06/08/2015 05:22 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày hôm nay (6/8), Nhật Bản sẽ kỷ niệm 70 năm ngày diễn ra vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới, khi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima. Với những người sống sót, cơn ác mộng hình thành trong cái ngày khủng khiếp đó chưa bao giờ buông tha họ.
Sunao Tsuboi từ từ lôi ra một bức ảnh đen trắn, chỉ vào một chàng trai trẻ với cái đầu cạo trọc, đang xoay lưng với máy ảnh. “Tôi đó" - ông nói - "Khi ấy chúng tôi đã hy vọng sẽ được ai đó chữa trị. Rốt cục chẳng có hoạt động điều trị nào cả, cũng chẳng có nước và thực phẩm. Tôi đã tưởng đời mình thế là tàn rồi.”
Những ký ức khó phai mờ
Địa điểm bức ảnh được ghi hình là cầu Miyuki ở Hiroshima. Thời điểm chụp là 3 giờ sau vụ nổ của Enola Gay, một quả bom nguyên tử với sức công phá 15 kiloton mà một chiếc máy bay B-29 của Mỹ ném xuống thành phố Nhật Bản này, trong buổi sáng ngày 6/8/1945.
Đã có từ 60.000 tới 80.000 người chết ngay khi bom nổ. Trong những tháng tiếp theo, con số nạn nhân thiệt mạng tăng lên khoảng 140.000 người.
Trong bức ảnh, thuộc về một nhóm ít ỏi các bức hình còn tồn tại sau khi được chụp tại Hiroshima vào ngày định mệnh đó, Tsuboi đang ngồi bên vệ đường cùng vài người khác. Tất cả đang hướng mắt nhìn quanh, vào các ngôi nhà đổ nát, cháy đen xung quanh họ.
Ở một bên của bức ảnh, các viên cảnh sát đang trút dầu ăn lên người những em học sinh, để làm dịu cơn đau hình thành từ nhiều vết bỏng nặng nề trên cơ thể.
Khi Nhật Bản chuẩn bị kỷ niệm 70 năm vụ ném bom Hiroshima, Tsuboi và hàng chục ngàn hibakusha (người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử) khác lại một lần nữa phải đối mặt với những trải nghiệm khó quên của quá khứ.
Dù mỗi người có một câu chuyện khác nhau trong ngày định mệnh, điểm chung của họ đều là sự choáng váng trước quy mô của sự phá hủy do quả bom gây ra.
Tsuboi nhớ rằng ông đã nghe thấy tiếng nổ rất lớn, rồi bị hất lên trời, bắn ra xa tới 10 mét. Khi tỉnh lại, ông thấy phần lớn cơ thể đã bị bỏng. Quần áo ông rách toạc vì lực nổ mạnh khủng khiếp.
"Tay tôi bị bỏng nặng và dường như có thứ gì đó đang nhỏ xuống từ các đầu ngón tay tôi" - ông kể - "Lưng tôi đau khủng khiếp, nhưng tôi chẳng biết điều gì đã xảy ra. Tôi chỉ đoán rằng mình đã ở gần một quả bom thông thường với kích cỡ rất lớn. Tôi không biết đó là bom nguyên tử và mình đã bị phơi nhiễm phóng xạ. Có rất nhiều khói bụi, tới mức tôi chẳng nhìn rõ bất kỳ thứ gì ngoài khoảng cách 100 mét. Nhưng những gì chứng kiến trước mắt đã đủ để tôi tin rằng mình đang ở trong một địa ngục trần gian."
Tsuboi vẫn nhớ rằng xung quanh mình có vô số người đang than khóc, kêu gào tên của thân nhân. "Tôi thấy một nữ sinh bị lòi con ngươi ra khỏi hốc mắt. Người khác ôm lấy lỗ thủng ở bụng, cố nhét ruột vào trong trở lại.
Ai cũng trông như những thây ma, với máu chảy đầm đìa trên thân. Họ cố gắng bước đi, trước khi ngã sụp xuống. Một số mất hết chân tay" - ông kể - "Thân người cháy đen nằm khắp mọi nơi, gồm cả dưới dòng sông. Mùi thịt cháy lan rộng trong không khí."
Chống vũ khí hạt nhân tới khi sức cùng lực kiệt
Tsuboi được đưa tới bệnh viện và bất tỉnh tại đây trong hơn 1 tháng trời. Khi ông tỉnh lại, Nhật Bản đã bại trận và đang bị Mỹ chiếm đóng. Kể từ sau đó tới nay, ông đã phải vào viện 11 lần. Có 3 lần các bác sĩ nói rằng ông sắp chết. Ông được chẩn đoán mắc nhiều trọng bệnh, gồm cả ung thư. Tsuboi tin chắc rằng việc bị phơi nhiễm phóng xạ khiến ông mắc phải những bệnh này.
Trong nhiều năm qua, Tsuboi đã đi khắp nơi, kể lại các trải nghiệm của ông để nâng cao nhận thức chống vũ khí hạt nhân. Nhưng gần đây ông lo ngại tuổi cao sẽ khiến mình không thể tiếp tục công việc và các trải nghiệm quý báu của ông rồi sẽ mất đi.
“Những người như tôi đang mất dần sức lực, để có thể kể lại các trải nghiệm của mình và tiếp tục hoạt động chống vũ khí hạt nhân" - ông chia sẻ.
Rào cản tuổi cao, sức yếu cũng là nỗi lo chung của nhiều hibakusha. "Trong vòng 10 năm nữa, tôi sẽ ngạc nhiên nếu nhiều người như chúng tôi còn sống sót" - Hiroshi Shimizu, người mới chỉ 3 tuổi khi quả bom phát nổ cách nhà ông chỉ 1,6 km, chia sẻ - "Nhưng nếu các hibakusha tiếp tục lên tiếng chống lại vũ khí hạt nhân, nhiều người sẽ làm giống họ. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải tiếp tục các hoạt động của mình, chừng nào còn đủ sức lực."
Tháng trước, độ tuổi trung bình của 183.000 hibakusha còn lại đã lần đầu tăng lên trên con số 80. Dù có người đã bỏ cuộc, không ít người khác vẫn tiếp tục nỗ lực chống vũ khí hạt nhân.
“Tôi sẽ chẳng còn sống trong vòng 10 - 15 năm nữa. Vì thế câu hỏi chúng tôi đang đặt ra vào thời điểm này là làm cách nào để tiếp tục gửi đi thông điệp" - Hiroko Hatakeyama, người mới 6 tuổi khi Hiroshima trúng bom nguyên tử, cho biết - "Tôi không sợ chết, nhưng cũng chẳng còn sức lực để vận động chống bom nguyên tử. Cùng thời điểm, tôi nhận ra rằng mình vẫn có trách nhiệm phải tiếp tục (kể lại trải nghiệm) càng lâu càng tốt, để tôn vinh ký ức của những người đã chẳng còn ở đây với chúng tôi nữa".
Tường Linh (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất