16/06/2016 06:06 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Chỉ cách đây hơn 1 tháng, Ivan Firer mang phận người thừa tại FLC Thanh Hóa. Nhưng hattrick vào lưới HAGL trong màu áo B.Bình Dương tại tứ kết Cúp QG Kienlongbank có thể là khởi đầu mới cho một cầu thủ từng là “hàng thải”.
1. Patiyo Tamwbe: “Hàng thải” thành Vua phá lưới
Năm 2013, Patiyo bị Thanh Hóa chấm dứt hợp đồng sớm khiến anh thất nghiệp trong nửa năm. Đầu năm 2014, Patiyo thử việc tại Than Quảng Ninh, sau 2 ngày, anh cũng rời đi. Chỉ đến khi gia nhập V.Ninh Bình, người hâm mộ mới được chứng kiến một Patiyo xuất sắc nhất mà đỉnh cao là chức vô địch Siêu Cúp QG 2014.
Khi V.Ninh Bình sa sút và giải thể, Patiyo đến QNK Quảng Nam. Tuy Patiyo đã gặt hái thành công trước đó cùng V.Ninh Bình nhưng không ai nghĩ tiền đạo này lại chơi hay như thế tại đội bóng xứ Quảng-Đà. Kết thúc V-League 2015, Patiyo vượt qua một loạt chân sút cự phách khác như Samson, Abass để giành danh hiệu Vua phá lưới với 18 bàn thắng, thành tích ấn tượng nhất của tiền đạo sinh năm 1984 tại Việt Nam.
Hiện tại, Patiyo đang chơi cho XSKT Cần Thơ tại V-League 2016.
2. “Song sát” Fagan - Errol Stevens
Cặp song sát nào đáng sợ nhất V-League 2 mùa giải qua? Chắc chắn, rất nhiều người sẽ hướng về Hải Phòng để kể về Fagan – Stevens.
Mùa giải 2015, cặp tiền đạo này ghi gần 20 bàn thắng, trong đó Stevens ghi đến 15 bàn tại V-League giúp đội bóng đất Cảng cán đích ở vị trí thứ 6. Còn hiện tại, với 9/20 bàn thắng, họ đang giúp Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2016.
Đáng sợ là vậy nhưng cả Fagan và Stevens đều có những khởi đầu gian khó khi mới đến Việt Nam. Stevens từng bị CLB BĐ Hà Nội đẩy xuống tập cùng đội trẻ ở mùa giải 2012. Thậm chí khi đó, CLB Hà Nội đang thi đấu tại giải hạng Nhất nhưng Stevens cũng không chứng tỏ được nhiều để rồi bị CLB chủ quản thanh lý sớm hợp đồng. Anh bôn ba qua Nga rồi Thái Lan để chơi bóng trước khi tìm thấy bến đỗ Hải Phòng, bước ngoặt trong sự nghiệp cầu thủ của tiền đạo người Jamaica.
Trong khi đó, Fagan cũng từng bị SLNA thải hồi năm 2012 trước khi thật sự khẳng định được bản thân tại Hải Phòng và thi đấu ăn ý với đồng hương Stevens.
3. Lee Nguyễn: Sự nuối tiếc của bầu Đức
Không phải đợi đến thời điểm được gọi lên ĐTQG Mỹ và thi đấu ấn tượng tại giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS mà đẳng cấp của Lee Nguyễn mới được thừa nhận. Trước đó, trong màu áo HAGL, những pha đi bóng, những cú sút của cầu thủ Việt kiều sinh năm 1986 đã là sự khác biệt lớn đối với phần còn lại của V-League.
Về đội bóng phố núi vào năm 2009, 13 bàn/24 trận đấu là con số không tồi của Lee Nguyễn. Thế nhưng, những mâu thuẫn với đồng đội và cả đội bóng khiến anh gần như không ra sân ở mùa giải 2010. Lee Nguyễn “tháo chạy” về B.Bình Dương nhưng cũng thất bại thảm hại.
Bước ngoặt cứu vớt sự nghiệp của Lee đến khi anh quyết định trở về Mỹ thi đấu cho New England Revolution năm 2012. 3 mùa giải, 105 trận đấu, 30 bàn thắng biến Lee Nguyễn trở thành ngôi sao tại MLS. Việc được triệu tập lên ĐTQG chỉ càng khẳng định cho quyết định rời Việt Nam của Lee.
Ngoài 3 cái tên kể trên, không thể không kể đến Caue Benicio và Matias từng chơi cho Hà Nội T&T và bị sa thải năm 2011. Cả 2 đều sang Thái Lan chơi bóng sau đó, Benicio là trụ cột tại Chonburi FC, trong khi Matias là cây săn bàn quan trọng của CLB Khonkaen tại giải hạng Nhất Thái Lan. Bên cạnh đó, lão tướng Văn Nhiên, Đức Dương từng bị HAGL “thải hồi” nhường chỗ cho cầu thủ trẻ cũng thi đấu rất tốt tại bến đỗ mới là Hải Phòng. Đặc biệt nhất, trường hợp của Nguyễn Anh Hùng từng bị Đình Đồng đạp gãy chân ở mùa giải 2014, từ chỗ tưởng như không thể trở lại bóng đá đỉnh cao, giờ Anh Hùng là một trong những hậu vệ cánh ổn định tại đội bóng đất Cảng. |
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất