16/02/2016 06:44 GMT+7 | Âm nhạc
(lienminhbng.org) - Trên tinh thần Đổi mới, âm nhạc đại chúng 30 năm qua đã “trăm hoa đua nở” để được sự đa dạng như ngày nay.
Một loạt các tác phẩm như Cái đêm hôm ấy… đêm gì (Phùng Gia Lộc), Lời khai của bị can (Trần Huy Quang), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp)… đã mang lại một không khí mới cho văn học.
Nếu tháng 12/1986 đánh dấu mốc cho thời kỳ Đổi Mới, thì lĩnh vực văn học sang đầu năm 1987 đã bắt đầu trình làng cho độc giả những tác phẩm kể trên. Nhưng ở lĩnh vực âm nhạc đại chúng thì sự hưởng ứng có vẻ chậm hơn và sự “bức bách” của Đổi Mới dường như không cấp thiết như ở lĩnh vực văn học.
Liên hoan pop/rock và “Đường xa vạn dặm”
Hai dòng nhạc được xem là có sự nhìn nhận mang tính tiến bộ của xã hội có lẽ là rock và world music.
Nếu sau ngày giải phóng, nhạc rock được xem là loại âm nhạc kích động, thác loạn, là tàn dư văn hóa của chế độ cũ, thì sau đổi mới, nó được chính thức nhìn nhận.
Nếu trong văn học, tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” dám nhìn thẳng vào thói hư tật xấu, cái chưa tốt của xã hội và phê phán nó một cách quyết liệt. Thì trong âm nhạc, các nghệ sĩ đã dùng thể loại nhạc rock của Âu - Mỹ để làm điều này. Nhạc rock với tính chất mạnh mẽ, trực diện và đại chúng đã phản ánh những đề tài mang tính xã hội nóng bỏng.
Mặc dù trước đó, nhạc rock ở Sài Gòn thỉnh thoảng cũng xuất hiện, nhưng nó phải “núp bóng” ở các nhóm “ca khúc chính trị”, mãi đến Liên hoan pop/ rock do Thành đoàn TP.HCM tổ chức vào năm 1992, nhạc rock mới chính thức được nhìn nhận bình đẳng với các dòng nhạc khác.
Lịch sử phát triển của nhạc rock sau năm 1975 có nhiều thăng trầm, nhưng chính từ sự kiện của năm 1992 nói trên mà phong trào nhạc rock phát triển và lớn mạnh như hiện nay, dẫu một thời gian khá dài, các cơ quan quản lý văn hóa và các đài truyền hình khá dè dặt với nhạc rock.
Năm 2004, nhạc sĩ Quốc Trung phát hành CD world music Đường xa vạn dặm, dù trước đó cũng đã có những buổi biểu diễn hoặc album mang hơi hướng world music, nhưng Đường xa vạn dặm như một tuyên ngôn đầy đủ cho dòng nhạc này tại Việt Nam. Ở góc nhìn của thẩm mỹ âm nhạc, đây là một sự cởi mở mang tính “tiến bộ”.
Theo quan niệm cũ, trước đây, những giai điệu nguyên xi của nhạc dân ca, nhạc truyền thống, chúng sẽ được kết hợp với các nhạc cụ dân tộc như: sáo, tranh, tỳ, nhị, nguyệt… Nếu nhạc dân gian, truyền thống mà kết hợp với nhạc cụ điện tử phương Tây thì sẽ bị kết tội là “lai căng” hoặc “phá” âm nhạc truyền thống. Nhưng đó cũng chính là nét đặc trưng của world music, một xu hướng âm nhạc khá thịnh hành và được xem là “thời thượng” trên thế giới ở thời điểm đó.
Ngày nay, world music đã góp phần đưa nhạc dân gian, truyền thống Việt Nam đến với giới trẻ và là ngôn ngữ để đông đảo khán giả nước ngoài có thể cảm nhận âm nhạc dân gian, truyền thống Việt Nam.
Singer-songwriter và nghệ sĩ giải trí
Tinh thần đổi mới của xã hội và những đổi mới trong văn học nghệ thuật đã tác động rộng khắp trong âm nhạc đại chúng. Ngoài hai dòng nhạc như đã nêu trên, tinh thần đổi mới như lan tỏa trong khắp các lĩnh vực khác. Môi trường âm nhạc nhìn chung là “thoáng” và cởi mở tiếp nhận những cái mới, cái lạ.
Đầu tiên có thể nói đến, đó là trào lưu sáng tác trăm hoa đua nở, sáng tác ca khúc không chỉ có nhạc sĩ được đào tạo trường lớp như trước đây mà ca sĩ và những người không được đào tạo cũng sáng tác.
Đề tài cũng muôn màu, trong đó tình yêu đôi lứa chiếm thế thượng phong. Bên cạnh việc xuất hiện những ca khúc “thảm họa”, ca từ gây sốc… Trào lưu này đã hình thành một xu hướng mới: Singer-songwriter (vừa sáng tác vừa biểu diễn tác phẩm của mình) và đã có “quả ngọt” là Lê Cát Trọng Lý bên cạnh những gương mặt khác như Mai Khôi, Thủy Tiên... Gần đây nhất, những singer-songwriter đã góp phần làm cho đời sống âm nhạc thêm sôi động như: Vũ Cát Tường, Thái Trinh, Sơn Tùng M-TP, Tiên Tiên…
Bên cạnh đó, một loạt các xu hướng âm nhạc khác cũng được các nghệ sĩ thử nghiệm, khám phá, đi sâu vào từng dòng nhạc. Ngoài rock và world music như đã nói trên, còn có new age, electronic, jazz, country, Broadway… Nói chung là sự tìm tòi để thể hiện cá tính của mình. Trong hành trình sáng tạo khẳng định cá tính âm nhạc này, Tùng Dương được xem là gương mặt tiêu biểu, anh gắn liền với biệt hiệu “quái” và được xem như là một divo của nhạc Việt hiện nay.
Ở lĩnh vực biểu diễn của sân khấu ca nhạc, giai đoạn live show bùng nổ vào những năm của thập niên 2000, nhan nhản những tiết mục biểu diễn hào nhoáng nhưng giọng hát thì vô cảm, hoặc nhiều live show dùng chiêu trò, sự hoành tráng của thiết kế sân khấu, trang phục, múa minh họa… là chính mà ít chú trọng đến chất lượng âm nhạc.
Những điều này cho thấy rõ sự ảnh hưởng của xu hướng nghe - nhìn khá đậm nét - một xu hướng mang tính thời đại của thị trường âm nhạc giải trí. Và ở đó chúng ta vẫn nhìn thấy những “ngọn cờ đầu” mang tính tích cực của một xu hướng: Nghệ sĩ giải trí (entertainmental artist) Hồ Ngọc Hà và live show Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011 được xem là đỉnh cao của công nghệ biểu diễn của V-biz cho đến tận hôm nay.
Nhìn chung ảnh hưởng của tinh thần đổi mới đã giúp âm nhạc đại chúng có cái nhìn thoáng đãng và cởi mở để tiếp nhận cái mới. Tuy nhiên, trong sự “trăm hoa đua nở” này, có khi thị trường âm nhạc cũng phải trả giá với việc trải qua những xô bồ, hỗn độn trước khi có một đóa hoa tươi thắm…
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất