(lienminhbng.org) -
Không cần tìm đâu xa, trong các câu truyện cười dân gian, người ta đã bắt gặp vô số chân dung người Việt hèn.Anh chàng sợ vợ định nói phét thì gặp vợ về. Thầy đồ ăn vụng, thầy đồ liếm mật. Sư mô cũng gian dâm ăn cắp.
Có đến mấy truyện cổ tích, trong đó có vài phú ông tham vàng bỏ ngãi, định gả con gái cho người này rồi thấy người khác giàu hơn lại hèn hạ bội ước. Cho đến cả chàng Thúc Sinh trong
Truyện Kiều, trước cảnh Kiều bị vợ cả là Hoạn Thư hành hạ, cũng chỉ đành đóng vai giả câm giả điếc không dám đứng ra bênh vực con người mà từng thề non hẹn biển.
Dân nghèo nên hèn đâu cũng gặp, kẻ giàu hèn rất nhiều, cho đến cả mấy triều vua cũng tiếp nhau hèn một cách thê thảm.
Đó là vào giai đoạn từ đầu thế kỷ 17 trở đi khi Đàng ngoài rơi vào tình cảnh “vua Lê chúa Trịnh”. Vua bị tước quyền, chỉ ngồi làm bù nhìn, mọi công việc do phủ Chúa quyết định. Đến khi có người hỏi sao lại làm thế thì trả lời đại ý như vậy việc nặng nhọc dồn cả sang vai Chúa, mình được chân nhàn nhã, cũng chẳng là may hay sao(!).
Cũng là một thứ lý sự của kẻ hèn.
Ở phương Đông cũng như phương Tây, thật ra người xưa đã khôn ngoan bảo nhau “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, biết sợ kẻ đáng sợ không phải là xấu.
Điều đáng nói ở đây là cái cách chịu thua và biết sợ của người xứ mình. Trong sự hèn ở đây, có thái quá biến thành khiếp nhược; lại có niềm tin rằng không bao giờ bằng người. Trước một việc lẽ ra phải lấy cái chết để tự khẳng định thì người ta vứt bỏ đạo nghĩa, hi sinh danh dự, miễn sao bảo toàn tính mệnh; từ đây sinh ra cả một cách sống lẩn khuất chui nhủi.
Theo Nguyễn Tất Thịnh (
Bàn về văn hóa ứng xử của người Việt - 2006), và một số bạn khác, dân mình có một nhu cầu giấu giếm rất lạ. Đánh nhau kiểu hội đồng sau lưng mà không đối mặt đấu trường. Trên diễn đàn thì ngậm miệng, nhưng bàn nát chuyện ngoài quán. Bao nhiêu tinh lực dành cho sự lẩn lách để tồn tại, bởi vậy, ưa những hình thức phi chính thống. Nói năng cởi mở, nhưng phong cách khép kín. Khi nói chuyện không dám nhìn thẳng. Hay nói nước đôi lập lờ. Giữa đám đông hay thì thào liếc ngang, liếc dọc. Nói chung là tâm lý không ổn định, hay thay đổi thất thường.
Tất cả những thói quen tương tự không chỉ cho thấy nhiều người chúng ta là những kẻ yếu, mà lại tố cáo một điều quan trọng khác sự kèn yếu ở đây tước đi ở con người lòng tự trọng, ý chí ngoan cường vượt lên trên tình thế bi đát trước mắt.
Trong nhiều truyện ngắn Tô Hoài viết trước năm 1945, người ta bắt gặp những đôi trai gái yêu nhau, đã thề không lấy được nhau thì chỉ có chết. Kết cục vài tháng sau, trai đi lấy vợ, gái đi lấy chồng bình thản như không, chả ai chịu chết cho thiệt thân.
Nguyễn Công Hoan vốn nổi tiếng với những truyện ngắn gây cười. Song đến Tôi cũng không hiểu tại làm sao (I và II, 1937) giọng ông trầm tĩnh hẳn đi. Truyện thứ nhất kể về một công chức ăn sáng trong giờ làm việc, bị sếp người Pháp bắt quả tang. Anh này lúc đầu cãi cứng, đến khi bị sếp bảo há mồm ra cho xem thì cũng há, để phô ra cả cái vẻ lố bịch khá thương tâm.
Trong truyện thứ hai, một công chức khác (đồng sự của anh trên), đi làm muộn, đặt một con tính cũng sai, chữa mãi không được, xoay ra cáo ốm và xin nghỉ không lương. Chủ thấy thế dọa cho anh thôi việc luôn. Rốt cuộc cái anh công chức hay bướng đó đành xin lỗi chủ, để rồi ra ngoài tâm sự với bạn, không hiểu tại sao mình có những phút đê tiện như thế.
Các nhân vật trong truyện dân gian hèn một cách bẩm sinh. Đến các công chức ở đây, cái hèn của họ vẫn tự nhiên, song bước đầu con người đã nhận thức được tình thế, ít ra đã tự mình đặt câu hỏi tại sao mình lại hèn vậy. Đây là sự vận động trong tâm lý mà chỉ con người hiện đại mới có, nó là cơ sở để người ta trưởng thành dần dần.
Song, ở con người hiện đại, cái hèn còn có một hướng phát triển khác. Nên biết là trong các từ điển Tiếng Việt được soạn nghiêm túc, chẳng hạn từ điển Hoàng Phê, hèn không chỉ có nghĩa là sự nhát yếu, thấp kém, mà còn có nghĩa là cách làm kém bản lĩnh, đến mức đáng khinh, ví dụ cái hèn của một kẻ đánh trộm, cái hèn của một kẻ dùng những mưu kế ít người ngờ đến để đánh bại kẻ mạnh hơn mình. Hèn ở đây là từ phản nghĩa của dũng cảm, đàng hoàng khí phách. Trong tâm lý học, người ta còn nói đến những quá trình tâm lý kỳ lạ khi hai mặt đối lập của cùng một quá trình tâm lý tự nhiên hoán vị cho nhau, ví dụ kẻ tự ti nhút nhát bỗng có lúc tự tin quá đáng, kẻ hèn nhát đến bước đường cùng vụt trở nên liều lĩnh, làm được những việc mà bình thường chỉ người dũng cảm mới làm nổi. Đây là những khía cạnh tâm lý cũng đã thấy ở người Việt hiện đại, có điều còn ít được mưu tả và nghiên cứu.
Vương Trí Nhàn