Angela Merkel - người không bao giờ tỏ ra phù phiếm trước máy ảnh

18/11/2021 18:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong Angela Merkel: Portraits 1991 - 2021, cuốn sách mới được Nhà xuất bản Taschen phát hành hôm 15/11, nữ nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl tập hợp các bức chân dung có giá trị trong 3 thập kỷ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, qua đó nêu bật hành trình phi thường trong sự nghiệp chính trị của bà.

Dấu ấn của 'người phụ nữ quyền lực' Angela Merkel

Dấu ấn của 'người phụ nữ quyền lực' Angela Merkel

Sự kiện Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ hoạt động cho Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức khép lại 16 năm liên tiếp bà đảm đương cương vị người đứng đầu chính phủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

30 năm trước, Koelbl bắt đầu xúc tiến làm cuốn Traces of Power (1999) - cuốn sách khảo sát cuộc sống và tầm nhìn của 15 chính trị gia và doanh nhân cấp cao đã thay đổi như thế nào trong suốt 8 năm. Trong nhóm đó có Angela Merkel, khi đó 37 tuổi và vừa được Thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên.

Khá nhút nhát trước máy ảnh

Đều đặn sau đó, năm nào Koelbl cũng chụp ảnh và phỏng vấn Merkel cho đến năm 1998, khi chính trị gia trẻ tuổi này trở thành Tổng thư ký Đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU). Những hình ảnh và cuộc trò chuyện (về công việc của Merkel, cuộc sống của bà ở nhà với người chồng sắp cưới) cho thấy sự thay đổi hấp dẫn, hay nói đúng hơn là tinh tế, từ một nhà vật lý, con gái của một mục sư theo đạo Tin lành thành nhân vật quan trọng trong thế giới chính trị.

Chú thích ảnh
Angela Merkel trong cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl

“Để đạt được sự khách quan lớn nhất có thể trong một khoảng thời gian dài như vậy, tôi luôn chọn một bức tường trắng và một chiếc ghế đơn giản làm phông nền” - nhiếp ảnh gia Koelbl viết trong lời tựa của cuốn sách mới - “Không có bất kỳ biểu tượng quyền lực nào có thể chuyển hướng ánh nhìn của chân dung người được chụp ảnh. Và cũng không có sự hướng dẫn nào từ phía tôi ngoài việc tôi nói rằng: “Hãy nhìn tôi với biểu cảm cởi mở trước ống kính. Ngay cả khi Merkel nổi lên trên chính trường, bà cũng chưa bao giờ thích đứng trước máy ảnh. Nhưng là một người của công chúng, Merkel học cách chấp nhận rằng dù xuất hiện ở đâu bà cũng sẽ bị chụp ảnh”.

Sau khi bà Merkel trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức vào năm 2005, Koelbl vẫn chụp chân dung bà hàng năm của bà với chiếc máy ảnh Hasselblad cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng của bà vào năm nay.

Chú thích ảnh
Bức ảnh chụp Angela Merkel mà Herlinde Koelbl rất yêu thích

Merkel luôn để tóc ngắn và không cầu kỳ. Bà mặc chiếc áo cardigan (áo len) đơn giản, trông thoải mái bên ngoài một chiếc áo cổ lọ. Khi nhìn thẳng vào máy ảnh để chụp những bức chân dung đầu tiên với Koelbl vào năm 1991, Merkel trông giống một phụ nữ khiêm tốn ở độ tuổi 30 hơn là một nhà lãnh đạo đất nước trong tương lai.

Đối với Koelbl, sự chuyển đổi trong ngôn ngữ cơ thể của Merkel trong suốt 8 năm đầu tiên khá đặc biệt. “Merkel vẫn còn hơi lúng túng, khá nhút nhát và nhìn từ phía dưới vào máy ảnh. Cô ấy hoàn toàn không biết mình nên làm gì với tay hay cánh tay của mình”, nhiếp ảnh gia Koelbl nhớ lại lần đầu tiên chụp với Merkel cách đây 30 năm. “Cho đến nhiệm kỳ Thủ tướng cuối cùng của Merkel, điều này đã thay đổi nhưng vẫn còn sự lúng túng ở một mức độ nhất định”.

Tại cuộc thảo luận được tổ chức tại Học viện Khoa học và Nhân văn Berlin-Brandenburg hồi tuần trước, nhiếp ảnh gia cho biết nữ Thủ tướng không bao giờ tỏ ra phù phiếm trước máy ảnh. “Merkel không bao giờ đẩy mình vào mắt công chúng mà chỉ đơn giản chấp nhận việc chụp ảnh là một phần công việc của bà. Merkel rất thiếu kinh nghiệm và nhút nhát trong thời gian đầu. Vì vậy, khi thấy sự tự tin mà bà phát triển qua từng năm - ngôn ngữ cơ thể trong các bức ảnh cho bạn biết điều này – ta sẽ bị hấp dẫn”, Koelbl tiết lộ.

Chú thích ảnh
Angela Merkel và nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl

Con người sau văn phòng

Đối với nhiếp ảnh gia, một khía cạnh đáng chú ý khác trong sự hợp tác của bà với Merkel là Thủ tướng không bao giờ can thiệp vào việc chọn ảnh hoặc cố gắng kiểm soát bất kỳ phần nào của quá trình chụp - điều mà Koelbl hiếm có được ở những nhân vật quyền lực khác.

Trong hành trình tìm kiếm “hình ảnh của người ở sau văn phòng làm việc, không phải chính trị gia chính thức”, Koelbl cũng đã thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn với Merkel vào những năm 1990, trong đó chính trị gia đang lên này nói về tầm nhìn về chính trị cũng như thời thơ ấu và cuộc sống riêng tư của bà.

Chú thích ảnh
Angela Merkel trong cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl

Một trong những câu trả lời đầu tiên của Merkel vào năm 1991, về mức độ tham vọng của bà, cũng có thể coi như bản tóm tắt về toàn bộ sự nghiệp của mình: “Không có tham vọng gì thì có lẽ không hiệu quả. Mặc dù tôi không thể nói đâu là sự khác biệt giữa nhiệt tình với công việc và tham vọng, nhưng trong trường hợp của tôi, tham vọng chỉ cần thiết một phần. Tham vọng của tôi là giải quyết từng công việc tương ứng một cách hợp lý”.

Koelbl chia sẻ rằng kể từ khi đảm nhiệm chức Thủ tướng, thời gian của bà Merkel rất eo hẹp nên thời gian chụp ảnh của bà cũng không có nhiều. Nhưng có một bức chân dung nữ Thủ tướng mà nhiếp ảnh gia cực kỳ yêu thích. Đó là bức ảnh ở đầu cuốn sách. “Tôi đã xem cuộn phim cuối cùng, vì vậy tôi hỏi Merkel: Giờ chúng ta đã gần hoàn thành, cô muốn làm gì? Merkel chỉ chống hai tay lên hông và cười. Thật tự nhiên - chỉ trong giây lát. Qua hình ảnh đó, bạn có thể thấy một Merkel dễ tính và hồn nhiên, điều bà ấy hầu như không bao giờ thể hiện trước công chúng”.

Ngoài việc cung cấp cái nhìn sắc sảo về quan điểm chính trị của Merkel tới công chúng, các câu hỏi của Koelbl còn vượt ra ngoài các cuộc phỏng vấn của các nhà báo thông thường. Koelbl thường xuyên theo dõi xem Merkel có tìm cách thư giãn và dành thời gian cho người bạn đời của mình hay không. Sau khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên, Merkel từng nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên rằng bà không có thời gian để nướng một chiếc bánh mận chín vào mùa Thu năm 1991 - điều mà bà thường làm.

Chú thích ảnh
Chân dung Angela Merkel hồi năm 1991 do Herlinde Koelbl chụp

Nhưng với Koelbl: “Tôi đã có một cách tiếp cận Merkel rất khác so với mọi người bình thường. Tôi không quan tâm đến một chính trị gia chính thức mà quan tâm đến con người đằng sau đó. Con người làm gì khi có quyền lực? Bạn thay đổi như thế nào? Bạn phải học gì để tồn tại ở vị trí đó? Câu trả lời: Bạn phải học trò chơi của chính trị. Merkel là một nhà khoa học vì vậy bà không có bất kỳ kinh nghiệm nào trong thế giới chính trị nhưng bà rất thông minh và học hỏi rất nhanh”.

Nhà sử học Paul Nolte lưu ý, bức chân dung của Koelbl về Merkel - bằng cách mô tả những căng thẳng “giữa sự ổn định trong ánh nhìn, trong ánh mắt và sự thay đổi trong ngôn ngữ cơ thể của bà” - đã phản ánh toàn bộ sự nghiệp chính trị của Merkel. Nữ Thủ tướng luôn theo đuổi sự ổn định và liên tục về chính trị trong khi đối mặt với những biến động của nước Đức.

Vài nét về nhiếp ảnh gia Herlinde Koelbl

Herlinde Koelbl (82 tuổi) là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, tác giả và nhà làm phim tài liệu người Đức. Bà đến với nhiếp ảnh khá muộn khi trước đó bà không có bất kỳ mối liên hệ nào với nhiếp ảnh hoặc truyền thông. Sau đó, bà chụp một số bức ảnh thời trang và đưa cho một người bạn, người này đã nói rằng bà thực sự rất tài năng và sẽ giúp Koelbl phát triển để có thể tạo ra những bức ảnh của riêng mình. Ngay sau đó Koelbl biết bà yêu nhiếp ảnh và đó là công việc bà muốn làm.

Koelbl không chỉ chụp ảnh chân dung mà thích chụp người. Bà thực sự quan tâm đến con người, bởi theo bà đó là chủ đề thú vị nhất nhưng cũng khó nhất. “Sự sống luôn hiện hữu nhưng bạn không bao giờ biết được mọi người sẽ phản ứng như thế nào hoặc nếu họ có tâm trạng tốt. Vì vậy, đó luôn là một thách thức trên cả hai phương diện: với tư cách là một nhiếp ảnh gia/nghệ sĩ và cả với tư cách cá nhân - xét theo khía cạnh tâm lý - để tiếp cận con người” - Koelbl chia sẻ.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm