André Gide: Kẻ vô luân trước 'khung cửa hẹp'

16/02/2016 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sinh thời, bạn bè André Gide thường khuyên ông bớt dung túng trong lối viết, đừng khiến văn chương trở thành thứ cổ vũ cho bản năng và tội phạm. Tuy nhiên, trong lễ trao giải Nobel năm 1947, ông lại được tôn vinh bởi chính sự trung thực và thấu đáo trong các sáng tác của mình.

Bản thân Gide, trong suốt cuộc đời, đã phải đấu tranh giữa một bên là “những gì tồn tại trong mình” với một bên là khung cửa hẹp luân lý dẫn tới đời sống thanh giáo trong sạch.

"Khung cửa hẹp"

André Gide sinh ngày 22/11/1869 tại Paris, trong một gia đình trung lưu theo đạo Tin lành. Cha ông là giáo sư luật tại Đại học Paris nhưng sớm qua đời năm 1880, khi nhà văn mới 11 tuổi. Từ nhỏ, Gide được mẹ nuôi dạy nghiêm khắc theo giáo lý tôn giáo. Dù vậy, sự hà khắc từ mẹ không dập được bản năng nổi loạn trong Gide.

Từ những ngày còn rất nhỏ, Gide đã bộc lộ là đứa trẻ cứng đầu, nhiều thói hư tật xấu. Nhưng cũng chính sự ngang ngạnh này mang tới cho nhà văn những hoài bão lớn, đưa ông tới con đường chông gai ít người dám mạo hiểm bước vào, để tìm ra chân lý và chính con người mình.


André Gide: "Hãy thành thật với những thứ tồn tại bên trong mình"

Gide tìm thấy con đường này vào một chiều thu Paris, khi đứng trên cao, nhìn nắng chiếu xuống sông Seine và trên nóc nhà thờ Đức Bà. Ông bỗng thấy mình như một nhân vật trong truyện của Balzac và quyết định sẽ dùng ngòi bút để thực hiện cuộc cách mạng trong tâm tưởng của mình. Ít năm sau đó, ở tuổi 21, ông ra mắt Những ghi chép của André Walter, một tiểu thuyết bán tự truyện kể về những khủng hoảng, giằng xé, mong tìm tới sự thần bí và thanh cao trong tình yêu.

Ngay từ tác phẩm đầu tiên này, Gide đã gây chú ý với lối viết phóng túng, phơi bày không chút giấu giếm những ham muốn vô luân, những nhục dục thấp hèn… Càng về sau, cùng với những biến động mạnh mẽ trong tâm hồn, Gide càng khiến người đọc sửng sốt với những sự thật được đưa ra ánh sáng dưới cái nhìn của một kẻ phi đạo đức.

"Kẻ vô luân"

Những nhân vật của Gide đều mang bóng dáng cuộc đời ông, như ông từng viết: “Kẻ khác có thể đã viết nên một tập sách; nhưng câu chuyện tôi kể ra đây, tôi đã hồi tưởng lại bằng cả tâm hồn”. Để hiểu về những tác phẩm gây chấn động của Gide, cần nhìn lại chính đời ông.

Gide sinh ra vốn là đứa trẻ nhạy cảm, sống bản năng. Về sau, ông lại gặp thêm quá nhiều bão táp trường đời: Mất cha từ nhỏ, chiến tranh liên miên, bệnh tật và đặc biệt là cú sốc năm 26 tuổi, khi ông phát hiện ra mình là người đồng tính.

Trước đó, Gide đã mối tình lãng mạn kéo dài với cô em họ Madeleine Rondeaux từ khi ông mới là cậu bé 12 tuổi (ông đã hồi tưởng lại mối tình đầy ngang trái này trong tác phẩm Khung cửa hẹp). Phát hiện này khiến ông bị rối loạn cảm xúc.

Về sau, ông vẫn trân trọng và cưới Rondeaux nhưng đồng thời chạy theo những mối tình đồng giới và thật bất ngờ, lại có con với một người phụ nữ khác.

Như con thiêu thân, Gide lao vào những cuộc sa đọa trác táng và không ngần ngại phô bày trên trang giấy. Nhiều người đã lên án Gide kịch liệt, coi những tác phẩm của ông như liều thuốc độc cho người đọc. Bạn bè trong giới văn chương cũng có phần dè chứng ông.

Nhưng Gide không vì thế mà chùn bước. Ông vẫn trung thành với bản chất con người, coi thường những hình thức phù phiếm, giả tạo. Ông nâng tầm quan điểm của mình lên thành triết lý trong Kẻ vô luân, kể về Michel, kẻ vượt qua mọi rào cản đạo đức trong hành trình nổi loạn để khám phá con người thật của mình.

Nhưng trong Gide vẫn văng vẳng tiếng Phúc âm cầu sám hối. Chính vị thế luôn ở giữa các thái cực giúp Gide có cái nhìn chân thật về mọi mặt cuộc sống, bộc lộc rõ trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là trong kiệt tác Bọn làm bạc giả.

"Bọn làm bạc giả"

Thomas Mann từng ngợi ca Bọn làm bạc giả của André Gide cùng với Ulyssses của James Joyce và Sói thảo nguyên của Hermann Hesse là những đỉnh cao về nghệ thuật viết.

Bọn làm bạc giả, với cấu trúc lập thể, viết về quan hệ chằng chịt, móc nối giữa các nhân vật tưởng chừng không có liên hệ. Điều đáng nói là các nhân vật này đều hiện lên với hai mặt đối lập, một mặt để trưng với người khác, một mặt là bản chất thật trong mình.

Không có tác phẩm nào mà thói đạo đức giả lại bị vạch trần như trong Bọn làm bạc giả. Đây cũng là tác phẩm tạo nên cả một khuynh hướng hoàn toàn mới trong nghệ thuật viết truyện đương thời.

Nhưng do đó, nó cũng bị những người phản đối Gide đả kích kịch liệt và gọi ông là kẻ phi đạo đức. Trong diễn văn trao giải Nobel Văn học năm 1947, ông Anders Osterling, Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển cho rằng những người công kích đã nhầm lẫn về khái niệm phi đạo đức. Rằng thực ra, “Thuyết Phi đạo đức chỉ đề cập tới những hành động tự do, là sự giải phóng khỏi những dồn nén lương tâm”, chứ Gide không phải người cổ xúy cho những thói buông tuồng sa đọa.

Giải Nobel năm 1947 đã trả lại cho Gide đúng giá trị là một nhà văn kiệt xuất, với kiến thức uyên bác và nghệ thuật viết vượt bậc, và trên tất cả, là người dám đối đầu với những vấn đề của con người bằng cái nhìn chân thực không sợ hãi và sự thấu đáo về tâm lý nhân vật.

Những nhà hiện sinh Pháp nổi tiếng (và sau đó đều giành giải Nobel) là Albert Camus và Jean-Paul Sartre đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Gide.

André Gide (giải Nobel văn học năm 1947) qua đời ngày 19/2/1951 trong sự ngưỡng mộ của thế giới. Ông đã sống một cuộc đời đầy “dưỡng chất trần gian”.Với sự thức thời của mình, văn chương của Gide tới nay vẫn mang tầm ảnh hưởng sâu sắc và được bạn đọc mọi thế hệ đón nhận.

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm