lớp 10) nên cô chỉ đạt học sinh khá. Hết năm lớp 10, Lý sang Mỹ du học và là người Việt duy nhất sống nội trú trong trường Trung học Athenian, Bắc Califonia. Lý vừa hoàn thành năm thứ nhất ngành Truyền thông, trường ĐH Saint Mary’s College University(Mỹ). Năm nào được nghỉ hè cô cũng về Việt Nam đủ 3 tháng để học các kỹ năng mềm tại trường đào tạo nhân cách (Q.7) như: nhận thức bản thân, phong cách tự tin, nghệ thuật nói trước công chúng, dẫn chương trình…; về quê thăm họ hàng, đi chơi cùng bạn bè... Và hè 2008, cô đã có một cuộc “dạo chơi” vô cùng thú vị: tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.

* Thường những người đẹp được giải hay nói: tôi đến cuộc thi này là do tình cờ, do bạn bè đăng ký cho, chứ không có chủ đích. Tại sao người ta không tự tin mà nói rằng: tôi cảm thấy mình có cơ hội nếu tham gia cuộc thi này, và tôi muốn giành giải cao nhất. Mỗi người có cách khẳng định mình khác nhau, không có gì phải ngại ngần cả. Với Lý, tình huống thật là thế nào? Lý có suy nghĩ rằng: nếu mình đạt giải mình sẽ nổi tiếng, có nhiều cơ hội cho tương lai hơn; hay chỉ coi đây là một “cuộc chơi” và mình “may mắn” trong cuộc chơi ấy?

Thực ra, trước đây Lý cũng từng có suy nghĩ như vậy, cũng không tin khi các người đẹp nói “tình cờ” tham gia mà đoạt giải cao. Nhưng đến khi tham gia cuộc thi này, Lý thấy điều đó là có thật. Có nhiều người nghe bạn rủ mới đi thi. Ở nước ngoài, người ta rất tự tin khi tham dự những cuộc thi sắc đẹp. Việt Nam mình vẫn còn thiếu điều đó. Có nhiều người Lý biết họ rất đẹp, và họ cũng thông minh, cũng tự tin vào cả sắc đẹp lẫn trí tuệ của mình, nhưng họ không đi thi, không phải vì họ không muốn khẳng định mình, mà vì… như chị biết đấy, nhiều cuộc thi sắc đẹp gần đây thường có “tiếng tăm”, có vài cái không tốt, vô tình làm cho hình ảnh các cuộc thi sắc đẹp bị méo mó đi, và họ ái ngại… Hy vọng là những lần sau sẽ ngày một tốt hơn, rút đi những kinh nghiệm không đáng có.

Hè năm nay, Lý về Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc thi Tìm kiếm người mẫu tài năng của Hiệp hội người mẫu và tài năng quốc tế. Cuộc thi này là sự kiện do Hội liên hiệp các Trung tâm đào tạo người mẫu và tài năng quốc tế (viết tắt là IMTA) tổ chức, diễn ra hàng năm tại New York, Mỹ. Đây là cuộc thi lớn chỉ dành cho tất cả học viên của các trường về đào tạo diễn viên, người mẫu là thành viên của tổ chức này trên khắp thế giới, những thí sinh ngoài diện này không được quyền tham gia. Và Trường đào tạo nhân cách John Robert Powers (JPR) là đơn vị đại diện cho Thiên Lý tham dự cuộc thi. Tình cờ dịp này trùng với thời điểm diễn ra cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nên Lý đã đăng ký tham dự luôn và rất bất ngờ khi giành được ngôi vị Á hậu 2.

Sau đó, theo kế hoạch, Thiên Lý lên đường sang Mỹ tham dự cuộc thi Tìm kiếm người mẫu tài năng tổ chức tại thành phố New York từ ngày 18/7 đến 30/7. Trải qua 3 ngày thi liên tục từ sáng tới tối trong không khí sôi động, náo nhiệt tại khách sạn Hilton ở New York (Mỹ), Dương Trương Thiên Lý đã xuất sắc giành được 4 chiến thắng quan trọng: giải 3 thi trình diễn trang phục tự chọn, lọt vào top 15 người mẫu được bình chọn có hình thể đẹp nhất trong năm, nhận 2 huy chương danh dự trong phần thi áo tắm và thi make up.

* Với những danh hiệu đó, bây giờ Lý phải luôn xuất hiện thật xinh đẹp trong mắt mọi người. Trong ngày, Lý dành bao nhiêu thời gian để làm đẹp? Đắp mặt nạ, spa…?

Lý thì ít “chăm sóc sắc đẹp”, và lại càng ít “đắp mặt nạ”. Chủ yếu là ngủ điều độ, ăn nhiều trái cây, uống nhiều nước. Thời gian này Lý cũng ở nhà nhiều để… dưỡng da. Makeup nhiều da cũng xấu đi, da Lý khá nhạy cảm. Bí quyết của Lý là ngày ngủ đủ 8 tiếng, ít hơn hay nhiều hơn đều không tốt cho sức khỏe. Đồng thời, ăn nhiều hoa quả và rau xanh. Mỗi ngày Lý dành ít nhất khoảng 1 giờ đồng hồ vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối cho môn thể thao chạy bộ.


Thiên Lý không “mất gốc”

* Năm lớp 11 Lý mới bắt đầu sang Mỹ học, nhiều người nói Lý “mất gốc” khi trở về Việt Nam nói giọng “lo lớ”, Lý giải thích thế nào, vì thực ra ở tuổi 16 người ta có thể thay đổi tích cách, bề ngoài, chứ không thể thay đổi giọng nói?

Nếu ai mà biết Lý thì chắc sẽ không nói mất gốc đâu, có khi còn rất Việt Nam nữa đó chứ, chỉ tại cái tật nói chuyện không được suôn sẻ lắm cho nên nhiều người hiểu lầm thôi. Giọng nói của Lý trước khi đi học đã như thế rồi, Lý gọi nó là cái tật, cũng giống như người ta nói chữ “tr” thành “ch” hay “s” thành “x” thôi. Mà đã gọi là tật thì có thể sửa được.

* Du học Mỹ từ khi còn nhỏ, lối sống Mỹ có ảnh hưởng gì đến Lý?

Lý không ảnh hưởng nhiều lối sống Mỹ. Lý thích nghe nhạc Trịnh với ba. Khi còn ở Việt Nam, Lý là con gái út nên ba mẹ rất ít khi cho ra ngoài đường chơi với bạn. Thường thì các bạn đến chơi nhà. Ở gần gia đình như thế nên thời gian đầu đặt chân đến Mỹ, Lý bị choáng ngợp bởi sự tự do quá đỗi mạnh mẽ nơi đây và cảm giác như mình bị lạc vào trong đó. Nhưng mỗi dịp hè về với gia đình, Lý thường ngồi tổng hợp lại, suy nghĩ và cảm thấy yêu thích nếp sống, văn hóa của quê hương mình hơn. Nét đẹp truyền thống dân tộc ngày càng trở nên có giá trị trong Lý, bởi em nhận ra, tự do thì tự do, nhưng đạo đức vẫn là trên hết. Tuy nhiên, cuộc sống ở Mỹ có nhiều ưu điểm, đề cao phẩm chất cá nhân, phát huy nội lực và việc tự lập giúp bạn luôn biết quyết định đúng lúc.

Lý từng nói sẽ tiếp tục học thạc sỹ rồi mới dừng lại. Nhưng danh hiệu Á hậu có “níu” em tạm thời dừng chuyện học, để “củng cố” ngôi vị, khẳng định mình trong thế giới người đẹp, rồi sau đó mới học tiếp? Em sẽ lại chọn Mỹ để học Thạc sỹ?

Lý nghĩ thời gian Lý ở đây cũng là “khóa học ngoại khóa” cho mình, bởi vì những gì mình đã trải qua từ khi thi Hoa hậu đến bây giờ đều không có trong sách vở nhà trường. Cuộc sống thực tại vẫn cần bằng cấp để khẳng định vị trí của mình nhưng việc học vị vẫn có thể học cả đời, mà tuổi thanh xuân thì không kéo dài nên Lý mong muốn được tận dụng cơ hội khi còn có thể tham gia các hoạt động nghệ thuật này để thể hiện mình nhiều hơn, đồng thời cũng là “thỏa chí tang bồng” của một cô gái 19 tuổi. Tạm thời gia đình đã giúp Lý thủ tục xin bảo lưu một học kỳ, để Lý thực hiện một số hoạt động. Như vậy là đủ, Lý sẽ không nghỉ thêm lâu đâu, và chắc chắn Lý phải quay lại Mỹ để học tiếp. Nhan sắc đi kèm với trí tuệ thì mới bền lâu (cười). Còn việc học Thạc sỹ thì có thể lắm, vì đó là “con đường” của cả anh và chị Lý nữa.

*  Nếu chỉ được chọn 1, Lý sẽ chọn sống tại Mỹ hay Việt Nam, tại sao?

Đương nhiên là Việt Nam rồi. Lý được ba mẹ cho đi du học ở Mỹ là một điều may mắn, nhưng đây là quê hương của mình, gia đình, bạn bè, cả tuổi thơ đẹp đẽ đều ở đây thì làm sao mình có thể chọn gửi gắm cả cuộc đời còn lại tại một nơi khác khi mà mình có điều kiện để phát triển ở quê nhà.

Thiên Lý muốn làm đại sứ môi trường

* Vừa rồi có những thông tin không hay về những ngôi vị nhất nhì, Lý có nghĩ “đáng lẽ mình phải là Hoa hậu”?

Không phải mình Lý nghĩ vậy mà chắc nhiều người đi thi cùng có suy nghĩ như vậy. Trên ti vi, lúc nói tên mình là Á hậu 2, thiệt tình là có 1 tích tắc mặt Lý cũng hơi xụ xuống. Bây giờ nghĩ lại, Hoa hậu hay Á hậu cũng là danh hiệu thôi, quan trọng là sau đó Lý xây dựng hình ảnh của mình thế nào. Lý đã có một khởi đầu để mọi người nhớ đến cái tên Dương Trương Thiên Lý, và Lý sẽ phấn đấu, sẽ “tận dụng” danh hiệu mình có để làm công tác xã hội, và thực hiện nhiều “sứ mệnh” khác. Lúc này, tiếng nói của Lý chắc chắn là có trọng lượng hơn cô bé Thiên Lý trước đó rồi. Cô và mẹ Lý nói: trước đó mình không là ai thì mình nói chỉ có 1-2 người nghe thôi, còn bây giờ mình nói có thể được cả xã hội nghe, 10 người, 100 người, quan trọng là mình nói có lý. Cái này cũng có thể nói như “học tài thi phận”, có ai nói trước được không. Quan trọng là mình sử dụng danh hiệu đó như thế nào.

* Lý nghĩ như thế nào về việc yêu cầu cho các cuộc thi người đẹp gần đây luôn luôn có kèm phần “làm từ thiện”?

Những cuộc thi sắc đẹp luôn đi kèm với hoạt động đã tồn tại từ lâu chứ không phải là gần đây đâu. Con người thì luôn hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, các cuộc thi sắc đẹp rõ ràng là đại diện cho cái “Mỹ” thì ắt cái “Chân” và cái “Thiện” phải đi kèm theo là đúng mà thôi.


* Nói ra thì có vẻ… đề cao lý tưởng quá, nhưng thực sự mình cũng phải nghĩ tới, Lý có ý định làm gì “cống hiến” cho xã hội chứ? Ví dụ Mai Phương Thúy chọn cách làm từ thiện, Hoa hậu Bùi Bích Phương và Nguyễn Diệu Hoa thì kinh doanh … mỗi người một cách riêng…

Từ Mỹ trở về, Lý thấy vấn đề bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên và du lịch ở Việt Nam còn chưa ổn. Việt Nam mình có tiềm năng rất lớn về thiên nhiên, cảnh quan. Có một lần Lý đi Trung Quốc, vào buổi tối Lý ra bến Thượng Hải ngắm cảnh, thấy thành phố có một lớp sương mù bao phủ, mà trời thì rất nóng… như thế có nghĩa đó không phải là sương mù mà là lớp khói bụi. Lý mong muốn Việt Nam sẽ là một điểm hẹn du lịch. Những cuộc thi sắc đẹp cũng là một cách để quảng bá. Bây giờ kêu Lý làm cái gì đó lớn lao thì Lý chưa tới mức đó, kiến thức cũng như lực; nhưng Lý sẽ cố gắng. Với đà phát triển như hiện nay, cần ý thức vận động mọi người có biện pháp để phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên và làm giảm đi sự ô nhiễm môi trường. Lý sẽ thực hiện một dự án cho môi trường. Giờ đây Lý đã là “người nổi tiếng” (cười), tiếng nói của Lý đã có giá trị hơn. Lý muốn làm “Đại sứ về môi trường”.

Vừa rồi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới diễn ra tại Việt Nam, nhiều tờ báo nước ngoài có viết giới thiệu về Việt Nam, đó cũng là cách quảng bá. Khi Lý học bên Mỹ, Lý cảm nhận những người xa xứ mà có “tri thức” thì tinh thần dân tộc sẽ rất mạnh mẽ. Có người hỏi Lý: “Việt Nam mày còn chiến tranh không, còn nghèo không?…” Lúc đó Lý bật cười: Không, đến Việt Nam đi, Việt Nam giờ phát triển rồi. Thực ra, người trên thế giới họ cũng thích món ăn của VN, vì món ăn của VN dễ ăn. Như vậy mình phải hiểu biết về nước mình để giới thiệu, để mọi người trên thế giới có một cái nhìn “đẹp” và mới mẻ hơn về Việt Nam.

* Thường những người đẹp đã khẳng định mình bên nghệ thuật thì sẽ kinh doanh, Lý có như thế?

Lý vẫn chưa quyết định về việc đó, cũng còn hơi quá sớm. Nhưng chắc chắn kinh doanh vẫn là con đường lâu dài cho tương lai sau này. Nghệ thuật chỉ là nghề tay trái thôi chứ không phải là “chính”.

Tình yêu sẽ chỉ tồn tại “ngắn hạn” nếu không có sự thông hiểu

* Nếu các chàng trai đến bên Lý chỉ vì Lý xinh đẹp mà không quan tâm đến tính cách, tâm hồn; họ chấp nhận vô điều kiện, chỉ cần được ở bên mình, Lý nghĩ sao?

Ái chà, cái này thì khó xử thật đấy. Nếu là một chàng trai đến thì Lý có thể xử trí chứ “các chàng trai”, nghĩa là số nhiều - thì chắc là Lý phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân thôi. Nói đùa chứ, đối với Lý tình yêu phải bắt đầu từ tình bạn. Hình thức bên ngoài có thu hút nhưng cũng chỉ tồn tại “ngắn hạn” nếu không có sự thông hiểu. Tình yêu là vô điều kiện nhưng vô điều kiện không có nghĩa là mù quáng.

* Lý có thích “nữ công gia chánh”?

Cái gì Lý làm cũng được, thêu thùa may vá, nấu cơm (luộc toàn bộ các thứ), giặt đồ, lau nhà…chỉ có không nấu đồ ăn cầu kỳ được. Vì dì Lý nấu ăn quá ngon, sợ làm không được như vậy (cười). Trước Lý có học organ, ghita; rồi đi học suốt ngày nên chẳng có thời gian nữa. Hồi nhỏ bà nội lên nhà chơi, hai bà cháu hay may đồ búp bê, nên Lý cũng biết thêu thùa một chút.

* Ngày nghỉ Lý thường làm gì?Lý thích đi shopping chứ?

Có khi đi chơi cùng gia đình, không thì đi chơi với vài người bạn. Lý cũng ít bạn vì bắt đầu “tuổi chơi” thì đã sang Mỹ học rồi. Lý không thích đi sopping chút nào, tốn tiền, mất thời gian, mà đi chỗ đông người còn nhức đầu nữa, Lý thích ở nhà “trốn nắng” hơn (cười). Chỉ khi nào cần mua cái gì thì Lý mới đi mua, có khi mẹ và chị đi mua cho Lý. Lý mặc đồ kiểu gì cũng được, nên không cầu kỳ chuyện quần áo.

* Một câu hỏi cuối cùng, Thiên Lý rất “ăn ảnh”, nhưng chụp nhiều cũng sẽ nhàm chán; nếu có nhiếp ảnh gia đề nghị chụp ảnh “nuy” cho mới mẻ, cho “phong cách”, Lý nghĩ sao?

Ảnh khỏa thân cũng là bức ảnh nghệ thuật, có dịp Lý đã được xem một vài bức ảnh khỏa thân nghệ thuật, quả thật, có những bức hình làm cho mình phải “há hốc miệng” vì quá đẹp. Tuy nhiên không vì thế mà sử dụng việc chụp ảnh “nuy” để tạo ra “phong cách mới” là điều Lý sẽ chọn để làm, có nhiều cách khác tốt hơn!

* Cô bé Dương Trương Thiên Lý mới chỉ “chạm ngưỡng” lứa tuổi 20, Lý còn cả một con đường phía trước, con đường rải đầy hoa hồng sau những danh hiệu mà Lý gặt hái được. Chúc cho Lý mãi trẻ trung, xinh đẹp như thế, và thật sớm chinh phục ước mơ của mình!

Theo Trần Nguyễn
(Bài và ảnh: CNMS)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm