Câu chuyện AFF Suzuki Cup 2008: Miếng ngon Phuket

09/12/2008 13:49 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Là thủ phủ của một tỉnh nằm ở phía Nam Thái Lan nên Phuket có những nét rất khác với những địa danh của Thái Lan mà chúng tôi từng có dịp đi qua như Nakhon Ratchasima (Korat) hay Bangkok. Tại đây, dấu ấn của cộng đồng Hồi giáo thể hiện rất rõ ràng, từ cách ăn uống cho tới sự xuất hiện với mức độ đáng kể của những cư dân trong trang phục Hồi giáo trên đường phố, trong khi ở Bangkok hay Korat, hầu như chỉ thấy sự hiện diện của Phật giáo.

 

Đồ ăn của Thái Lan nói chung là cay nóng, nhưng ở Phuket thì yếu tố này được tăng lên rất nhiều lần. Hầu hết các món ăn ở Phuket đều được làm cùng với rất nhiều ớt, loại ớt hiểm cay xé lưỡi, và nếu không quen ăn cay thì sẽ không thể nào nuốt trôi.

 

Thậm chí, nhiều người đã ăn cay thuộc dạng có “số má” ở VN nhưng nếu sang Phuket thì cũng chưa chắc đã chịu nổi độ cay trong thức ăn tại đây. Vì thế, giải pháp tốt nhất là trước khi gọi món phải dặn chủ quán: “No spicy, no chilli” (Không cay, không ớt), nếu không, món ăn của bạn sẽ đầy ớt, kể cả những món rất bình thường như rau muống xào.


Đặc biệt, món Tom Yang Kun, một loại canh nổi tiếng của người Thái với tôm, gia vị cùng các loại rau củ quả, ở Phuket cũng cay hơn rất nhiều so với tại Bangkok, và ở Phuket người ta còn bỏ thêm sữa dừa nếu thực khách yêu cầu, nhưng ngay cả điều này cũng chẳng làm Tom Yang Kun bớt cay hơn.



Ẩm thực ở Phuket còn hấp dẫn hơn cả bóng đá


 Thế mà anh Nok, một chủ quán ăn tại chợ đêm Phuket, kể với chúng tôi rằng người Thái vẫn thường xuyên húp canh này như uống nước giải khát, và nếu là món ăn cho người Thái thì đã tăng thêm độ cay rất nhiều.

 

Có chuyện khá hài hước là trong một lần đi ăn, do bất đồng ngôn ngữ nên chúng tôi chỉ có thể trao đổi với chủ quán bằng ngôn ngữ cử chỉ. Ý của chúng tôi là ăn một món thịt, một món xào và rau muống luộc, nhưng chủ quán đã mang tất cả lên xào cùng nhau, thành một món thập cẩm mà có lẽ chưa từng xuất hiện trong bất cứ bản thực đơn nào.


Cũng may là ở Thái nói chung và Phuket nói riêng, người ta hay ăn các món xào, nên bất cứ thức ăn nào thuộc loại này đều được thực hiện rất ngon. Các món rán cũng vậy, chỉ là một món ăn đơn giản như trứng rán thôi, nhưng qua sự chế biến của người Thái nó cũng mang hương vị khác hẳn, chỉ hiềm nỗi là các đầu bếp lại sử dụng rất nhiều dầu ăn nên nếu ai không quen ăn béo cũng khó mà chịu nổi.

 

Một điểm đặc biệt trong cách nấu nướng của người Thái là họ làm các món gà cực ngon và có rất nhiều cách chế biến khác nhau. Chẳng hạn, trong bữa cơm do BTC bảng B AFF Suzuki Cup 2008 phục vụ các phóng viên, có một món thịt gà khiến những phóng viên VN sau khi ăn một lần đều muốn ăn lần thứ hai, thứ ba…

 

Cách nấu món này của người Thái cũng khá cầu kỳ, con gà được lột bỏ da, chân cẳng cổ cánh và chỉ giữ lại phần thịt nạc, sau đó chặt thành từng miếng theo hình quân cờ rồi mang tẩm bột rán cùng gia vị. Nhưng chưa hết, số thịt gà tẩm bột rán này còn phải được mang xào chua ngọt thì mới hoàn chỉnh.

 

Nhờ thế, khi bày món gà này trên đĩa, nếu không phải là người Thái thì sẽ rất khó nhận ra đây là món gì, và chỉ tới khi thưởng thức nó, thực khách mới biết được chính xác hương vị thịt gà. Món ăn này vừa mềm, vừa giòn, rất thơm, hơi ngọt nhưng vẫn nguyên vị gà đặc trưng, và không ngán do chỗ bột rán đã hấp thụ phần lớn số dầu ăn nên có thể ăn bao nhiêu mà cũng không chán.

 

Đấy chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho cái gọi là nghệ thuật xử lý thịt gà của người Thái, và ngay cả một món bình thường như cơm đĩa với gà luộc hoặc gà rán họ cũng chế biến rất ngon, từ Bangkok, Korat hay Phuket đều như vậy.

 

Bởi thế, dù Thái Lan gần đây đã xuất hiện dịch cúm gà và thậm chí còn bị Malaysia từ chối nhập khẩu thịt gà từ Thái Lan, nhưng món cơm gà ở Thái Lan hầu như không bị ảnh hưởng và người ta vẫn ăn nó đều đặn hàng ngày như không có chuyện gì xảy ra.

 

Một đặc trưng trong các quán ăn ở Thái Lan là người ta thường bày thức ăn tươi sống ngay mặt tiền quán ăn và được ướp trên đá nên nhìn rất ngon mắt. Là thành phố biển nên ở Phuket đồ hải sản rất sẵn và phong phú, nhưng giá cả thì khá đắt. Tuy nhiên, ở một số nơi, ngay sát cửa hàng hải sản lại là cửa hàng chè Thái, mà các âu nhựa đựng chè Thái chẳng hề được che đậy chút nào. Vì thế, dù biết món chè Thái ngon nức tiếng nhưng chỉ có những người bụng dạ tốt lắm mới dám thử chè Thái ở những quán như vậy.


Hoàng Anh (từ Thái Lan)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm