Những vần thơ của quỷ Satan, nhà văn và án tử hình

12/08/2017 07:08 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Với lời kêu gọi hành quyết trước đây một phần tư thế kỷ, đại giáo chủ Ayatollah Khomeini đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng. Án tử hình vắng mặt vì tội báng bổ Nhà tiên tri Mohammed ấy đã đẩy nhà văn Salman Rushdie, tác giả Những vần thơ của quỷ Satan, vào cuộc sống bí mật nhiều năm, và kích động cuộc chiến giữa các nền văn hóa.     

7h tối ngày 11/7/1991, giảng viên Hitoshi Igarashi ở Đại học Tsukuba gần Tokyo tắt đèn để ra về. Ông chỉ kịp bước một chân ra đến hành lang thì nhiều nhát dao của một kẻ giấu mặt đã lấy đi cuộc sống của nhà nghiên cứu văn hóa 44 tuổi.

Án tử hình vắng mặt

Khi một bảo vệ tìm thấy ông nằm gần cửa thang máy thì mọi sự trợ giúp đều quá muộn. Vô số nhát cắt sâu trên cổ, mặt và tay nạn nhân như muốn nói rằng hành vi man rợ đó có ý nghĩa sâu hơn là đem lại cái chết.

Dù không tìm được thủ phạm, một phỏng đoán vẫn tồn tại mãi đến nay: Igarashi là hệ quả của án lệnh (fatwa) được công bố hai năm trước đó trên màn ảnh nhỏ Tehran bởi nhà lãnh đạo cách mạng Iran Ayatollah Ruollah Khomeini, và nhằm đến nhà văn người Anh - Ấn Salman Rushdie, tác giả Những vần thơ của quỷ Satan, và tất cả những ai sát cánh với bị cáo. Và bây giờ lệnh ấy đã có nạn nhân đầu tiên: Người dịch tác phẩm của Rushdie ra tiếng Nhật.

Chú thích ảnh
Rushdie ở London trước án lệnh

 26 năm đã trôi qua, kể từ khi giáo chủ Khomeini tuyên bố trên đài phát: “Hôm nay tôi thông báo cho tất cả mọi tín đồ Hồi giáo kiêu hãnh trên thế giới này biết,  rằng cuốn sách Những vần thơ của quỷ Satan chống lại đạo Hồi, chống lại Nhà tiên tri và kinh Koran, và tác giả của nó cũng như tất cả những ai tham gia xuất bản phải bị nhận án tử hình. Tôi kêu gọi tất cả các tín đồ Hồi giáo hãy giết chúng, bất cứ gặp chúng ở đâu”.

Với hàng triệu đô-la Mỹ tiền thưởng, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran tin là lời kêu gọi của mình sẽ được tăng thêm sức mạnh.

Dậy sóng

Tác giả Rushdie, cũng theo đạo Hồi, ra đời 1947 ở Ấn Độ, sau này mang quốc tịch Anh. “Vụ Rushdie” là nguồn cảm hứng và cơ sở khẩu chiến của vô số cảnh sát và triết gia, chính phủ và luật sư, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc, đồng thời là thí dụ tiêu biểu cho cuộc chiến giữa các nền văn hóa trong lịch sử cận đại của nền văn minh thế giới.

Chú thích ảnh
Biểu tình chống Rushdie ở Tehran

Ở Anh, Ấn Độ, Pakistan và nhiều khu vực Tây Nam Á nổ ra những cuộc biểu tình nảy lửa sau khi cuốn sách ra sạp hồi 1988. Một số quốc gia Hồi giáo cấm bán sách này. Phản ứng của Iran tuy khá muộn, nhưng ở xứ sở của cuộc cách mạng Hồi giáo, phản ứng đó được coi là máu lửa nhất. Có lẽ vì trong vài đoạn tiểu thuyết Rushdie đã phác ra những phúng dụ ám chỉ Mohammed với câu chữ gây phản ứng...  

Rất lâu sau này, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Guardian, Salman Rushdie cho rằng người ta đã thổi phồng vụ việc quá đáng: “Tôi là người hài hước, và sách của tôi cũng thế”. Rủi thay cho tác giả, Khomeini không tán thành các kiểu hài hước như thế.  

Vụ bê bối bởi cuốn sách của Rushdie diễn ra dường như rất đúng thời điểm. 10 năm sau Cách mạng Hồi giáo, tình hình Iran không mấy thuận lợi. Trước bối cảnh đó, cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra như trận đọ sức giữa phe bảo thủ và phe thực dụng.

Và, án lệnh chống Rushdie có tác động mạnh mẽ. Trong các cuộc biểu tình, người dân Iran ném đá vào Đại sứ quán Anh và hét: “Giết chết bọn Anh!”, ở Ấn Độ và Pakistan 7 người chết, ở Anh nhiều hiệu sách bán Những vần thơ của quỷ Satan bị đánh bom, và Nhà Xuất bản Viking-Penguin ở New York phải đóng cửa vì bị dọa đốt. Thậm chí một số chuyến bay của British Airways phải xuất phát chậm vì nghi bị gài bom. Rất nhiều tín đồ đạo Hồi tình nguyện nhận thi hành án tử hình Rushdie.

Phương Tây thể hiện phản ứng dữ dội với tuyên bố của giáo chủ Khomeini. Nghị viện Đức gọi án lệnh ấy là lời “tuyên chiến với luật quốc tế”. Chính phủ Anh gửi công hàm cho Tehran, tuyên bố “không thể chấp nhận” lời dọa giết ấy. Cả 12 đại sứ các quốc gia Cộng đồng châu Âu đồng loạt bỏ về nước, và tổng thống George Bush (cha) công khai tuyên bố sẽ xét lại quan hệ thương mại với Iran. Bà đầm thép Margaret Thatcher cho biết, chỉ sau khi Iran rút lại án lệnh thì mới nối lại quan hệ ngoại giao.

Chú thích ảnh
Kỷ niệm 10 năm án lệnh, tín đồ Hồi giáo Ấn Độ đốt hình nộm Salman Rushdie sau khi chính phủ cấp thị thực nhập cảnh cho nhà văn

Cuộc sống trong bóng đêm

Tuy nhiên, nhìn lại từ góc nhìn hôm nay thì đa số những tuyên bố ấy chỉ là cái vỏ hùng biện suông - nói cho cùng, quan hệ với Iran quá quan trọng với đa số các quốc gia Tây bán cầu, để bị hy sinh vì một nhà văn! “Tôi thấy khó mà giải thích cho các nông dân chăn cừu ở New Zealand” - thủ tướng New Zealand David Lange thú nhận - “vì sao họ phải chịu thiệt thòi trong kinh doanh, chỉ vì một tác giả duy nhất ở London bị đe dọa”.

Và một tháng sau các đại sứ châu Âu lại lục tục quay về chỗ cũ làm việc. Nên nhớ là 1990 hàng xóm của Iran là Iraq tấn công Kuwait, và châu Âu không thể không dùng các giáo sĩ đạo Hồi ở Iran làm đối trọng với Saddam Hussein!

Đối với Rushdie, giờ đây bắt đầu thời kỳ lo sợ và cô lập. Trong vòng 3 năm ông phải chuyển chỗ ở đến 30 lần. Cuộc sống của ông được cảnh sát bảo vệ 24/24.

“Tôi sống dưới địa ngục thì đúng hơn, tôi là con tin của các con tin” - ông than thở nhiều lần.

Và nỗi đe dọa hiển hiện đêm ngày. Một tòa đại sứ Iran ở châu Âu lập hẳn đội ám sát để xử lý Rushdie. Tình báo Anh cho ông biết, họ đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ tấn công. Đã thế lại còn những lời phê phán kiểu “giậu đổ bìm leo” từ một góc bất ngờ nhất: Một số chính trị gia và nhà văn buộc tội chính tác giả: “Rushdie tấn công một đối thủ quen mặt và ngạc nhiên khi người đó phản ứng đúng như phải phản ứng ở địa vị đó” - lời Le Carré, tác giả tiểu thuyết gián điệp lừng danh.

Cái chết bí ẩn của điệp viên vĩ đại nhất lịch sử Trung Đông nóng bỏng

Cái chết bí ẩn của điệp viên vĩ đại nhất lịch sử Trung Đông nóng bỏng

3 giờ 30 ngày 27/6/2007, khi ông Ashraf Marwan ngã từ ban công tầng 5 của một căn hộ hạng sang ở London, Anh, ông đã mang theo những bí mật của mình sang thế giới bên kia.

Sau 9 năm kiệt quệ

Thoạt tiên Rushdie hoảng sợ quay lưng lại với tác phẩm của mình và nhấn mạnh nguồn gốc Hồi giáo, và đó có lẽ là - như ông sau này phát biểu - “lỗi lầm lớn nhất đời tôi”. Nhưng chẳng ích gì: Khomeini tăng tiền thưởng lấy đầu ông!

Rushdie biến mất hẳn 3 năm liền, trước khi dần dần quay lại với ánh sáng: “Tôi càng sống như không hề có án lệnh của giáo chủ Khomeini thì thông điệp càng rõ hơn: Một thế lực bên ngoài không thể dùng lời đe dọa để giam cầm một công dân của một nước tự do” - ông tuyên bố năm 1996.

Không phải ai cũng dũng cảm như thế. British Airways không cho ông bay cùng. Đan Mạch không dám cho ông nhập cảnh 1996 để nhận giải, mặc dù Iran bắt đầu tỏ ra ôn hòa hơn. Nhưng chỉ khi tổng thống mới Mohammad Chatami lên cầm quyền 1997 thì bóng ma thần chết mới thôi lởn vởn. Bên lề một cuộc họp Liên hợp quốc, Chatami cho biết: “vụ Rushdie đã khép lại hoàn toàn”.

Án lệnh của giáo chủ Khomeini vô tình đã biến Rushdie thành ngôi sao quốc tế, và sách của ông bán chạy khắp thế giới. Không vì thế mà quên mặt tối của nó: 22 người đã bỏ mạng vì liên quan đến tác phẩm này. Như Igarashi, các chủ bút và dịch giả khác như Ettore Capriolo (Italy) hay William Nygaard (Na Uy) may mắn chết hụt.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm