(lienminhbng.org) – “Chúng tôi rất sợ hãi. Điều khủng khiếp này đã xảy ra với các cô gái nghĩa là nó cũng có thể xảy ra với chúng tôi”, phóng viên Harmeet Shah Singh của hãng tin CNN ghi lại lời Renu Devi – một người dân làng Katra Sadatganj than khóc trong đám tang hai thiếu nữ bị cưỡng hiếp, giết hại và treo xác lên cây ở Ấn Độ hôm 27/5.
“Đó là một vùng tối mịt khi chúng tôi lái xe qua ngôi làng của tiểu bang đông dân nhất Ấn Độ. Không có đèn thắp sáng trên những con đường vùng nông thôn nghèo khổ. Ánh sáng duy nhất trong tích tắc là tia chớp trên bầu trời đêm giông bão. Và rồi nó cũng vụt tắt đi khi chúng đi đi về Budaun của Uttar Pradesh”, Harmeet viết về miền quê hẻo lánh của hai chị em trong vụ án chấn động Ấn Độ mới đây trong ngày đưa tang các nạn nhân xấu số.
Cuộc tấn công này là một trong những vụ hiếp dâm kinh hoàng gây chấn động Ấn Độ trong những năm gần đây, làm dấy lên các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Harmeet Shah Singh cho biết, các cuộc tấn công tàn bạo trong những năm gần đây ở Ấn Độ đã khiến quốc gia Nam Á đông dân thứ 2 thế giới phải đối mặt với nhiều thử thách kể từ 67 năm sau khi giành được độc lập khỏi ách thống trị của Anh.
“Chúng tôi đến làng Katra Sadatganj - nơi hai nữ sinh bị tấn công khi họ đi ra ngoài vào buổi tối bởi trong nhà không có nhà vệ sinh. Và đêm định mệnh ấy, không ai ngờ được hai thiếu nữ đã bị hiếp dâm và treo xác lên cây xoài”.
Theo UNICEF, Ấn Độ là nước có số lượng người không có nhà vệ sinh đông nhất trên thế giới - ước tính khoảng 620 triệu người, chiếm một nửa dân số. Và hầu hết những người sống ở làng Katra Sadatganj cũng không có lựa chọn khác bởi cuộc sống quá nghèo khổ.
“Không có nhà vệ sinh thì các cô gái đâu có thể đi đâu? Ai có thể xây cho chúng tôi nhà vệ sinh trong nhà?”, Jamuna Devi – một người dân trong làng ngồi bệt trên sàn đất và than khóc.
Người cha của nạn nhân đau đớn và bàng hoàng vì cái chết oan nghiệt của con mình.
Những người dân trong đám tang của hai cô gái đoản mệnh cũng cáo buộc cảnh sát đã thờ ơ và kêu gọi các nhóm nhân quyền, các nhà hoạt động xử lý những nhân viên này một cách nghiêm minh.
“Nếu cảnh sát muốn, có thể con tôi đã không phải chết nghiệt ngã như thế này”, người cha của nạn nhân đau khổ nói. Hệ thống tổ chức và cung cách xử lý của cảnh sát nước này được xây dựng và duy trì hoạt động từ thế kỷ 19 theo Bộ luật hình sự của nước Ấn Độ thuộc địa (IPC) từ cuộc nổi dậy vũ trang chống lại giới cai trị của Anh năm 1857. Nhiều nguồn tin cho rằng lực lượng cảnh sát tại đây chưa hề thay đổi mô hình ban đầu của IPC.
Đồn cảnh sát Katra Sadatganj đã tạm thời đóng cửa kể từ khi xảy vụ tấn công tình dục gây ra sự tức giận ở cả trong và ngoài nước. Phẫn nộ càng dâng lên cao trào khi thông tin từ cơ quan điều tra xác nhận hai sĩ quan cảnh sát cũng nằm trong số 5 kẻ giết người gây ra cái chết thương tâm và oan nghiệt của các nạn nhân.
Cho đến nay, dù chính phủ đã đưa ra các khoản bồi thường nhưng gia đình nạn nhân vẫn không hề khoan nhượng và đề nghị tử hình các thủ phạm.
Hải Yến
Theo CNN