10/12/2019 18:41 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong lúc bế tắc, thì những nghệ sĩ cải lương không chịu bó tay. Họ tự tìm đường cứu mình, cũng là cứu cải lương. Họ cựa quậy, vùng vẫy một cách dữ dội. Nhiều người có máu “liều”, hễ chơi là chơi tới bến.
Chính những gương mặt ấy làm nên một không khí xã hội hoá tưng bừng cho đất Sài Gòn, nơi mà cải lương thăng hoa cao nhất.
Từ chuyện của Hoa Hạ….
Đầu tiên là đạo diễn NSƯT Hoa Hạ, người được mệnh danh là “nữ tướng”. Chị làm cái gì cũng hoành tráng mới chịu, và đặc biệt rất mê thử nghiệm cái mới, đột phá sáng tạo. Năm 2007, vở Kim Vân Kiều của chị nổ tung dư luận với thử nghiệm phối hợp cải lương cùng nhạc giao hưởng, khiến nhà thi đấu Quân khu 7 với 3.000 chỗ bán sạch vé.
Năm 2008, chị dựng tiếp Chiếc áo thiên nga, cũng đầy ắp khán giả mấy đêm liền ở nhà thi đấu này. Vở nào cũng đầu tư tỉ rưỡi đồng (giờ chắc tương đương 3 tỉ). Hoa Hạ thú thật là bán cả đất, gom cả vàng vòng, may mà thu lại được, thậm chí có lãi đôi chút. Nhưng ai cũng biết tính chị, tiền không phải mục tiêu, mà chị làm vì tình yêu với cải lương.
Năm 2015, Hoa Hạ lại làm vở Trung thần, ca ngợi tấm gương của Tả quân Lê Văn Duyệt, cũng hoành tráng trên sân khấu lớn Nhà hát Bến Thành. Cùng với 2 vở trước kia, đây cũng là một kịch bản mới toanh đầy tính thử thách. Kịch bản mới thì Hoa Hạ không bị gò bó, tha hồ sáng tạo, phá cách.
Đến 2018 Hoa Hạ tái dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga với sự cộng tác của nghệ sĩ Kim Ngân. Kim Ngân vốn là con của cô đào nổi tiếng Kim Ngọc, giờ trở thành bà bầu mới. Chị bỏ gần 1 tỷ vào vở này. Với đầu tư lộng lẫy, Thái hậu Dương Vân Nga đã chinh phục khán giả TP.HCM và Hà Tiên. Lễ hội ở Hà Tiên đã tưng bừng khi vở diễn có mặt, nhiều khán giả xúc động nói: Lâu lắm rồi mới xem được một tuồng cải lương hoành tráng như vậy.
Hiện nay Kim Ngân đang ra mắt vở Đam mê và quyền lực do Hoa Hạ viết kịch bản và đạo diễn, được dư luận khen ngợi. Đôi bạn này ăn ý ở chỗ thích làm lớn và cùng thích lịch sử. Kim Ngân tâm sự: “Tôi vì hoàn cảnh nên hồi trẻ không thể nối nghiệp mẹ tôi. Nhưng giờ công việc kinh doanh đã ổn định, tôi thèm đi hát quá, cứ mạnh dạn đầu tư. Tôi chủ trương làm vở nghiêm túc. Sống được bao nhiêu đâu, cứ làm những gì để mình thấy tự hào cho cải lương”.
… Tới những gương mặt khác
Một ông bầu nữa có máu liều không kém, đó là Gia Bảo. Mang dòng họ Thanh Minh-Thanh Nga, hình như Gia Bảo y chang bà cố là bà bầu Thơ, chỉ thích làm lớn chứ không làm nhỏ. Có lần hỏi sao Gia Bảo không dựng chương trình có những trích đoạn cho dễ, anh lắc đầu: “Coi nguyên tuồng mới đã. Tôi thích dựng nguyên tuồng để khán giả cảm nhận trọn vẹn cái hay của cải lương”.
Gia Bảo chủ trương khôi phục những kịch bản vang bóng một thời như Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Lan và Điệp…và dứt khoát phải mời cho được những nghệ sĩ thế hệ vàng ngày xưa như Thanh Sang, Thanh Kim Huệ, Ngọc Giàu, Hùng Minh, Hồng Nga, Phượng Liên, Chí Tâm, Bảo Quốc... Bên cạnh đó, anh chen vào những nghệ sĩ mới cũng đầy tên tuổi như Thanh Hằng, Vũ Linh, Vũ Luân, Tú Sương, Ngọc Huyền, Linh Tâm…
Vở nào lực lượng cũng hùng hậu và đầu tư vài tỷ, bởi phải mua vé máy bay cho các nghệ sĩ hải ngoại về nước, rồi ăn ở, khách sạn v.v…Nhưng rõ ràng khán giả nô nức đi xem, vì họ quá yêu những gương mặt cũ. Và fan của thế hệ mới cũng không ít, cho nên vé bán rất chạy. Dẫu vậy, cũng có khi lãi, có khi lỗ, nhưng Gia Bảo nói: “Tôi đóng kịch, đóng phim bù vô, chứ nhất quyết phải làm vở lớn mới thích”.
Nhiều ngôi sao như Kim Tử Long, Vũ Luân, Chí Linh - Vân Hà cũng vì muốn giữ cho cải lương sáng đèn mà trở thành bầu. Đi hát show họ lãnh cát sê rất cao, lại đỡ cực, còn làm bầu trăm chuyện lo, chạy ngược chạy xui, mà thu nhập rất “hồi hộp”, ấy vậy mà vẫn làm. Ba nhóm này chuyên dựng tuồng Hồ Quảng, là sở trường của họ, cũng là một món ăn thú vị của khán giả. Nhờ vậy, cải lương Sài Gòn phong phú với nhiều món cho khán giả chọn lựa. Nhưng đặc biệt, đạo diễn Nguyên Đạt lại đem đến một món độc đáo là “cải lương thể nghiệm”. Ông bầu này rất mê thể nghiệm, mới đây ra mắt Tổ quốc nơi cuối con đường và Nhật thực với những phá cách hay hay. Nguyên Đạt “máu” đến nỗi bán căn hộ chung cư mới mua, chấp nhận tiếp tục ở nhà thuê để lấy tiền làm cải lương.
Mới đây, lại xuất hiện một nhóm mới là Sân khấu Đại Việt do tác giả Hoàng Song Việt kết hợp với nghệ sĩ miền Bắc là NSND Triệu Trung Kiên (Quyền Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam) thành lập. Họ cũng chủ trương làm sân khấu nghiêm túc và hoành tráng, đặc biệt là mô hình Nam Bắc diễn chung cũng khá thú vị. Kịch bản đầu tiên Chuyện tình Khâu Vai đầu tư lớn và đẹp lung linh, đẫm chất văn hoá của vùng cao nguyên Tây Bắc, đem lại một phong vị lạ lẫm và nồng say. Chỉ vài đêm diễn, họ đã lấy được vốn gần tỉ rưỡi, và hăng hái dựng tiếp vở thứ hai chuẩn bị phúc khảo.
Cần cái bắt tay chặt hơn
Nhìn lại, nhờ xã hội hoá mà cải lương Sài Gòn không thiếu món gì, khán giả có thể nếm thử nhiều vị quen lẫn lạ, xưa lẫn nay. Chỉ có điều, sân khấu xã hội hoá cũng không thể sáng đèn đều đặn, mà chỉ có thể hoạt động thời vụ, một vở thường diễn vài suất rồi thôi. Mỗi năm một ông, bà bầu cũng chỉ đủ sức dựng 2 vở là tối đa. Như vậy, cải lương cũng không thể trở lại thời hoàng kim xưa, khi mỗi vở diễn cả trăm, cả ngàn suất, và cứ cuối tuần thì đua nhau mở màn. Không trách được, vì bây giờ đủ thứ chen vào đời sống giải trí của khán giả, từ video, đĩa DVD, cho tới YouTube…
Nhưng may là có nhiều nhóm xã hội hoá, nên dù mỗi nhóm diễn ít suất đi nữa thì họ biểu diễn xen kẽ nhau khiến cải lương vẫn có mặt đều đều trung bình mỗi tháng, báo chí viết bài liên tục, khán giả bình luận xôn xao trên mạng xã hội. Đời sống cải lương vẫn thực sự khuấy động, chứ không hề im ắng.
Như thế, cải lương vẫn phải được nhà nước hà hơi tiếp sức chứ không thể bỏ mặc cho các nhóm xã hội hoá tự bơi. Và sự đầu tư của nhà nước phải khác đi. Mới đây có chủ trương hát miễn phí mỗi tháng 2 lần, do Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thực hiện. Nhưng mới một suất đầu đã bị dư luận phản đối. Nhiều nghệ sĩ cho rằng như vậy là làm cải lương rẻ rúng, mất giá, và lại cạnh tranh không công bằng với các nhóm xã hội hoá.
Bởi vậy, Nhà nước có lẽ phải tìm ra một cách hỗ trợ khác cho phù hợp. Xin gợi ý một cách: nếu có một vở nào ý nghĩa lớn, hoặc vở lịch sử, thì nhà nước nên mua suất để đãi sinh viên, học sinh, giáo viên, gọi là học ngoại khoá. Đây là đối tượng trẻ cần được giáo dục về nghệ thuật truyền thống, thì sự đầu tư xem ra hiệu quả. Như vậy, ông bà bầu cũng bán được vé, thì họ sẽ vui lòng làm tiếp những vở tử tế. Nhà nước không tốn tiền trả lương, điện, nước, cơ sở vật chất, không tốn tiền dựng vở, chỉ tốn tiền vé thôi, thì xem ra quá rẻ so với nuôi một đơn vị. Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác là như thế, và cải lương sẽ ổn định hơn.
Họ đã nói >>> “Chúng tôi cựa quậy tới cùng chứ không thể xuôi tay. Một ngọn sóng nhỏ cũng là dấu hiệu cải lương đang tồn tại. Mà trong giai đoạn này tồn tại đã là khó, đừng nói phát triển” – phát biểu của đạo diễn Nguyên Đạt. >>> “Một người làm không nổi thì nhiều người góp tay. Không có ngọn lửa lớn thì nhiều ngọn lửa nhỏ thắp lên cũng sáng sủa và hy vọng hơn là tắt hẳn. Chúng tôi đã từng kỳ vọng vào nhà nước, nhưng rồi hiểu ra mình không thể ngồi chờ chết, cứ nhảy ra mà chiến đấu, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Dư luận hãy bỏ qua những sơ suất nhỏ để ủng hộ chúng tôi trong cuộc chạy đua này” – phát biểu của đạo diễn Hoa Hạ. |
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất